Cần có thêm ưu đãi dành cho người có công

Bộ Lao động - thương binh và xã hội đang tổ chức lấy ý kiến các địa phương về dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Phó tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Trọng Hậu trao tặng sổ tiết kiệm cho người có công ở huyện Trảng Bom. Ảnh: V.Truyên

Phó tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Trọng Hậu trao tặng sổ tiết kiệm cho người có công ở huyện Trảng Bom. Ảnh: V.Truyên

Nội dung của dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) lần này gồm có 7 chương, 59 điều, tăng 2 chương và 11 điều so với Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (ban hành năm 2012, đang còn hiệu lực). Những nội dung sửa đổi lần này nhằm mục đích nâng cao ưu đãi dành cho người có công; quy định cụ thể về thực hiện hồ sơ, chế độ trợ cấp, thời gian hưởng chế độ ưu đãi đối với từng trường hợp được hưởng chế độ dành cho người có công…

* Sửa đổi để gỡ vướng

Đồng Nai đang quản lý 53 ngàn hồ sơ người có công và gia đình có công, trong đó hơn 13,5 ngàn đối tượng có công được hưởng trợ cấp hằng tháng. Những năm qua, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người có công, gia đình có công với cách mạng, đồng thời huy động được nhiều nguồn lực để cùng tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công trên địa bàn tỉnh.

Nội dung của dự thảo sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng lần này tập trung vào phạm vi điều chỉnh ở 2 nhóm vấn đề gồm: quy định về đối tượng, điều chỉnh một số chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.

Tuy nhiên, qua 7 năm thực hiện, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đang bộc lộ một số vướng mắc, bất cập và cần được kịp thời điều chỉnh để phù hợp với thực tế cuộc sống. Đối với một địa phương có rất đông người có công, gia đình có công đang sinh sống như Đồng Nai, việc Bộ Lao động - thương binh và xã hội lấy ý kiến sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng rất được cơ quan chức năng, người dân quan tâm.

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Hồ Văn Lộc cho biết, một trong những nội dung được Đồng Nai rất quan tâm là chế độ ưu đãi đối với liệt sĩ. Cụ thể, liệt sĩ do thân nhân hoặc họ tộc thờ cúng được hưởng tiền thờ cúng; những trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân và cũng không xác định được họ tộc thì việc thờ cúng cần phải có quy định cụ thể về việc chi trả tiền thờ cúng, chế độ dành cho người thờ cúng...

Cũng theo ông Hồ Văn Lộc, Sở Lao động - thương binh và xã hội, cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong xử lý trường hợp vi phạm về thực hiện chính sách đối với người có công như: phối hợp xác minh, điều tra, khởi tố đối với những trường hợp khai man, giả mạo hồ sơ, thu hồi tiền chế độ… Bởi, qua 7 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, cơ quan chức năng ở Đồng Nai đã phát hiện hơn 500 trường hợp hưởng không đúng chế độ chính sách ưu đãi dành cho người có công và đã tiến hành đình chỉ chế độ. Trong số này có khoảng 120 trường hợp bị tiến hành thu hồi tiền trợ cấp với số tiền hơn 8 tỷ đồng nhưng đến nay mới thu hồi được hơn 1,2 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) lần này cần bổ sung chế độ tuất liệt sĩ và cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với con liệt sĩ khi đủ 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam (vì khi lập hồ sơ thì các đối tượng này còn trong độ tuổi lao động). Thực tế hiện nay rất nhiều con liệt sĩ không có chế độ trợ cấp của Nhà nước, trong khi càng ngày họ càng lớn tuổi và đau bệnh, cuộc sống gặp khó khăn.

* Đẩy nhanh giải quyết hồ sơ cho đối tượng có công

Bên cạnh việc nâng chế độ, mở rộng chế độ dành cho thân nhân người có công, nhiều người có công, lãnh đạo các hội đoàn thể đại diện cho người có công cũng kiến nghị nhiều vấn đề cần được quy định cụ thể trong pháp lệnh sửa đổi tới đây để đẩy nhanh giải quyết hồ sơ tồn đọng cho đối tượng có công.

Cụ thể, việc giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày cần bổ sung đối tượng là cơ sở giúp đỡ cách mạng từng bị địch bắt tù, đày được hưởng chế độ theo quy định.

Ngoài ra, theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng hiện nay, người có công với cách mạng là người hy sinh, chết, bị thương hoặc có đóng góp thành tích, công lao trong thời kỳ cách mạng từ năm 1925-1991 được công nhận là liệt sĩ. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều trường hợp hoạt động kháng chiến bị chết do bệnh vẫn chưa được công nhận liệt sĩ do hồ sơ bị vướng mắc trong quá trình kê khai chưa đầy đủ theo quy định. Do đó, trong Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được sửa đổi lần này cần có quy định để xử lý những tồn đọng.

Ông Lâm Xuân Thảo, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày TP.Long Khánh cho biết thành phố hiện có 43 trường hợp người từng bị địch bắt, tù đày. Lúc giải phóng ai cũng nghĩ được trở về với gia đình đã là may mắn nên không quan tâm đến việc làm hồ sơ hưởng chế độ. Tuy nhiên, khi cần chứng minh bản thân là cựu tù cách mạng để hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước thì không thể làm hồ sơ công nhận là cựu tù cách mạng. Đây là điều rất thiệt thòi cho anh em cựu tù cách mạng.

“Tôi rất mong các cấp có liên quan sẽ có giải pháp để những người từng chiến đấu, cống hiến cho cách mạng, đất nước không bị thiệt thòi” - ông Lâm Xuân Thảo bộc bạch.

Võ Tuyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201910/can-co-them-uu-dai-danh-cho-nguoi-co-cong-2971238/