Cần có tiêu chí xác định mức độ ứng dụng công nghệ thông tin cho các trường tham chiếu

Đó là chia sẻ thẳng thắn của PGS Trần Diệp Tuấn tại Hội nghị trực tuyến giáo dục đại học.

Theo PGS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP HCM chia sẻ, những năm gần đây, trường đã đổi mới chương trình đào tạo gắn liền với phương thức đào tạo và học liệu e-Learning, khai thác nhiều hình thức dạy trực tuyến; sử dụng phần mềm cho việc thi, đánh giá, quản lý, quản trị nhà trường…

Tuy nhiên, với đặc thù về kỹ năng lâm sàng, thực nghiệm nên vẫn phải triển khai thực hành, dạy học trực tiếp.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Bởi vậy, PGS Tuấn đề nghị “Cần có tiêu chí xác định mức độ ứng dụng công nghệ thông tin để các trường tham chiếu, định hướng và phấn đấu phát triển chuyển đổi số của mình”.

Không chỉ Trường ĐH Y Dược TP HCM, mà hầu hết các trường đại học đã và đang bày tỏ tinh thần tích cực, sẵn sàng triển khai chuyển đổi số.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT xác định chuyển đổi số là một chiến lược đột phá, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước; Việt Nam phải trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong chuyển đổi số giáo dục đào tạo.

Ngay trong năm 2021, toàn ngành cần đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia và thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo.

“Chuyển đổi số phải trở thành một nhiệm vụ chiến lược của mỗi cơ sở, được triển giáo dục đại khai nhanh chóng và hiệu quả trong quản trị nhà trường, trong tuyển sinh và đào tạo, trong đổi mới dạy và học, mang lại lợi ích tốt hơn cho người học”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, bậc giáo dục đại học tập trung vào một số định hướng chủ yếu: Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học; Phát triển và khai thác các nền tảng học liệu, môi trường học tập số; Phát triển nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Bộ GD-ĐT tăng cường rà soát, bổ sung văn bản chính sách để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; hướng dẫn các trường triển khai Kiến trúc chính phủ điện tử 2.0 và kết nối vào hệ thống dịch vụ công quốc gia.

Các cơ sở giáo dục đại học cần phải hợp tác chặt chẽ, cùng xây dựng, chia sẻ, sử dụng các nền tảng dữ liệu, học liệu, môi trường học tập số, hệ thống quản trị quản lý nhà trường; tăng quy mô đào tạo các ngành công nghệ thông tin; khuyến khích mở các chương trình đào tạo liên ngành, xuyên ngành phục vụ chuyển đổi số trong cách lĩnh vực khác nhau.

Một thành phần cốt lõi trong khung chuyển đổi số giáo dục đào tạo là cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học. Cơ sở dữ liệu này đóng vai trò quan trọng đối với công tác quản trị nhà trường, góp phần công khai minh bạch thông tin, giúp các cơ sở giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm giải trình, đồng thời phục vụ công tác phân tích, dự báo, giám sát, thanh tra trong chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Thực hiện Luật 34, Bộ GD-ĐT đã bước đầu xây dựng và hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu cho giáo dục đại học, phục vụ thống kê ngành và tuyển sinh đại học; các cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện cập nhật dữ liệu trên hệ thống.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu, trong năm 2021, cần cơ bản hoàn thiện nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học trong khuôn khổ dự án SAHEP. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục đại học phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ GD-ĐT để triển khai cập nhật dữ liệu, đảm bảo đầy đủ, kịp thời và chính xác.

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/can-co-tieu-chi-xac-dinh-muc-do-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-cho-cac-truong-tham-chieu-176301.html