Cân đo cơ hội tái cử của Tổng thống Trump

Nếu như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 có 2 nhân vật chính là Hillary Clinton và Donald Trump thì năm nay, đánh giá kết quả cuộc bầu cử thực chất là xem xét cơ hội tái cử của đương kim Tổng thống Mỹ.

Dữ liệu bầu cử đáng tham khảo

Trong khi rất nhiều người cho rằng cuộc bầu cử năm 2020 này có nhiều điểm giống với cuộc bầu cử năm 2016, nhất là kết quả thăm dò cử tri bất lợi cho Trump nhưng không phản ánh chính xác “đa số im lặng” ủng hộ ông, nên tin rằng ông Trump sẽ lại chiến thắng như cách đây 4 năm.

Ảnh: wlrn

Ảnh: wlrn

Tuy nhiên, cuộc bầu cử đáng tham khảo hơn lại là cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018. Trong 2 năm đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Trump tập trung thực hiện những cam kết khi tranh cử của mình nên rất được lòng các cử tri của ông nhưng lại hầu như không giúp gì cho những cử tri không bỏ phiếu cho ông năm 2016. Ngược lại, những chính sách, phát ngôn và hành động của ông lại càng khiến nhóm người chống đối ông gia tăng về số lượng và căm ghét ông hơn.

Cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 được nhiều người xem là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm Tổng thống Trump. Theo số liệu tổng hợp sau bầu cử của Trung tâm nghiên cứu Pew, Cục Thống kê Mỹ:

- 49% tổng số cử tri hợp lệ đã đi bầu, tỉ lệ cao nhất trong vòng 100 năm qua.

- Đảng Dân chủ thắng lớn từ sự gia tăng lượng cử tri đi bầu này với việc chiếm thêm được 41 ghế trong Hạ viện từ đảng Cộng hòa, giành quyền kiểm soát Hạ viện, đồng thời chiếm thêm được chức Thống đốc ở 7 bang.

- Cộng hòa chiếm được từ Dân chủ 4 ghế ở Thượng viện từ các bang đã bầu cho ông Trump năm 2016 là Indiana, Missouri, North Dakota và Florida, giúp gia tăng đa số của họ trong Thượng viện thêm 2 ghế.

Như vậy có thể thấy xu hướng gia tăng số lượng cử tri hợp lệ đi bầu thể hiện rất rõ và đảng Dân chủ dường như hưởng lợi nhiều hơn đảng Cộng hòa từ sự gia tăng này. Trong các bang chiến địa truyền thống (phân biệt với bang chiến địa mới xuất hiện trong kỳ bầu cử này là Texas), Florida là bang mà Trump có khả năng thắng nhiều hơn cả.

Vận động bầu cử hiệu quả hơn

Trong nhiều chu kỳ bầu cử trở lại đây, đảng Cộng hòa luôn làm tốt hơn rất nhiều so với đảng Dân chủ trong việc vận động cử tri của mình đi bầu. Những ai sống ở Mỹ có thể thấy về mặt trực quan, các cử tri đảng Cộng hòa thường có ý thức kỷ luật rất cao, có niềm tin rất mạnh mẽ, và trách nhiệm chính trị, trong đó có nghĩa vụ bầu cử, rất lớn.

Vì vậy, tỉ lệ cử tri của đảng này đi bầu thường cao hơn hẳn so với đảng Dân chủ, vốn có nhiều cử tri rất vô tổ chức, lười nhác hoặc không hiểu/ý thức rõ quyền của mình, không “máu lửa”.

Nhưng đấy là trước đây. Còn từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, ông đã kích động không chỉ những cử tri đảng Cộng hòa mà còn cả những người chống đối ông, khiến nhiều người vốn trước đây vốn thờ ơ với chính trị hoặc sợ bị phiền toái khi tham gia chính trị đã trở nên rất máu lửa trong việc thể hiện sự phản kháng của mình.

