Cân đo sức cầu cho sản phẩm phái sinh thứ hai

Các thành viên của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) hiện là khối nhà đầu tư tiềm năng có nhu cầu lớn nhất giao dịch sản phẩm chứng khoán phái sinh thứ hai - Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (TPCP). Để đo lường ban đầu về sức cầu từ khối nhà đầu tư này, Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA.

Với 7 ngân hàng thương mại được cấp phép tham gia thị trường chứng khoán phái sinh đến thời điểm này, xem ra nhà đầu tư chủ lực giao dịch sản phẩm Hợp đồng tương lai TPCP là các ngân hàng. Với khẩu vị đầu tư tương tự nhau, việc chủ yếu các ngân hàng giao dịch với nhau được nhìn nhận sẽ khó đảm bảo tính đa dạng trong hoạt động của thị trường, ông nghĩ sao về điều này?

Với cơ sở nhà đầu tư tính đến thời điểm hiện tại, dường như chỉ các ngân hàng thương mại giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP với nhau. Hiện tại, mới có 7 ngân hàng được tham gia giao dịch, điều này sẽ khiến cho việc mua - bán trên thị trường khó đa dạng, bởi giao dịch của các ngân hàng nhiều khả năng chỉ diễn ra một chiều.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA.

Đó là khi lãi suất tăng thì ngân hàng nào cũng muốn mua vào Hợp đồng tương lai TPCP để phòng vệ rủi ro cho danh mục đầu tư TPCP mà họ đang nắm giữ (hiện giá trị danh mục TPCP mà khối ngân hàng thương mại sở hữu vào khoảng 800.000 - 900.000 tỷ đồng). Vậy ai bán ra để họ mua?

Mặt khác, trên thị trường cơ sở, hiện nhà đầu tư ngoại nắm giữ lượng TPCP không đáng kể, nên cũng khó phát sinh nhu cầu giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP để phòng vệ.

Cơ sở nhà đầu tư quá hạn chế và phụ thuộc vào khối ngân hàng thương mại đang là một trong những thách thức lớn khi triển khai Hợp đồng tương lai TPCP. Để mở rộng cơ sở nhà đầu tư cần phải có thời gian, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó cần có cơ chế khuyến khích về phí, thuế để thu hút đa dạng các đối tượng nhà đầu tư tham gia thị trường.

Các giải pháp này, theo kinh nghiệm từ những thị trường phát triển cho thấy, sẽ phát huy tác dụng trong thu hút các nhà đầu tư khác ngoài ngân hàng tham gia như các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm…

Về phần Hiệp hội, để hỗ trợ nhà đầu tư tham gia thị trường thuận lợi, cũng như tiếp nối chương trình đào tạo cho nhà đầu tư được triển khai từ năm trước, dự kiến vào đầu tháng 12 năm nay, VBMA sẽ phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán Nhật Bản và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu cho nhà đầu tư.

Ngoài 7 ngân hàng thương mại đã được cấp phép tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, hiện có bao nhiêu ngân hàng là thành viên của VBMA đang nộp hồ sơ xin Ngân hàng Nhà nước cấp phép tham gia thị trường này, thưa ông?

Tham gia thị trường chứng khoán phái sinh sớm hay muộn phụ thuộc vào chiến lược hoạt động, quan điểm kinh doanh của các ngân hàng thương mại.

Cũng như bất kỳ sản phẩm mới nào, khi tham gia giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP, cơ hội luôn song hành với thách thức, nên các ngân hàng sẽ phải cân nhắc và có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng.

Tôi không biết chính xác hiện có bao nhiêu ngân hàng thương mại đã nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước để xin cấp phép tham gia thị trường chứng khoán phái sinh.

Tuy nhiên, thông tin từ thị trường cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều đã nộp hồ xin cấp phép tham gia thị trường này để sớm có giấy phép. Đây là bước chuẩn bị chủ động của các ngân hàng để khi bối cảnh thuận lợi là có thể tham gia giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP ngay.

Các ngân hàng thương mại than phiền đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình chuẩn bị tham gia giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP, chẳng hạn họ lúng túng khi hiện chưa có quy định pháp lý hướng dẫn cách thức hạch toán kế toán cho giao dịch sản phẩm này. Theo ông, cách nào tháo gỡ vướng mắc trên?

Trong trường hợp cơ quan quản lý chậm ban hành văn bản hướng dẫn thì có một cách xử lý tình thế. Theo tôi tìm hiểu cách xử lý vấn đề này từ các ngân hàng, chẳng hạn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), họ chủ động xây dựng phương án hạch toán kế toán nội bộ theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Phương án này được BIDV gửi kèm trong hồ sơ xin Ngân hàng Nhà nước cấp phép tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, với nội dung giải trình cụ thể.

Sau khi xem xét nội dung này mà cơ quan quản lý không có ý kiến, thì các tổ chức có thể căn cứ vào đó để hạch toán sản phẩm Hợp đồng tương lai TPCP.

Tuy nhiên, lý tưởng nhất là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sớm có văn bản hướng dẫn cho các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty quản lý… về hạch toán kế toán đối với giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP.

Do việc hạch toán kế toán liên quan đến đánh giá lãi lỗ, nghĩa vụ thuế…, nên nếu không sớm có văn bản hướng dẫn từ cơ quan quản lý thì tiềm ẩn những rủi ro về pháp lý đối với các thành viên thị trường khi tham gia giao dịch sản phẩm này.

Chúng tôi đang trông đợi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, với Bộ Tài chính là đầu mối tổ chức triển khai sản phẩm phái sinh tiếp tục hợp tác và làm việc với Ngân hàng Nhà nước để sớm ban hành chuẩn mực kế toán thống nhất cho sản phẩm Hợp đồng tương lai TPCP.

Những vướng mắc trên, theo ông, có ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng tham gia của các ngân hàng ngay khi Hợp đồng tương lai TPCP được đưa vào giao dịch?

Như tôi đã phân tích ở trên, các khó khăn, vướng mắc đang được tháo gỡ, nên các ngân hàng đang trong tâm thế sẵn sàng tham gia ngay khi Hợp đồng tương lai TPCP được đưa vào giao dịch.

Vạn sự khởi đầu nan, chúng ta không thể kỳ vọng mọi thứ đều thuận lợi khi triển khai sản phẩm mới này.

Điều quan trọng là trên cơ sở các yếu tố mang tính cốt lõi hoàn tất, thì nên tính toán kỹ lưỡng về thời điểm thích hợp để đưa sản phẩm vào giao dịch và từ thực tiễn vận hành của thị trường, các cơ quan quản lý cũng như các thành viên thị trường cần có sự phối hợp để tháo gỡ tiếp những vướng mắc, cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh.

Nguyễn Hữu

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/can-do-suc-cau-cho-san-pham-phai-sinh-thu-hai-244972.html