Cần dẹp bỏ dịch vụ đòi nợ thuê

Sự bất ổn về an ninh trật tự do dịch vụ đòi nợ thuê như 'giang hồ' đang khiến nhiều địa phương phía Nam bức xúc. Không chỉ người dân, cử tri mà đến mức ngay cả ngành công an cũng lên tiếng. Và mới đây, UBND TP.Hồ Chí Minh đã chính thức kiến nghị cấm kinh doanh loại hình dịch vụ này.

Một người dân ở Đồng Nai bị công ty đòi nợ thuê “khủng bố tinh thần” bằng việc dán tờ rơi bêu tên khắp khu phố nơi sinh sống. Ảnh: NN

Gây bất ổn xã hội

Bà N.T.H (một DN ở quận 3 TPHCM) mở to loa điện thoại cho chúng tôi nghe tiếng một nhân viên của một Cty đang đòi nợ bà. Đối tượng không xưng tên, giọng lạnh lùng: “Sau ngày xxx, bà không trả lại cho Cty Y.. thì lo mà giữ sức khỏe con cái (văng tục..)”. Bà H bức xúc cho biết, liên tục 1 tuần nay, đối tượng này khi thì gọi lúc sáng sớm, lúc nửa đêm khiến bà mất ăn mất ngủ, hoảng loạn.

Thực trạng đòi nợ kiểu khủng bố tinh thần như vậy đã thành… phổ biến TPHCM. Tính đến hiện tại, TPHCM có 44 DN được ngành công an cấp giấy đủ điều kiện để được hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê. Nhưng 12/44 DN đã nộp lại giấy phép do hoạt động không hiệu quả, 4 DN xin tạm ngưng, còn lại 28 DN.

28 DN này, theo Thượng tá Nguyễn Quang Thắng (Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM), đa phần từ các tỉnh khác đến lập văn phòng và cũng đưa người ở các nơi đến thành phố để đi đòi nợ. Các đối tượng của các Cty khi đi đòi nợ thuê thường đe dọa mang tính chất xã hội đen, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Thậm chí, có nhiều vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Hiện trong “tầm ngắm” của công an TPHCM có 5 băng nhóm và 137 DN cầm đồ có biểu hiện nghi vấn, với thủ đoạn cho vay sau đó liên kết các Cty đòi nợ thuê để đi đòi nợ.

Không chỉ TPHCM, tại tỉnh BRVT, theo Đại tá Đoàn Minh Quyết, Trưởng Công an TP Vũng Tàu, 6 tháng đầu năm 2018, chỉ riêng ở thành phố này, trong 48 vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, thì tới 42 vụ là đòi nợ thuê bằng hình thức tạt sơn, ném chất bẩn vào nhà con nợ để gây áp lực.

Một nhóm đòi nợ thuê ở nhà người dân tại TPHCM. Ảnh chụp từ clip

Gian nan xử lý

Ở TPHCM đang xôn xao và bức xúc trước vụ việc, tháng 8 vừa qua, ông Hồ Tăng Quang (phường 11 quận Tân Bình) đã phải làm đơn xin từ con, vì liên tục bị 3 nhóm hàng chục người kéo tới nhà đe dọa, tạt sơn ép buộc ông trả nợ thay cho con gái. Toàn bộ hành tung của chúng bị người dân quay camera lại.

Bức xúc và rõ ràng đến vậy, nhưng xử lý ra sao? Trả lời báo chí tại họp báo mới đây (ngày 1.10), đại diện công an TPHCM cho hay, chỉ có thể mời một số đối tượng lên nhắc nhở, xử lý hành chính. “Muốn làm mạnh hơn thì phải nắm được đối tượng đứng đằng sau. Tuy nhiên việc này gặp khó khăn”, đại diện công an TPHCM cho biết.

Tất nhiên, không phải bỗng nhiên khi đi đòi nợ, nhiều nhân viên Cty đồi nợ thuê thách thức con nợ gọi công an. Bởi vì lên công an thì chỉ bị xử hành chính như trên, không thể ngăn cản những hành động côn đồ.

Trường hợp trên là minh chứng điển hình cho hàng chục vụ việc khác xảy ra ở TPHCM, mà giải pháp chủ yếu vẫn là xử lý phạt hành chính với số tiền “như muối bỏ biển” so với lợi nhuận các Cty đòi nợ thu về. Được biết năm 2017, cơ quan chức năng TPHCM kiểm tra 28 lượt Cty đòi nợ thuê thì có tới 13 trường hợp sai phạm nhưng chỉ xử phạt được hành chính số tiền hơn 91 triệu đồng.

Không thể để “xã hội đen” làm thay tòa án

Theo ông Võ Văn Hoan (Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TPHCM), chính sự biến tướng gây bất an xã hội trên, thành phố vừa chính thức kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.

Theo ông Hoan, UBND TP cho rằng quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Với quan hệ này, nhà nước đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như Tòa án, Viện kiểm sát, thi hành án...để thực hiện khi xảy ra tranh chấp.

“Chính vì vậy, quan điểm của thành phố là nên cấm đòi nợ thuê. Khi có mâu thuẫn cần đưa ra tòa và phán quyết của tòa chính là phán quyết cuối cùng mà các bên buộc phải theo”, ông Hoan nói, nhưng cũng thừa nhận, sẽ khó khăn, cần phải một quá trình chuyển đổi dài. Bởi dịch vụ này ra đời cách đây 10 năm và lại đang bùng phát mạnh khắp nơi, đặc biệt các tỉnh thành trọng điểm kinh tế phía nam. Vì thế, UBND TPHCM cho rằng, nếu không thể cấm thì bộ ngành liên quan cần có giải pháp quy định tăng cường quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.

Ngô Nguyên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/can-dep-bo-dich-vu-doi-no-thue-634549.ldo