Căn cứ hải quân Nga bị 'xóa sổ' vì quyền lực mềm của Mỹ?

Nga có thể rất mạnh nhưng Mỹ là đối thủ đáng gờm. Căn cứ hải quân của Nga trên bờ Biển Đỏ đang đứng trước nguy cơ bị 'xóa sổ'.

Nga đối diện nguy cơ "xóa sổ" căn cứ hải quân ở Sudan

Sudan đã chính thức thông báo ý định xem xét lại thỏa thuận với Nga về việc xây dựng một căn cứ hải quân của Nga ở thành phố cảng Port Sudan.

Ngày 1/6, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Sudan, ông Muhammad Osman Al-Hussein trong cuộc phỏng vấn được phát sóng trên kênh Blue Nile TV đã thông báo rằng, thỏa thuận với Nga về việc xây dựng căn cứ hải quân sẽ được xem xét lại vì một số điều khoản trong thỏa thuận có thể gây tổn hại đến an ninh của đất nước.

“Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán lại một thỏa thuận được ký kết giữa chính phủ cũ của Sudan và Nga. Thỏa thuận này liên quan đến một dự án quân sự của Nga trên bờ Biển Đỏ của Sudan. Thỏa thuận có thể được tiếp tục nếu chúng tôi tìm thấy lợi ích cho đất nước của mình”, ông Mohammed Usman Al-Hussein cho biết.

Sudan đang xem xét lại thỏa thuận về căn cứ hải quân của Nga ở thành phố cảng Port Sudan.

Sudan đang xem xét lại thỏa thuận về căn cứ hải quân của Nga ở thành phố cảng Port Sudan.

Thỏa thuận về việc Nga sẽ xây dựng một căn cứ quân sự ở thành phố cảng Port Sudan được Nga ký kết với chính phủ cũ của Omar al-Bashir nhưng lại không được cơ quan lập pháp Tiểu bang phê chuẩn.

“Do đó, chúng tôi không bị ràng buộc về mặt pháp lý. Chúng tôi có cơ hội sửa đổi thỏa thuận hợp tác quân sự với Nga ở Biển Đỏ vì lợi ích của Sudan”, Mohammed Osman Al-Hussein cho biết thêm.

Ông cũng nhấn mạnh, đám phán sẽ cho một kết quả tích cực nếu lợi ích của cả 2 bên đều được đảm bảo và không gây nguy hiểm cho an ninh của Sudan.

Đáp lại, các quan chức Moscow tuyên bố, họ đang nghiên cứu quyết định của Sunda để xem xét lại thỏa thuận. Điều này được Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov tuyên bố vào ngày 31/5.

Người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin Dmitry Peskov tuyên bố rằng, Điện Kremlin đã xem tin tức về quyết định của Sudan và họ sẽ "giải quyết vấn đề này" thông qua "liên lạc thường xuyên" với các quan chức Sudan.

Hồi tháng 4, các phương tiện truyền thông đưa tin, Sundan đã đóng băng thỏa thuận căn cứ hải quân của Nga. Với những thông tin mới nhất này, việc đóng băng thỏa thuận từ hồi tháng 4 chỉ là tin đồn. Đại sứ quán Nga tại Khartoum cho biết, vào thời điểm đó họ chưa được thông báo về quyết định như vậy.

Thỏa thuận về việc thành lập một trung tâm hậu cần cho Hải quân Nga trên lãnh thổ của Sudan được ký kết ngày 23/7/2019 tại Khartoum và sau đó tiếp tục ký vào ngày 1/12/2020 tại Moscow. Thỏa thuận thống nhất về các nguyên tắc cơ bản đối với triển khai quân nhân, tàu chiến và các thiết bị hải quân khác của Nga tại thành phố Port Sudan.

Theo thỏa thuận, số lượng nhân sự tối đa không được quá 300 người và không quá 4 tàu chiến của Nga cùng lúc xuất hiện ở căn cứ. Thỏa thuận cũng đề cập, sự hiện diện một căn cứ hải quân của Nga trên lãnh thổ Sudan phải đáp ứng các mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, mang tính chất phòng thủ chứ không nhằm chống lại quốc gia khác.

Củ cà rốt của Mỹ

Thông báo của Sudan không làm nhiều người bất ngờ. Thực tế cho thấy, quan hệ giữa Sudan và Mỹ đang ngày càng trở nên gần gũi. Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định, Mỹ có thể lý do của việc xem xét lại này.

“Việc Sudan được loại khỏi danh sách các quốc gia ủng hộ chủ nghĩa khủng bố quốc tế mở ra triển vọng hợp tác không chỉ với Nga và Trung Quốc mà còn với Mỹ”, ông Osman Al-Hussein tin tưởng phát biểu.

Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Sudan, ông Muhammad Osman al-Hussein.

Trước đó, ngày 14/12/2020, Mỹ chính thức đưa Sudan ra khỏi danh sách quốc gia hỗ trợ các nhóm khủng bố quốc tế. Quyết định của Washington được đưa ra sau khi Sudan đồng ý bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng nói rằng quyết định này “thể hiện một sự thay đổi cơ bản” trong quan hệ song phương và tạo tiền đề để “hợp tác, hỗ trợ nhiều hơn trong quá trình chuyển đổi ở Sudan”.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin lưu ý rằng Washington sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Sudan thanh toán các khoản nợ của đất nước cho các tổ chức tài chính quốc tế, cũng như “hỗ trợ các nỗ lực của Sudan nhằm xóa một phần nợ vào năm 2021”.

Vì vậy mà, động thái xem xét lại thỏa thuận về căn cứ hải quân của Nga ở Sudan được nhiều người nhận định mang hàm ý làm vừa lòng Mỹ nhiều hơn.

HÒA AN (Theo SF)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/can-cu-hai-quan-nga-bi-xoa-so-vi-quyen-luc-mem-cua-my-a516471.html