Cần định hướng lâu dài công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu nhà Vương

VH- Trong hai ngày 28 – 29.8, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu đã có cuộc kiểm tra công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Giang

Đối với di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Khu nhà Vương, để phát huy giá trị di tích này trong bối cảnh mới, sắp tới cần có định hướng và kế hoạch lâu dài.

Di sản trên cao nguyên đá Đồng Văn là trọng tâm phát triển du lịch

Là một tỉnh địa đầu tổ quốc, hiện Hà Giang có 55 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 26 di tích cấp quốc gia. Từ năm 2006, UBND tỉnh Hà Giang đã phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Hiện Hà Giang đã có 16 di sản văn hóa phi vật thể của các đồng bào dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và 3 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẳng định: “Xác định du lịch là trọng tâm phát triển kinh tế, xã hội của toàn tỉnh, từ lâu các cấp chính quyền của tỉnh đã xem trọng các di sản văn hóa nói chung và các di sản trên cao nguyên đá Đồng Văn là tài nguyên quý cần giữ gìn và phát huy”.

Đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã đi thực tế kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và những vấn đề liên quan tại di tích Cột cờ Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn và di tích kiến trúc nghệ thuật Khu nhà Vương. Kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tại di tích Quốc gia Cột cờ Lũng Cú, Đoàn công tác của Bộ đánh giá cao công tác quản lý, đáp ứng nhu cầu đón tiếp và phục vụ, hướng dẫn khách tham quan du lịch tại khu di tích linh thiêng này. Bên cạnh yêu cầu giảm bớt những ảnh hưởng không đáng có tại khu vực xây dựng chùa gần Cột cờ Lũng Cú, Đoàn công tác nhấn mạnh việc bảo vệ, giữ gìn nguyên vẹn Mắt rồng dưới chân núi Cột cờ Lũng Cú. Đó là hai hồ nước mà người dân nơi đây gọi là Mắt Rồng gắn với truyền thuyết về Rồng để lại mắt trên Cao nguyên đá.

Trong những năm từ 2013 đến năm 2017, nhiều dự án tu bổ cấp thiết đã được triển khai tại Khu di tích Phố cổ Đồng Văn theo nhiều đợt khác nhau. Theo đó, 5 nhà cổ của người dân đã được sửa chữa, tu tổ theo đúng vật liệu truyền thống của địa phương là kết cấu khung gỗ và mái ngói âm dương và 15 ngôi nhà cổ khác cũng đã được lập dự toán, phê duyệt kinh phí sửa chữa, tu bổ. Khu chợ Phố cổ Đồng Văn cũng đã được di dời ra chỗ khác để bàn giao cho UBND thị trấn Đồng Văn quản lý, tổ chức Chợ đêm phố cổ… Kiểm tra thực tế tại Phố cổ Đồng Văn, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa khẳng định: “Việc xây dựng mới trong khu vực bảo vệ 1 di tích Phố cổ Đồng Văn là chưa có. Nhìn chung, việc bảo tồn các các nhà cổ và khu chợ cổ là hài hòa”.

Kịch bản thuyết minh tại Khu nhà Vương sẽ được biên tập, sửa chữa

Một số phản ánh của ông Vương Duy Bảo là có thật

Sau khi kiểm tra thực tế, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Giang về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung cũng như về việc xử lý các vấn đề liên quan đến kiến nghị của ông Vương Duy Bảo về di tích kiến trúc nghệ thuật Khu nhà Vương nói riêng.

Đối với việc kiểm tra, rà soát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích Khu nhà Vương, ngày 24.8.2018 Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đã có văn bản báo cáo việc xử lý các vấn đề liên quan và kiến nghị của ông Vương Duy Bảo. Qua kiểm tra, rà soát, UBND tỉnh Hà Giang nhận thấy việc Sở TNMT tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Khu di tích cho Phòng VHTT huyện Đồng Văn là không đúng về đối tượng sử dụng đất, không phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó, ngày 23.8 vừa qua, Giám đốc Sở TNMT đã ban hành quyết định về việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương đã cấp cho Phòng VHTT huyện Đồng Văn.

Liên quan đến một số vấn đề liên quan đến đơn kiến nghị của ông Vương Duy Bảo, qua kiểm tra thực tế tại di tích Khu nhà Vương, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL nhận thấy một số phản ánh của ông Vương Duy Bảo là có thật. Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL nhìn nhận: “Xem xét những vấn đề kiến nghị của ông Vương Duy Bảo thì nhìn chung công tác bảo tồn, phát huy Khu nhà Vương tương đối tốt. Tuy nhiên để bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích này một cách lâu dài, bền vững cần có định hướng và có kế hoạch lâu dài”.

Cụ thể, sát cạnh tường rào Khu nhà Vương xuất hiện một số nhà của các hộ dân được xây dựng bằng vật liệu mới, mái nhà của các hộ dân này nhô cao hẳn lên bờ tường. Mặc dù sự tồn tại của các hộ dân này có trước khi di tích Khu nhà Vương được Nhà nước xếp hạng, nhưng thực tế việc các hộ dân sinh sống và xây dựng nhiều công trình áp sát tường rào khu di tích và ít nhiều xâm lấn dần vào khu vực bảo vệ di tích đã đem đến những quan ngại về nguy cơ đe dọa, xâm hại di tích.

Hiện di tích Khu nhà Vương do ông Vương Quỳnh Đèo, một trong những huyết thống của nhà họ Vương làm Tổ trưởng tổ quản lý, con gái ông Đèo là Vương Thị Chở từ lâu cũng đã đảm trách công việc Thuyết minh viên ở khu di tích, hằng tháng đều có việc làm và thu nhập ổn định.

Ông Đèo khẳng định: “Nguyện vọng của con cháu nhà họ Vương là xin sở hữu di tích này cho cả dòng họ, không sở hữu riêng cho ai. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di tích cả về chuyên môn và định hướng cứ như trước đây, đều phải do Nhà nước quản lý”. Liên quan đến một số câu chữ trong thuyết minh tại di tích, ông Lâm Tiến Mạnh, Phó giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang cho biết, Sở đã giao Bảo tàng tỉnh kiểm tra, biên tập kịch bản thuyết minh và sẽ tổ chức hội nghị xin ý kiến các chuyên gia cũng như đại diện gia đình nhà họ Vương.

Riêng về công tác bảo tồn di tích, ông Trần Đình Thành nhìn nhận kết cấu Khu nhà Vương khá đơn giản, vật liệu xây dựng tương đối bình thường nên để phát hiện việc xuống cấp hay thấm dột di tích về lâu dài cần có chuyên gia thường xuyên khảo sát, thẩm định.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định: “Nhà nước không quốc hữu hóa di sản văn hóa. Để bảo tồn và phát huy khu di tích này, việc trước mắt là sớm kiểm kê hiện vật và ban hành Quy chế hoạt động quản lý, bảo vệ di tích Khu nhà Vương”.

PHÚC NGHỆ; ảnh: PHẠM CAO QUÝ

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/can-dinh-huong-lau-dai-cong-tac-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-khu-nha-vuong