Cần có tiếng nói chung

Hàng loạt phim phải nhiều lần dời lịch phát hành hoặc bị cấm chiếu trong thời gian qua khiến các nhà sản xuất, công chúng tiếp tục đặt câu hỏi về công tác kiểm duyệt phim. Làm sao thực sự khách quan, công bằng với tất cả các bộ phim và tạo cơ hội cho công chúng được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh có chất lượng?

 Ê-kíp phim "Vợ Ba" phải rút phim khỏi hệ thống các rạp chiếu từ ngày 21-5. Ảnh: HHT

Ê-kíp phim "Vợ Ba" phải rút phim khỏi hệ thống các rạp chiếu từ ngày 21-5. Ảnh: HHT

Câu chuyện về phim “Vợ Ba” vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Được duyệt cả về kịch bản và bản phim chính thức, song cuối cùng ê-kíp phim "Vợ Ba" đành phải rút phim khỏi hệ thống các rạp chiếu từ ngày 21-5 với lý do nhiều “cảnh nóng” và nữ diễn viên chính bộ phim chỉ mới 13 tuổi.

Đây không phải lần đầu tiên những bộ phim như vậy bị dừng phát hay cấm chiếu. Từ đầu năm đến nay, người hâm mộ hẫng hụt khi hàng loạt phim kinh dị “bom tấn” của điện ảnh thế giới bị “khai tử” trước khi được công chiếu như: 0.0MHz, St Agatha, Pet Sematary, Brightburn... Lý do là các phim này có nội dung bạo lực; truyền bá mê tín, dị đoan; không phù hợp thuần phong mỹ tục người Việt...

Có thể khẳng định, công việc kiểm duyệt luôn diễn ra ở bất cứ quốc gia nào. Một hệ thống phân loại phim có vai trò sắp xếp những phim sao cho phù hợp từng đối tượng khán giả dựa trên những yếu tố đạo đức, văn hóa, lịch sử, tình dục, bạo lực, ngôn từ và một số nội dung mang tính chính trị, pháp lý khác. Hệ thống còn áp buộc lên những rạp chiếu phim một nghĩa vụ pháp lý là từ chối lứa tuổi vào xem những phim không phù hợp.

Bảng tiêu chí phân loại phim do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch áp dụng từ ngày 1-1-2017 gồm 4 loại dán nhãn: nhãn P được phép phổ biến rộng rãi tới mọi khán giả, nhãn C13 cấm khán giả dưới 13 tuổi, nhãn C16 cấm khán giả dưới 16 tuổi, nhãn C18 cấm khán giả dưới 18 tuổi.

Nhờ phân loại, nhiều bộ phim dán nhãn C18 đã được ra rạp, phần nào làm giảm bớt thiệt hại cho các nhà sản xuất cũng như tạo cơ hội cho khán giả được thưởng thức tác phẩm trọn vẹn hơn. Nhưng với bảng tiêu chí mới áp dụng 2 năm qua, Hội đồng duyệt phim quốc gia vẫn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Thế nên, không ít bộ phim trong nước được đầu tư hàng tỷ đồng, đến khi ra rạp bị kiểm duyệt rất chặt, bị cắt không thương tiếc chỉ vì “không phù hợp”. Trong khi có những phim được cho là ưu ái “lỏng tay” như: “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” được dán nhãn P nhưng lại có quá nhiều cảnh yêu quái ăn mặc hở hang không phù hợp với trẻ nhỏ; “50 sắc thái: Đen” với nhiều “cảnh nóng” cũng lọt kiểm duyệt tại hệ thống rạp trong nước nhờ nhãn C18...

Hậu quả từ những ý kiến trái chiều quanh cơ chế kiểm duyệt phim khiến nhiều phim bị cắt bỏ, được gắn nhãn không có luận cứ, luận chứng thuyết phục. Để được ra rạp, không ít phim đành chấp nhận không còn là chỉnh thể nguyên vẹn so với bản gốc, khiến khán giả hụt hẫng vì sự rời rạc, chắp vá.

Mặc dù Hội đồng duyệt phim quốc gia luôn khẳng định: Tất cả đều được làm theo quy định của pháp luật. Nhưng trên thực tế, công tác kiểm duyệt đang bộc lộ nhiều lỗ hổng và cả sự thiếu công bằng, khách quan giữa phim nội và phim ngoại. Nhiều khái niệm: “không chấp nhận những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục”; “chấp nhận một số từ chửi thề, tiếng lóng của nhân vật phản diện nhưng không được sử dụng thường xuyên”; “không làm tổn thương đến cá nhân và cộng đồng”; “không có hình xăm phản cảm”... được đưa ra, nhưng còn chung chung, chưa giải thích cặn kẽ, chi tiết. Điều này vừa là rào cản hạn chế các nhà sản xuất phim và chính sự không rõ ràng tạo ra cơ hội để phim “lách luật”, gây bất bình cho công chúng.

Thiết nghĩ, đã đến lúc nên có sự đối thoại rõ ràng giữa cơ quan kiểm duyệt và những người làm phim, phát hành phim để tìm ra tiếng nói chung. Quy định kiểm duyệt cũng đến lúc không thể mơ hồ, không thể có mà như không. Mặt khác, cần làm rõ trách nhiệm của nhà sản xuất, cơ quan kiểm duyệt khi để xảy ra sai phạm.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/can-co-tieng-noi-chung/