Căn cứ địa lòng dân K20

Nếu đất thép thành đồng miền Nam có địa đạo Củ Chi, miền đất lửa Quảng Trị có địa đạo Vĩnh Mốc thì Quảng Nam- Đà Nẵng luôn tự hào có Khu Căn cứ cách mạng (CCCM) K20, cái nôi nuôi dưỡng cán bộ cách mạng (CM) trong chiến tranh gian khổ, ác liệt...

Nếu đất thép thành đồng miền Nam có địa đạo Củ Chi, miền đất lửa Quảng Trị có địa đạo Vĩnh Mốc thì Quảng Nam- Đà Nẵng luôn tự hào có Khu Căn cứ cách mạng (CCCM) K20, cái nôi nuôi dưỡng cán bộ cách mạng (CM) trong chiến tranh gian khổ, ác liệt...

Ông Huỳnh Trưng đang giới thiệu với khách tham quan về căn hầm bí mật.

Ông Huỳnh Trưng đang giới thiệu với khách tham quan về căn hầm bí mật.

Đi theo ánh lửa từ trái tim

Ngày 29-4, chúng tôi tìm về Khu di tích (DT) K20 ở khối phố Đa Mặn, P.Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Khu CCCM K20 là mật danh do Quận ủy Quận III (QUQ3) đặt làm mật hiệu liên lạc thời chống Mỹ. Đây là căn cứ bí mật độc đáo nằm trong lòng địch, có tầm quan trọng với Đà Nẵng thời kỳ chống Mỹ, cứu nước; là vùng đệm để quân ta làm bàn đạp tấn công các căn cứ của địch, lập nhiều chiến công oanh liệt, tạo tiếng vang trên chiến trường Khu 5, góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975. 44 năm trước, khi lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên căn cứ sân bay Nước Mặn, Khu DT K20 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Ngày 24-9-2010, Bộ VH-TT&DL công nhận Khu DT K20 là Khu DT Lịch sử cấp Quốc gia, mở ra trang mới cho vùng đất Anh hùng, hướng tới trùng tu, nâng cấp và bảo tồn Khu DT lịch sử này...

Đã ngoài 80 tuổi, nhưng đi lại còn linh hoạt, ông Huỳnh Trưng (lão thành CM), hồ hởi kể lại thời thanh niên tham gia du kích bị địch bắt giam 3 lần, dù bị tra khảo dã man đến mù một mắt nhưng ông kiên quyết không khai. Trốn tù, ông tiếp tục tham gia hoạt động ở Khu K20. Nhà ông hồi đó quay ra sông Trung Lương, thấy địa thế thuận lợi, năm 1964 Thường vụ QUQ3 chọn làm nơi báo hiệu cho quân ta vượt sông về hoạt động ban đêm. Nhiệm vụ của ông là nắm tình hình, đến đêm đốt đèn báo hiệu. Nếu địch phục kích thì đốt đèn xanh, không có địch thì đốt đèn đỏ để quân ta vượt sông. Thời kỳ ác liệt đó, không ai có thể quên ánh đèn báo hiệu luôn sáng trong đêm, cứu sống nhiều cán bộ, chiến sĩ và giúp quân ta vượt sông đánh những trận xuất quỷ nhập thần khiến địch thất điên, bát đảo. Ánh đèn như ngọn lửa từ trái tim của những người dân Đa Mặn hết lòng vì cách mạng vẫn tỏa sáng đến hôm nay.

Một biểu tượng lòng dân, sự trung thành tuyệt đối với CM của người dân ở K20 được thể hiện rõ nhất qua những căn hầm bí mật. Từ năm 1962 đến 1975, bà con đã đào hơn 170 căn hầm bí mật. Cũng nhờ có nhiều hầm bí mật nên quân ta thay đổi chỗ liên tục, địch rất khó phát hiện.

Nữ anh hùng Huỳnh Thị Thơ (giữa) và khách tham quan Khu DT K20.