Tỉ lệ cử tri “đào ngũ”

Dữ liệu từ cuộc bầu cử 2018 cho thấy, mặc dù sự trung thành với đảng mình (party loyalty) của cử tri vẫn rất cao, nhưng so với năm 2016, tỉ lệ cử tri Cộng hòa bỏ phiếu cho Dân chủ lớn hơn tỉ lệ cử tri Dân chủ bỏ phiếu cho Cộng hòa.

Nói cách khác, lượng cử tri Cộng hòa “đào ngũ” chạy sang phe Dân chủ năm 2018 đã nhiều hơn chiều ngược lại so với năm 2016. Năm 2016, Tổng thống Trump thu hút được nhiều cử tri đào ngũ hơn nhưng ở năm 2020 này, số lượng cử tri rời bỏ ông hẳn vẫn tiếp tục xu hướng từ năm 2018. Về mặt trực quan, ta thấy năm 2020 có nhiều đảng viên và chính trị gia Cộng hòa gạo cội đã công khai tuyên bố bỏ phiếu cho ông Biden, còn ở chiều ngược lại, rất hiếm thấy các báo cáo về sự đào ngũ của phe Dân chủ.

Với tính cách và chính sách của mình, Tổng thống Trump đã gây chia rẽ sâu sắc cử tri Mỹ, khiến họ phân cực mạnh mẽ thành 2 phe, hoặc ủng hộ ông mạnh mẽ, hoặc chống ông quyết liệt, chứ ít có những trường hợp lừng khừng ở giữa.

Cử tri trung lập và phân vân chiếm 34% tổng số cử tri năm 2016 và 33% năm 2018. Nếu năm 2016 Trump dẫn 43% so với 42% của Clinton ở nhóm này thì 2 năm sau tình hình đảo ngược ngoạn mục.

Dữ liệu bỏ phiếu sớm năm 2020 cho thấy lượng cử tri trung lập/không đảng phái đã giảm mạnh xuống còn 23,6% với trên 95 triệu cử tri đã bỏ phiếu, tương đương 68% tổng số cử đi bầu năm 2016 và 59% năm 2020 (dự kiến). Tuy đã giảm nhưng cử tri độc lập vẫn chiếm số lượng đáng kể và kết hợp với xu hướng bỏ phiếu cho ông Biden ở những người bầu cử sớm, có thể thấy ông Trump gặp nhiều bất lợi hơn ở nhóm này.

Soi các tiêu chí vào các bang chiến địa trong kỳ bầu cử 2020 thì thấy ông Trump gặp nhiều bất lợi hơn. Trong số những bang chiến địa truyền thống có nhiều phiếu đại cử tri nhất, chỉ có Florida là khả dĩ với ông nhất. Điều này không tính đến một bang chiến địa rất nhiều phiếu đại cử tri mới xuất hiện trong kỳ bầu cử lần này là Texas, vốn là thành trì của đảng Cộng hòa từ trước đến nay cũng như California hay New York là thành trì của đảng Dân chủ.

Nỗ lực vận động tranh cử cuối cùng

Các nỗ lực vận động cử tri vào phút chót trong tuần vừa rồi có vẻ như không còn nhiều tác dụng vì tỉ lệ cử tri phân vân còn rất thấp, nhất là trong số cử tri Cộng hòa. Nỗ lực của Tổng thống Trump là nhắm chủ yếu vào lượng cử tri độc lập ít ỏi còn lại chưa bỏ phiếu.

Ông Biden ít đi vận động hơn ông Trump một phần vì Covid-19, nhưng có lẽ một phần khác là cố tình để Trump kích động cử tri Dân chủ hộ mình, vì ông Trump làm điều đó tốt hơn bất kỳ ai lúc này.

Kết quả các cuộc thăm dò, đặc biệt là ở các bang chiến địa, cho thấy Trump đang gặp rất nhiều bất lợi. Nhưng tôi không quan tâm nhiều đến thăm dò lắm vì kể cả có rút kinh nghiệm từ năm 2016, sự chính xác cũng khó được cải thiện nhiều. Nếu có đúng thì sẽ là ăn may nhiều hơn.

Vũ Tú Thành

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/can-do-co-hoi-tai-cu-cua-tong-thong-donald-trump-685819.html