Cần đẩy mạnh theo hướng càng dùng nhiều giá càng cao

Biểu giá bán lẻ điện bậc thang gồm 6 bậc của Việt Nam hiện không còn phù hợp với thực tế tiêu thụ điện hiện nay. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang xây dựng Đề án 'Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện'. Theo ý kiến của các chuyên gia, biểu giá mới cần thể hiện rõ chính sách an sinh xã hội và khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, dùng càng nhiều điện giá càng cao.

Xây dựng 3 phương án biểu giá điện sinh hoạt mới

PGS, TS Bùi Xuân Hồi (Bộ môn Kinh tế năng lượng-TrườngĐại học Bách khoa Hà Nội)-đại diện đơn vị tư vấn xây dựng Đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” cho biết: "Hiện nay, phương án biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc thang không còn phù hợp với cơ cấu tiêu dùng điện của khách hàng. Tỷ lệ hộ dùng điện ở các bậc thấp giảm đi, hộ dùng điện ở các bậc phổ biến trong xã hội và bậc cao tăng lên. Do đó, biểu giá điện sẽ được điều chỉnh dựa trên cơ cấu phụ tải sinh hoạt; cơ cấu thu nhập, chi tiêu cho tiêu dùng điện và số lượng các hộ tiêu thụ hiện hành, chính sách xã hội trong định giá và biến thiên chi phí cao thấp điểm hệ thống điện".

Theo đó, đề án đưa ra 3 phương án biểu giá điện sinh hoạt tương ứng với 3 bậc thang, 4 bậc thang và 5 bậc thang. Cụ thể, với phương án 3 bậc thang (bậc 1 từ 0 đến 100kWh/tháng; bậc 2 từ 101 đến 400kWh/tháng; bậc 3 từ 401kWh/tháng trở lên). Với phương án 4 bậc thang, gồm: Bậc 1 từ 0 đến 100kWh, bậc 2 từ 101 đến 300kWh, bậc 3 từ 301 đến 600kWh, bậc 4 từ 601kWh trở lên; phương án 5 bậc thang, gồm: Bậc 1 từ 0 đến 100kWh, bậc 2 từ 101 đến 200kWh, bậc 3 từ 201 đến 400kWh, bậc 4 từ 401 đến 700kWh, bậc 5 từ 701kWh trở lên.

 Công nhân điện lực duy tu, bảo dưỡng hệ thống điện. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Công nhân điện lực duy tu, bảo dưỡng hệ thống điện. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Theo ông Bùi Xuân Hồi, cả 3 phương án đều không gây tác động nhiều đến hộ tiêu dùng, xã hội và doanh thu của EVN giảm nhẹ. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, phương án biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc là khả thi hơn cả với các mục tiêu định giá, phù hợp với thu nhập của các hộ gia đình. Cụ thể, trong cơ cấu tiêu dùng thì số hộ tiêu dùng điện từ 101 đến 200kWh/tháng chiếm tỷ lệ nhiều nhất (37%). Với biểu giá điện 5 bậc thang thì hộ tiêu dùng 101-200kWh/tháng chịu tác động ít nhất trong 3 phương án. Việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp với đặc điểm tiêu dùng hiện nay. 5 bậc thang sản lượng cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình. Theo đó, với phương án cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt theo 5 bậc, khiến người tiêu dùng tại bậc 1 (

Cần theo hướng: Dùng càng nhiều giá càng cao

Thực tế cho thấy, sẽ không có biểu giá điện nào thỏa mãn tất cả đối tượng tiêu dùng điện trong xã hội vì phương án nào cũng có những ưu điểm, nhược điểm. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn phương án phù hợp với đại bộ phận khách hàng sử dụng điện, hỗ trợ được người nghèo, bảo đảm bù đắp chi phí kinh doanh điện hợp lý và khi đưa vào áp dụng phải thực hiện được mục tiêu tiết kiệm điện, buộc người tiêu dùng với sản lượng điện lớn phải trả đúng chi phí họ gây ra cho hệ thống điện. Theo đó, bậc 1 cần chú ý đến đối tượng tiêu thụ điện ít, khả năng chi trả không cao. Bậc 2 là bậc thiết kế phục vụ số đông, tức là phục vụ đại bộ phận các hộ tiêu dùng điện có mức tiêu dùng điện ở mức trung bình, phổ biến của xã hội. Bậc 3 là bậc phải thể hiện được chính sách điều tiết đối với các hộ tiêu dùng điện nhiều để phục vụ chính sách khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm, hiệu quả…

