Cần đảm bảo thống nhất với Luật Chứng khoán

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của DN, vừa góp ý vào Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Quy định cụ thể hành vi và khung xử phạt

Theo VCCI, Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “Cty đại chúng, Cty chứng khoán, Cty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán giải tỏa hoặc sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán trước khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông báo bằng văn bản về việc xác nhận kết quả chào bán”.

Hiện tại, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán đang được soạn thảo, trong đó quy định về việc giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán chỉ được thực hiện khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông báo bằng văn bản về việc xác nhận kết quả chào bán chứng khoán.

Các DN phản ánh, trên thực tế có hiện tượng DN đã nộp báo cáo đầy đủ, nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chậm ra thông báo. Điều này gây khó khăn cho DN khi không được giải tỏa số tiền thu được sớm. Vì vậy, VCCI kiến nghị sau thời hạn 3 ngày mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không ra văn bản đã nhận được đầy đủ tài liệu hoặc yêu cầu bổ sung thêm tài liệu thì DN được tự động giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán.

Dự thảo xử phạt hành vi “không thực hiện thông báo”, “thực hiện thông báo không đúng thời hạn” về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hoặc thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Cty theo quy định vào một khung xử phạt. Điều này là chưa hợp lý, vì tính chất vi phạm của hai hành vi này là khác nhau (“không thông báo” là hoàn toàn không thực hiện nghĩa vụ, “thông báo không đúng thời hạn” là có thực hiện nghĩa vụ nhưng chưa đúng về thời hạn). VCCI đề nghị tách thành hai hành vi riêng và ở hai khung xử phạt khác nhau, trong đó hành vi “thông báo không đúng thời hạn” ở mức phạt nhẹ hơn.

Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “đã báo cáo nhưng chưa có văn bản thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo việc mua lại cổ phiếu”. Theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 thì trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi văn bản thông báo cho Cty đại chúng về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu, trường hợp tài liệu chưa đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản gửi Cty đại chúng nêu rõ nội dung, yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

Như vậy, khi gửi báo cáo, sẽ có có một khoảng thời gian để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phản hồi và kể cả trong trường hợp báo cáo chưa đầy đủ, hợp lệ, DN cũng sẽ có một khoảng thời gian sửa đổi, bổ sung. “Quy định tại Dự thảo sẽ đưa đến cách hiểu, trong khoảng thời gian chờ phản hồi hoặc sửa đổi, bổ sung tài liệu sau khi gửi báo cáo, DN sẽ bị xử phạt. Điều này là chưa phù hợp với quy định tại Luật Chứng khoán”, VCCI góp ý.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khung hình phạt chưa hợp lý

Dự thảo xử phạt hành vi “không làm thủ tục giảm vốn điều lệ sau khi thực hiện mua lại cổ phiếu của chính mình theo quy định pháp luật” từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Đồng thời, qui định xử phạt hành vi “mua lại cổ phiếu nhưng không làm thủ tục giảm vốn điều lệ trong thời hạn pháp luật quy định” từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng. VCCI cho rằng, áp dụng khung hình phạt khác nhau cho hai hành vi này là chưa hợp lý và có thể gây khó khăn trên thực tế áp dụng.

Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “không ký kết hợp đồng bằng văn bản với khách hàng khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng hoặc hợp đồng ký kết với khách hàng không có đầy đủ nội dung theo quy định” là chưa hợp lý. Bởi vì đây là hành vi thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự với các biện pháp xử lý hậu quả tương ứng. Dưới góc độ của mối quan hệ hành chính, hành vi này không ảnh hưởng đáng kể, vì vậy xử phạt đối với hành vi này là chưa hợp lý. VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.

Bên cạnh đó, theo VCCI, Dự thảo có một số quy định còn mang tính định tính, chưa tạo cách hiểu thống nhất, có thể gây khó khăn trên thực tế áp dụng. Cụ thể như Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ có thông tin sai sự thật hoặc che giấu sự thật hoặc sai lệch nghiêm trọng”. Trong đó, “sai lệch nghiêm trọng” là khái niệm chưa rõ (tính nghiêm trọng được xác định dựa trên căn cứ nào?), nên cần quy định theo hướng định lượng đối với điều này.

VCCI cũng cho rằng, một số khung xử phạt có khoảng cách xử phạt quá rộng, dẫn đến trao quá nhiều quyền cho cán bộ thực thi trong quyết định mức phạt và tạo ra nguy cơ đối xử bất bình đẳng đối với những đối tượng bị xử phạt.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật Chứng khoán năm 2019 thì người hành nghề chứng khoán không được thực hiện một số hành vi như đồng thời làm việc cho từ 2 Cty chứng khoán; mở, quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán tại Cty chứng khoán nơi mình không làm việc… Tuy nhiên, Dự thảo không quy định xử lý đối với những hành vi này, nên cần bổ sung để đảm bảo thống nhất.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-dam-bao-thong-nhat-voi-luat-chung-khoan-208688.html