Cần đánh giá năng lực từng bệnh viện trong quá trình tự chủ tài chính

Sáng 23-11, Ban Văn hóa - xã hội, HĐND TPHCM đã có buổi giám sát công tác thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) và chất lượng khám chữa bệnh (KCB) tại Sở Y tế TPHCM.

Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh tại BV quận 2

Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh tại BV quận 2

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, năm 2016, có trên 6,3 triệu thẻ BHYT được phát hành cho người dân TP, đạt tỷ lệ bao phủ 78%. Mặc dù, công tác KCB hiện nay tại các bệnh viện (BV) đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn trong tình trạng quá tải, người bệnh phải chờ đợi lâu…

Qua khảo sát của ngành y tế TPHCM tại 15 khâu KCB cho thấy người dân không hài lòng nhất là các khâu: làm thủ tục đăng ký khám, giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế, cách hỏi bệnh và thăm khám của bác sĩ. Đây là những gì mà các cơ sở y tế của TP phải tiếp tục tập trung chuyển đổi. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng KCB được ngành y tế TP và từng cơ sở KCB thực hiện thường xuyên, liên tục.

Cũng theo ông Tăng Chí Thượng, hiện TP đang có 101 bệnh viện, trong đó 51/55 bệnh viện công lập đã tự chủ toàn bộ kinh phí chi thường xuyên (trừ 4 bệnh viện đặc thù là BV Nhân Ái, BV phong Bến Sắn, BV Tâm thần và BV Nhi đồng Thành phố) mỗi năm tiết kiệm ngân sách cho TP khoảng 1.500 tỷ đồng.

Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng để thu hút bệnh nhân đến KCB là một áp lực lớn đối với các cơ sở y tế. Bằng nhiều cách làm hay, các BV tuyến quận huyện đang thu hút ngày càng đông người đến khám chữa bệnh. Cụ thể như BV các quận Thủ Đức, Tân Phú, Bình Thạnh, Bình Tân đã có từ 3.000 đến 4.000 lượt người đến khám mỗi ngày.

Riêng với khám bệnh ở trạm y tế, để nâng cao chất lượng, ngành y tế TP chủ trương thí điểm cho bệnh viện quận huyện mở phòng khám vệ tinh tại trạm, đồng thời áp dụng quy trình nâng cao chuyên môn cho riêng các y bác sĩ tại trạm.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HDND TP lo ngại một số BV sẽ không thể tồn tại được do không có các chuyên khoa sâu. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, chất lượng bác sĩ ở BV tuyến dưới vẫn chưa đáp ứng nhu cầu KCB của người dân, chế độ đãi ngộ cho bác sĩ vẫn chưa phù hợp thì sẽ không thể giữ chân bác sĩ giỏi.

“Cơ sở vật chất xuống cấp thì làm sao giữ chân được bệnh nhân và không có bệnh nhân thì cũng không giữ chân được bác sĩ. Vì vậy, Sở Y tế cần có sự đánh giá năng lực thực chất của từng BV, BV nào có khả năng tự chủ, BV nào có thể tự chủ đến đâu để có phương án hỗ trợ cụ thể” – Bà Nhung yêu cầu.

Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM tính đến ngày 31-10, số lượt KCB BHYT tại các BV trực thuộc Sở Y tế TP quản lý gần 15 triệu lượt, tương ứng với chi phí khám chữa bệnh là 12.563 tỷ đồng, bao gồm chi cho cả bệnh nhân ở các địa phương khác chuyển tuyến đến. Trong khi đó, nguồn thu quỹ KCB BHYT năm 2017 của TP chỉ hơn 8.000 tỷ đồng. “Dự kiến năm 2017, TP sẽ không kết dư quỹ KCB BHYT và vẫn có thể cân đối được do các địa phương có chuyển tuyến lên TPHCM sẽ thanh toán lại cho TP sau. Hiện, có một số BV đã chi vượt quỹ nhưng cũng sẽ được Bảo hiểm xã hội TPHCM bổ sung quỹ tạm thời nên không ảnh hưởng đến tình hình khám chữa bệnh của người dân” – Bà Lưu Thị Thanh Huyền thông tin.

THÀNH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/can-danh-gia-nang-luc-tung-benh-vien-trong-qua-trinh-tu-chu-tai-chinh-484138.html