'Căn cứ lòng dân' giữa Sài Gòn (kỳ cuối)

Ngoài những căn hầm gắn với những 'địa chỉ đỏ' mà chúng tôi đã kể trong bài viết trước, ngay giữa trung tâm Sài Gòn còn có hàng chục hầm vũ khí quan trọng khác, góp phần quan trọng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Trước đó, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã chỉ đạo Đội A20 và A30 tranh thủ “căn cứ lòng dân” để kịp hoàn tất hệ thống các kho, hầm vũ khí trước giờ G của cuộc Tổng tiến công…

Kỳ cuối: Vững một niềm tin chiến thắng

Hôm đến một “địa chỉ đỏ” trên đường Cách mạng Tháng Tám (phường 12, quận 10), tôi được nghe kể hơn 50 năm trước, trước khi dọn về đây, vợ chồng đồng chí Đỗ Văn Căn đã phải bán nhà ở Tân Định (quận 1). Vị trí căn nhà thứ hai của hai vợ chồng cán bộ này nằm sát Biệt khu Thủ đô quân đội Sài Gòn (từng được gọi là Trại Lê Văn Duyệt), trước cửa cơ quan Viện trợ quân sự Mỹ và đồng minh (ICCS).

Khi dọn đến đây, việc đầu tiên mà bà Cúc (vợ đồng chí Căn) là xây một căn hầm chứa vũ khí ngay dưới đáy của bể cá cảnh ngay cửa ra vào của gia đình mình; sau đó gấp rút chuyển hơn 1 tấn vũ khí vào cất giữ, phục vụ cho trận đánh vào Biệt khu Thủ đô.

Để qua mắt địch, người dân đã giấu vũ khí dưới những thùng đựng cà chua, dưa leo chuyển vào nội đô. Ảnh tư liệu.

Việc xây dựng và chuyển vũ khí vào các căn hầm phục vụ kế hoạch đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch được khẩn trương xác lập.

Đó hầm tại Hiệu may Quốc Anh của vợ chồng ông Trần Phú Cương, tức Năm Mộc tại nhà số 65 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 để tấn công Đài phát thanh; 3 căn hầm ở số nhà 348/38B đường Bác Ái, xã Bình Hòa (nay là đường Phan Văn Trị, quận 11, quận Bình Thạnh của gia đình ông Trần Văn Miêng), 281/26/29 Trương Minh Ký (nay là đường Lê Văn Sĩ, quận Tân Bình của gia đình ông Phan Văn Bảy) và nhà số 248/27 Nguyễn Huỳnh Đức (nay là đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận của gia đình bà Bùi Thị Lý) để cùng tấn công Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn; hầm tại nhà số 59 Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, quận 1 của gia đình bà Nguyễn Thị Huệ) để tấn công Tòa đại sứ Mỹ; hầm tại nhà số 93/22 Cường Để (nay là đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh của gia đình ông Tô Minh Liêm, tức Mười Lợi) để tấn công Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn;...

Sang đợt 2 của cuộc Tổng tiến công, ta còn xác lập thêm nhiều hầm khác, trong số này có hầm nhà số 62/1 Dương Công Trừng (nay là 62/10B Nguyễn Thị Nhỏ, quận Tân Bình của gia đình ông Nguyễn Nhật Hiểu) để tấn công vào Đài Truyền hình Sài Gòn.

Điều đặc biệt chung nhất là hầu hết các hầm vũ khí đều được xác lập tại vị trí thuận lợi nhất để tấn công các mục tiêu trọng yếu của địch nhưng vẫn vững chãi, bí mật đến phút cuối. Chẳng hạn như để chuẩn bị tấn công Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát địch, ta xác lập hầm tại nhà số 183/4 Trần Quốc Toản (nay là đường 3-2, phường 11, quận 10 của gia đình ông Đỗ Văn Căn; hiện là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia) nằm sát khu quân sự và cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Trong cuộc Tổng tiến công, đây là một điểm hẹn để tiếp nhận vũ khí, đạn được. Tuy nhiên trên đường đi, một số chiến sĩ trúng đạn bị thương và một số chiến sĩ khác hy sinh nên cánh quân không thể tiến đến điểm hẹn theo quy định. Sau chiến dịch, ngôi nhà này bị khám xét nhưng địch không phát hiện được căn hầm.

Theo thống kê, trước cuộc Tổng tiến công, ngay giữa lòng Sài Gòn, ta đã xây dựng được nhiều cơ sở bên trong với 19 “lõm chính trị” với 325 gia đình cơ sở an toàn, đó là chưa kể đến hàng ngàn cơ sở mà các đội biệt động cấp thành, cấp quận của các đoàn thể trực tiếp xây dựng nên.

Riêng đối với địa điểm cất giấu vũ khí tại khu vực nội đô Sài Gòn, theo Trung tướng Lê Quý Đạm, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng, trước cuộc Tổng tiến công, ta bố trí 15 điểm cất trữ, trong đó có 13 hầm chứa vũ khí. Những cơ sở “lót ổ” như đã kể trên chủ yếu phục vụ tác chiến nội đô, được xây dựng đơn tuyến, nhiều tuyến nhưng độc lập với nhau. Hệ thống vũ khí “lót ổ” đã gây nhiều bất ngờ cho địch.

Cũng cần kể thêm, từ trước khi diễn ra cuộc Tổng tiến công, trên cơ sở dự kiến phương án đón thời cơ chiến lược, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định thành lập Ban bảo đảm gồm hai đội A20 và A30 chuyên làm nhiệm vụ xây hầm và tổ chức vận chuyển cất giấu vũ khí.

Công việc rất khó khăn, nguy hiểm và hết sức phức tạp nhưng nhờ tranh thủ “căn cứ lòng dân”, đến gần cuối năm 1967, cả hai đội A20, A30 và cơ sở đã mưu trí, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng được một hệ thống kho hầm bí mật sát các vị trí chiến lược của địch. Mỗi mục tiêu đều được chuẩn bị từ 1 đến 3 căn hầm chứa đầy vũ khí với khối lượng vũ khí mỗi hầm xấp xỉ 1 tấn.

Quá trình tìm hiểu tư liệu thực hiện bài viết, chúng tôi được Phó Chủ tịch HLHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết kể chuyện về các cô, các má khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ vùng căn cứ vào nội giống như cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm đối với tính mạng của mình nhưng họ đã vượt lên bằng tinh thần dũng cảm, xả thân, thông minh, sáng tạo, nhanh trí.

Ở vùng ven, vùng ngoại thành, nhân dân sẵn lòng cưu mang, đùm bọc thương binh với con số thương vong không ít lần vượt xa dự kiến. Ở Củ Chi, đồng bào Nhuận Đức nhận nuôi 700 thương binh đồng bào xã Bình Mỹ nuôi toàn bộ thương binh của cách quân đánh vào Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn.

Ở Gò Vấp, Ban Chỉ huy Trung đoàn Đồng Nai và 15 thương binh nặng của Phân khu 1 được nhân dân bảo vệ, che chở, chăm sóc và đưa ra căn cứ an toàn. TS Lê Hữu Phước, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, lòng dân đã kết thành những lá chắn thép để nuôi giấu, bảo vệ cho LLVT với quân số lên đến sư đoàn, binh đoàn trong cả 3 đợt Tổng tiến công và nổi dậy.

Thái Bình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/can-cu-long-dan-giua-sai-gon-ky-cuoi-479222/