Góp ý vào đề án, phần lớn chuyên gia đồng tình với đề xuất lựa chọn phương án biểu giá điện 5 bậc, nhưng đề nghị xây dựng đề án lưu ý một số điểm để có biểu giá điện sinh hoạt phù hợp với những người có thu nhập thấp hơn. Đồng tình với biểu giá điện có 5 bậc thang, song nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung còn băn khoăn, khi ở phương án này những người ở bậc thấp thì phải trả thêm tiền, còn những người bậc cao thì trả ít đi. Vì thế, ông Nguyễn Đình Cung kiến nghị nên giảm phần giá đối với bậc thấp, tăng giá đối với phần bậc cao trong biểu giá 5 bậc thang. Ngoài ra, cũng cần phải tách bạch chi phí công ích với chi phí sản xuất kinh doanh điện, để tính đúng chi phí sản xuất điện, từ đó có biểu giá điện hợp lý.

Có cùng cách nhìn nhận trên, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long cho rằng, việc gộp các bậc trong biểu giá điện là hợp lý, cũng bảo đảm được ý đồ của biểu giá bậc thang là: Dùng càng nhiều giá càng cao. Tuy nhiên, cần phải cải tiến biểu giá bởi hiện nay, mức độ chênh lệch của bậc cao nhất và thấp nhất là chưa đủ mạnh để người sử dụng cảm nhận được “sức nóng” của dùng điện nhiều, từ đó có ý thức tiết kiệm.

Nhấn mạnh tới các giải pháp để thực hiện mục tiêu tiết kiệm điện, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa lại cho rằng, dùng càng nhiều càng phải trả giá cao hơn thực chất là logic kinh tế đi từ đặc trưng của hệ thống điện, do tài nguyên đầu vào sản xuất điện không phải vô tận, thậm chí đang cạn kiệt và ở thời điểm gia tăng phụ tải cao điểm ngành điện đã phải huy động các nguồn điện có giá thành cao hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Theo đó, để buộc người tiêu dùng với sản lượng điện lớn phải trả đúng chi phí họ gây ra cho hệ thống điện, phải xem lại cách bố trí bậc thang trong biểu giá 5 bậc, khoảng cách về giá cần tương ứng với sản lượng điện tiêu dùng…

Đề xuất điều chỉnh giá điện 6 tháng/lần

Không chỉ đề xuất rút ngắn biểu giá điện bậc thang, nhóm nghiên cứu còn đề xuất phải luật hóa chu trình điều chỉnh giá điện và nên điều chỉnh giá điện 6 tháng/lần. Hiện nay, thời gian giữa các lần điều chỉnh là dài, tạo áp lực lớn cho các lần điều chỉnh.

Góp ý vào vấn đề này, ông Trần Văn Bình, giảng viên cao cấp Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, nguồn nguyên liệu đầu vào cấu thành lên giá bán điện thường liên tục thay đổi và có xu hướng tăng là chủ yếu. Tuy nhiên, những năm qua, thời gian điều chỉnh giá điện thưa (khoảng hai năm/lần), nên mỗi lần điều chỉnh thường gây “sốc” cho xã hội. Do đó, nên luật hóa quy định điều chỉnh giá điện 2 lần/năm. Hiện nay, giá xăng dầu đã biến động theo diễn biến thị trường, điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày, tránh gây "sốc" giá. Cũng theo ông Trần Văn Bình, việc tính toán giá điện cũng cần phải tính đến mức phí khuyến khích năng lượng tái tạo. Thời gian qua, điện mặt trời tạo nên cơn sốt, bởi Chính phủ khuyến khích với mức giá mua điện 9,5 cents (hơn 2.000 đồng/kWh); trong khi đó, giá bán điện trung bình chỉ khoảng 1.700 đồng/kWh. Nếu đứng ở góc độ kinh doanh, EVN càng mua càng lỗ. Do đó, việc khuyến khích năng lượng tái tạo nhưng cần phải có cơ chế, không thể bắt ngành điện gánh.

Ủng hộ quan điểm luật hóa quy định điều chỉnh giá điện 6 tháng/lần, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, giá điện cũng cần phải có quy luật thay đổi để tiệm cận được với thị trường. Theo đó, việc điều chỉnh giá điện cần phải luật hóa và bắt buộc cơ quan nhà nước cũng như EVN phải tuân thủ. Dù đến thời điểm đó, giá điện không biến động cũng phải công bố để dư luận nắm rõ. Việc tính toán mức giá điều chỉnh thực hiện biến đổi theo tỷ giá, nguyên liệu đầu vào.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-day-manh-theo-huong-cang-dung-nhieu-gia-cang-cao-602514