Căn cứ địa Cách mạng ngày ấy-bây giờ

Chúng tôi gặp chị Huỳnh Thị Thơ, nữ du kích nổi tiếng gan dạ của K20, người được tặng danh hiệu AHLLVTND khi chị vừa tiếp đoàn khách tham quan. Theo lời kể của chị, từ năm 1964-1974, Khu DT K20 đã đánh hơn 30 trận lớn nhỏ, tiêu diệt nhiều ác ôn nợ máu và 185 tên địch (trong đó có 5 lính Mỹ, 2 tình báo CIA, 3 thám báo); thu 42 súng các loại, 150 lựu đạn, 40 băng đạn, phá hủy 1 xe quân sự, 1 xe ủi, đốt hàng chục máy bay, hàng ngàn tấn đạn dược của địch. Trong tình thế bị bao vây, kềm kẹp gắt gao, bị địch phong tỏa nhưng quân và dân K20 vẫn anh dũng lập nhiều chiến công. Điển hình là gương chị Nguyễn Thị Hường, giao liên bị địch phát hiện đã ngoan cường chiến đấu, anh dũng hy sinh; chị Hồ Thị Anh, chị Phùng, chị Diện hiên ngang hy sinh trước mũi súng kẻ thù cùng nhiều tấm gương hy sinh anh dũng khác. Trong đấu tranh quân sự, chính trị, nhiều mốc lịch sử còn lưu lại đến nay như năm 1962, K20 tổ chức một đội du kích rất mạnh làm nhiệm vụ “diệt ác phá kềm” đến 1964 phát triển lên 27 đội viên, diệt nhiều ác ôn, phá hủy nhiều ấp chiến lược... Dù rất khó khăn nhưng K20 đã đóng góp quỹ nuôi quân 2 triệu đồng (hơn 200 lượng vàng), 4.090 kg gạo và các loại thuốc men, đạn dược... Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ và Quận ủy, nhân dân đấu tranh trực diện với kẻ thù, phá tan âm mưu mua chuộc, giành dân, lấn đất; năm 1964 xuống đường chống gom dân, lập ấp chiến lược và năm 1966 đấu tranh không cho địch lập hàng rào điện tử. Năm 1971, biểu tình chống bầu cử Nguyễn Văn Thiệu và tháng 7-1974, khi Mỹ – ngụy cố tình phá vỡ Hiệp định Paris, quân và dân K20 đoàn kết một lòng, đấu tranh chống địch khủng bố, giữ vững Khu CCCM. Khi quân ta tiến vào giải phóng, chi bộ Đa Mặn đã huy động nhân dân nổi dậy làm tan rã nhiều lực lượng địch, chiếm căn cứ sân bay Nước Mặn trước khi bộ đội vào giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân và dân Khu DT K20 vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh Hùng LLVTND và rất nhiều phần thưởng cao quý khác. Hiện nay, Khu DT K20 đã được TP đầu tư chỉnh trang, nâng cấp hoàn thiện; đây là chủ trương đúng đắn nhằm phát huy tác dụng của Khu DT K20, khẳng định sự trân trọng đối với các giá trị lịch sử quý báu. Nhà truyền thống được xây dựng khang trang, lưu giữ khá đầy đủ những hiện vật một thời đấu tranh gian khổ, bất khuất. Những địa chỉ đỏ, hầm bí mật, chiến hào xưa được đưa vào chương trình tham quan, mỗi hiện vật, mỗi sự tích đều gắn với con người thật, trong đó có chị Thơ và ông Huỳnh Trưng và một số người khác là nhân chứng sống tại đây. Từ năm 2016 đến nay, Khu DT K20 đã đón tiếp, phục vụ miễn phí hơn 6.200 lượt khách trong nước, thành phố và nước ngoài đến tham quan, học tập, nghiên cứu; đồng thời đây là điểm đến của học sinh, sinh viên, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử CM cho thế hệ trẻ. Quá khứ hào hùng và những hy sinh anh dũng của quân và dân Khu DT CM K20 sẽ mãi mãi được ghi nhận, là niềm tự hào sâu sắc, không phai mờ trong tình cảm người dân Quảng Nam-Đà Nẵng và cả nước.

HIỀN MINH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_205634_.aspx