Cần đánh giá tác động kỹ lưỡng trước khi đề nghị bổ sung quy định mới

Sáng 9-9, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bắt đầu tiến hành chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 37.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, UBTVQH tiến hành Phiên họp thứ 37 để cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám và tiến hành giám sát chuyên đề, xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của UBTVQH. Thực hiện thông báo kết luận của UBTVQH tại Phiên họp thứ 36, các cơ quan đã tích cực chuẩn bị nội dung cho Phiên họp thứ 37. Tuy nhiên, vẫn còn một số tài liệu chưa được gửi đúng thời hạn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan lưu ý rút kinh nghiệm.

Nhấn mạnh, khối lượng công việc cần được UBTVQH xem xét, quyết định tại Phiên họp thứ 37 rất lớn, với nhiều nội dung quan trọng, nhất là những nội dung sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám, thời gian phiên họp rất dài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH tập trung, điều hành linh động và khoa học để không kéo dài sang tuần làm việc thứ 3.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 37 của UBTVQH. Ảnh: HOÀNG QUỲNH.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 37 của UBTVQH. Ảnh: HOÀNG QUỲNH.

Không làm phát sinh thêm thủ tục phiền hà khi sửa luật

Ngay sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH cho ý kiến vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Luật Đê điều, với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Cho ý kiến tại phiên họp, các ý kiến về cơ bản đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều; đánh giá cao các báo cáo, tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của cơ quan thẩm tra dự án luật. Các ý kiến cho rằng, đây là dự án luật thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân, vì hậu quả do thiên tai gây ra ảnh hưởng trực tiếp tới người dân.

Một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại thật kỹ dự án luật và các luật có liên quan trong hệ thống pháp luật, nhất là Luật Dân quân tự vệ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công… để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo. Các quy định liên quan tới chính sách đưa ra trong dự luật cũng cần cụ thể, rõ ràng hơn, ví như quy định về chính sách đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng tham gia PCTT; kế hoạch trung hạn là kế hoạch gì?... Đa số ý kiến thống nhất cần thiết thành lập Quỹ PCTT ở Trung ương để tiếp nhận các nguồn hỗ trợ từ quốc tế cho công tác PCTT của Việt Nam. Tuy nhiên, các ý kiến này đề nghị nghiên cứu thật kỹ để quy định về quỹ phù hợp với thực tiễn, đồng thời có cơ chế điều hòa từ những nơi có nguồn thu lớn nhưng ít thiên tai về quỹ Trung ương để phân bổ một cách hợp lý tới các địa phương xảy ra nhiều thiên tai nhưng có ít nguồn thu. Các đại biểu cũng lưu ý tới việc phải loại bỏ những quy định làm phát sinh thêm giấy phép mới trong dự luật, phát sinh thêm thủ tục, gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không đại chúng chào bán trái phiếu riêng lẻ theo luật nào?

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra thảo luận tại phiên họp là vấn đề chào bán trái phiếu của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng. Báo cáo giải trình của Ủy ban Kinh tế thể hiện quan điểm không nên đưa nội dung này vào Luật Chứng khoán (sửa đổi), mà nên xem xét khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp, tránh trường hợp cùng một loại doanh nghiệp nhưng cổ phiếu riêng lẻ thì chào bán theo Luật Doanh nghiệp, còn trái phiếu lại chào bán theo Luật Chứng khoán. Các doanh nghiệp vẫn thực hiện phát hành trái phiếu riêng lẻ theo các quy định hiện hành, nên việc Luật Chứng khoán (sửa đổi) không quy định nội dung này cũng không tạo ra khoảng trống pháp lý.

Thảo luận về nội dung này, UBTVQH cơ bản thống nhất với hướng tiếp thu, giải trình của Ủy ban Kinh tế. UBTVQH cho rằng, việc luật hóa Nghị định số 163/2018/NĐ-CP là cần thiết, nhưng hiện tại chưa đủ điều kiện do chưa có đánh giá tác động. Trong khi theo quy trình ban hành luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đánh giá tác động là khâu bắt buộc. Mọi quy định đưa vào hay rút ra đều phải có căn cứ, đánh giá tác động.

Ngoài vấn đề trên, UBTVQH cũng đề nghị không tăng thêm thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; khẳng định lại quan điểm chỉ có một sở giao dịch chứng khoán và trụ sở đặt ở đâu do Chính phủ quyết định; đồng thời đề nghị các cơ quan hữu quan rà soát thêm một số vấn đề khác đặt ra để bảo đảm tính thống nhất của dự luật với các luật khác có liên quan.

Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải được đưa vào ngân sách

Nửa cuối buổi chiều 9-9, với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH cho ý kiến đối với sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

UBTVQH cho rằng, không cần thiết phải ban hành nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa DNNN. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, hệ thống pháp luật hiện hành đã có đầy đủ quy định về nội dung quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa DNNN, nhất là Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 (Luật số 69/2014/QH13), UBTVQH đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm những quy định này.

Ngày 10-9, UBTVQH tiếp tục làm việc.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/can-danh-gia-tac-dong-ky-luong-truoc-khi-de-nghi-bo-sung-quy-dinh-moi-590690