Căn cứ xác định hành vi thông thầu

Một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu là thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu.

Đơn vị của ông Nguyễn Đức Thuận (Bắc Ninh) là bên mời thầu. Trong quá trình xem xét, đánh giá E-HSDT, đơn vị ông gặp tình huống như sau:

Một gói thầu xây lắp có 2 nhà thầu tham dự: Công ty A, công ty B.

- Phương pháp đánh giá E-HSDT:

Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm: Sử dụng tiêu chí đạt/không đạt;

Đánh giá về kỹ thuật: Sử dụng tiêu chí đạt/không đạt;

Đánh giá về giá: Sử dụng phương pháp giá thấp nhất.

- Quy trình đánh giá: Áp dụng quy trình 01 theo Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017:

Bước 1: Đánh giá tính hợp lệ của E-HSDT; Bước 2: Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; Bước 3: Đánh giá về kỹ thuật; Bước 4: Xếp hạng nhà thầu.

- E-HSDT của các nhà thầu: Công ty A, công ty B đều đạt về năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật. Công ty B có giá dự thầu thấp hơn công ty A. Tuy nhiên, bản vẽ biện pháp tổ chức thi công phần khung tên của công ty B ghi người thực hiện là 2 nhân sự (X, Y) trong đề xuất dự thầu của công ty B, nhưng phần ghi tên công ty thì bản vẽ ghi tên công ty A chứ không phải công ty B.

Qua tìm hiểu được biết, công ty A và công ty B có mâu thuẫn với nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với tình huống nêu trên, ông Thuận đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn việc đánh giá E-HSDT của nhà thầu. Công ty nêu trên có vi phạm pháp luật về đấu thầu theo Điểm b Khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu hay không?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:

Theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu, một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu là thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu.

Theo đó, trường hợp hồ sơ dự thầu của hai nhà thầu có dấu hiệu thông đồng thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu giải thích, làm rõ. Sau khi giải thích, làm rõ, nếu bên mời thầu có bằng chứng về việc các nhà thầu thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu thì bị coi là hành vi bị cấm nêu trên.

Trường hợp xác định nhà thầu không có hành vi thông thầu như đã nêu thì hồ sơ dự thầu được tiếp tục đánh giá theo nguyên tắc quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/can-cu-xac-dinh-hanh-vi-thong-thau/409209.vgp