Căn cứ quân sự giúp Nga phô trương sức mạnh ở Bắc Cực

Franz Josef Land giờ là nhà của căn cứ quân sự Nga ở Bắc Cực và là nguồn cơn gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa Moscow với Phương Tây.

Trong thế chiến thứ 2, căn cứ không quân Nagurskoye của Nga chỉ gồm một đường băng, một trạm thời tiết, và một trạm liên lạc nằm trên quần đảo Franz Josef Land.

Đây là ngôi nhà xa xôi, hoang vắng của những chú gấu bắc cực, nơi nhiệt độ vào mùa đông có thể xuống tới -42 độ C và tuyết chỉ tan vào khoảng tháng 8 đến giữa tháng 9 hàng năm.

Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin tới thăm căn cứ Nagurskoye năm 2017, nó đã được củng cố và mở rộng. Nơi đây giờ là căn cứ của một nhóm chuyên biệt, chịu trách nhiệm vận hành hệ thống giám sát điện tử, hệ thống phòng không và hệ thống tên lửa diệt hạm Bastion.

Khu tổ hợp Arctic Trefoil của Nga ở Bắc Cực Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Khu tổ hợp Arctic Trefoil của Nga ở Bắc Cực Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Như một trạm không gian ở Bắc Cực

Căn cứ quân sự ở vùng cực Bắc của Nga còn có cả hệ thống tên lửa, radar và đường băng mở rộng của nó có thể tiếp nhận mọi loại máy bay, trong đó có cả máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang tên lửa hạt nhân Tu-95.

Những yếu tố này giúp củng cố sức mạnh và gia tăng ảnh hưởng của Nga trên khắp vùng Bắc Cực trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ở khu vực giàu tài nguyên này đang nóng lên từng ngày.

Căn cứ có hình dạng như cỏ ba lá, được gọi là Arctic Trefoil và được sơn màu trắng-đỏ-xanh theo màu quốc kỳ Nga, là một điểm sáng trên Tuyến đường biển phía Bắc dài 5.600 km dọc bờ biển Bắc cực của Nga. Các tòa nhà khác trên trên hòn đảo Alexandra được sử dụng làm trạm radar, trạm liên lạc, trạm thời tiết, kho trữ dầu, nhà chứa máy bay và các cơ sở xây dựng khác.

Trước khi đón các phóng viên nước ngoài tới thăm Nagurskoye, Tư lệnh phụ trách khu vực này cho biết, căn cứ được xây dựng với công nghệ cao và “giống như một trạm không gian, nhưng là ở Bắc Cực hoang vắng chứ không phải trên quỹ đạo”.

Căn cứ quân sự ở vùng cực Bắc của Nga còn có cả hệ thống tên lửa, radar và đường băng mở rộng của nó có thể tiếp nhận mọi loại máy bay. Ảnh: AP

Để phục vụ việc xây dựng căn cứ này, các binh sỹ Nga đã trở lại khu vực từng bị bỏ hoang những năm 1990 khi Liên Xô tan rã.

“Chúng tôi chỉ tái tạo lại khả năng bảo vệ các đường biên giới của mình chứ không đe dọa bất cứ ai. Sau khi Liên Xô tan rã, ngay cả các tiền đồn biên giới ở khu vực đó cũng bị bỏ hoang”, Lev Voronkov, một chuyên gia về Bắc Cực tại Đại học MGIMO nói.

Bảo vệ lợi ích của Nga

Nga đã tìm cách gia tăng ảnh hưởng trên các khu vực rộng lớn ở Bắc Cực trong cuộc cạnh tranh với Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy trong bối cảnh băng tan do hiện tượng ấm dần lên toàn cầu đã đem lại cơ hội khai thác tài nguyên và các tuyến vận tải biển. Trung Quốc cũng ngày càng quan tâm đến Bắc Cực vì tin rằng khu vực này có tới 1/4 trữ lượng khí đốt và dầu mỏ chưa được khai thác của Trái Đất.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trích dẫn các bản đánh giá cho rằng, giá trị của vùng Bắc cực giàu khoáng sản này có thể lên tới 30.000 tỷ USD.

Nga cũng hy vọng có thể phát triển và kiểm soát Tuyến đường biển phương Bắc trong bối cảnh hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến băng tan, tạo điều kiện cho tàu thuyền lưu thông dễ dàng hơn.

“Toàn bộ Tuyên đường biển phương Bắc đi qua lãnh hải Nga hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Nga. Các điều kiện băng giá phức tạp khiến việc tổ chức hoạt động vận tải an toàn trở nên cần thiết”, Đô đốc Alexander Moiseyev, Tư lệnh Hạm đội Phương Bắc của Nga nhấn mạnh. Ông cũng khẳng định Nga có quyền đặt ra các quy tắc hàng hải dọc hành lang vận tải này.

Ngoài ra, tiềm năng thương mại mà Nga quan tâm ở khu vực này còn nằm ở việc xuất khẩu lượng lớn dầu mỏ và khí đốt bên dưới vùng biển ở đây.

Đô đốc Moiseyev gọi các binh sỹ của mình là “công cụ chính” để bảo vệ các lợi ích kinh tế đó cũng như các đường biên giới của Nga ở Bắc Cực.

Nga đổ lỗi cho Mỹ và NATO

Đầu năm nay, Hạm đội Phương Bắc đã tổ chức cuộc tập trận chưa từng thấy, trong đó 3 tàu ngầm hạt nhân của Nga lần lượt phá băng nổi lên ở Bắc Cực. Tiêm kích MiG-31 cũng diễn tập trên bầu trời Cực Bắc, trong đó có cả hoạt động tiếp nhiên liệu trên không.

Những hành động phô trương sức mạnh như vậy khiến cả Mỹ và NATO lo ngại bởi sự hiện diện quân đội của Nga tại khu vực này đang ở mức chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Hệ thống Bastion Nga triển khai ở Bắc Cực. Ảnh: AP

Người phát ngôn NATO xác nhận khối liên minh quân sự này đã tăng cường các cuộc tuần tra và tập trận để phản ứng trước một “môi trường an ninh ngày càng thách thức hơn”.

Tuy nhiên, Nga cũng cáo buộc chính các hoạt động quân sự của Mỹ và NATO ở Bắc Cực đang làm gia tăng nguy cơ xung đột.

“Chưa từng có nhiều lực lượng [của Mỹ và NATO] đến thế ở khu vực này suốt nhiều năm qua, thậm chí là hàng thập kỷ qua, chưa từng kể từ thời Thế chiến 2. Chúng tôi coi đó là hành động khiêu khích gần biên giới Nga, nơi chúng tôi có các tài sản rất quan trọng”, Đô đốc Moiseyev nhấn mạnh.

“Chúng tôi đã nghe những lời than vãn về việc Nga gia tăng các hoạt động quân sự ở Bắc Cực. Nhưng mọi người đều biết rằng đó là lãnh thổ, là vùng đất của chúng tôi. Chúng tôi có trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho vùng bờ biển Bắc Cực và những gì chúng tôi làm là hoàn toàn hợp pháp”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định./.

Theo Hoàng Phạm/VOV.

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/can-cu-quan-su-giup-nga-pho-truong-suc-manh-o-bac-cuc/20210528034011666