Cần có sự thống nhất về quản lý quỹ đền, chùa

Tại Quảng Ninh, Yên Tử và đền Cửa Ông vốn là 2 nơi tâm linh nổi tiếng. Tuy nhiên, việc quản lý tiền công đức, 'giọt dầu' tại 2 nơi lại khác nhau, từ đó gây nên những băn khoăn cho tăng ni, phật tử cũng như người dân.

Ai nên quản lý tiền công đức?

Trong những ngày qua, câu chuyện nhà nước hay nhà chùa, ai sẽ quản lý tiền công đức tại Yên Tử (Quảng Ninh) trở nên nóng. Lí do là thời gian gần đây, UBND tỉnh Quảng Ninh và TP Uông Bí đã có một số văn bản, thông báo về việc quản lý thu chi tiền công đức tại Khu Di tích Yên Tử.

Chủ trương là sẽ giao cho Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử chịu trách nhiệm tổ chức triển khai việc thu tiền công đức và nộp vào Kho bạc TP; các phòng, ban chức năng của TP chịu trách nhiệm trước UBND TP giám sát việc thu, chi nguồn tiền công đức; sư trụ trì tại Khu Di tích Yên Tử có trách nhiệm phối hợp giám sát việc thu tiền công đức tại các chùa.

Theo đó, nguồn thu từ tiền công đức trên sẽ được sử dụng chi cho công tác tổ chức lễ hội, đầu tư xây dựng cơ bản, trùng tu tôn tạo, tu bổ di tích… Thông tin này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều chư tăng, ni phật tử trên địa bàn. Bởi từ lâu, tiền công đức tại Yên Tử do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh tự quản lý.

 Năm 2007, để kêu gọi các “mạnh thường quân” góp tiền làm chùa Đồng và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban tôn tạo Yên Tử và giao tiền công đức tại Yên Tử cho Ban Trị sự quản lý nhằm phục vụ cho 2 công trình trên.

Năm 2007, để kêu gọi các “mạnh thường quân” góp tiền làm chùa Đồng và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban tôn tạo Yên Tử và giao tiền công đức tại Yên Tử cho Ban Trị sự quản lý nhằm phục vụ cho 2 công trình trên.

Sau 10 năm tạm dừng thu phí, đầu năm 2018, "cực chẳng đã" Quảng Ninh đã phải tiến hành thu phí tham quan Yên Tử trở lại. Mức phí cụ thể là 40.000 đồng/lần đối với người lớn và 20.000 đồng/lần đối với trẻ em.

Theo quan điểm của Thành phố, Uông Bí phải làm việc này vì tiền công đức tại Yên Tử vài năm trở lại đây không được nhiều, trong khi Ban trị sự lại chi ra hạn chế. Việc thu phí được lý giải là để đầu tư mở rộng đường sá, trùng tu, tôn tạo và trả lương cho hàng trăm người làm công tác quản lý khu di tích và rừng Quốc gia Yên Tử rộng lớn, mênh mông.

Trong khi Uông Bí còn đang loay hoay chưa biết xử lý thế nào thì TP Cẩm Phả, nơi có đền Cửa Ông nổi danh linh thiêng - đã là điểm sáng trong cả nước về công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Đặc biệt việc quản lý tiền giọt dầu, công đức tại đền Cửa Ông đang ngày càng khẳng định và phát huy được tính hiệu quả.

Cần công khai, minh bạch trong quản lý tiền công đức

Theo công bố, năm 2017, Yên Tử đón trên 1 triệu lượt du khách, tiền công đức hưởng được trên 17 tỉ đồng. Còn tính từ năm 2007 đến nay, tổng số tiền mà người dân công đức vào Yên Tử khoảng 250 tỉ đồng.

Đấy là tiền công đức, còn tiền giọt dầu bao nhiêu là vấn đề nội bộ của nhà chùa, người ngoài không thể biết. Việc thu, thống kê tiền công đức ở Yên Tử là một quy trình khá chặt chẽ, được giám sát bởi một hội đồng gồm nhiều ban bệ như: nhà chùa, công an, phòng tài chính, Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử...

Số tiền công đức mỗi năm, Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử sẽ được nhà chùa trích lại cho 4% để làm công tác quản lý Yên Tử. Còn lại bao nhiêu do nhà chùa tự cân đối.

Đền Cửa Ông ở TP Cẩm Phả

Chỉ tính riêng Đền Cửa Ông ở TP Cẩm Phả, theo thống kê năm 2017 có khoảng 800.000 lượt người đến tham quan, lễ bái. Tuy số người đến ít hơn so với Yên Tử nhưng năm 2017 đền Cửa Ông được trên 107 tỷ tiền công đức. Trong đó có 40 tỷ do người dân công đức tại đền, hơn 70 tỷ là do doanh nghiệp công đức, tài trợ.

Ông Đinh Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả cho biết, để việc quản lý tiền giọt dầu, công đức được hiệu quả, công khai, minh bạch, Ban Quản lý đền đã thành lập các tổ công tác chuyên trách như tổ kiểm két với sự tham gia của các thành viên là đại diện các tổ chức, đoàn thể của phường và đại diện Phòng tài chính, kế hoạch của UBND TP Cẩm Phả làm công tác kiểm đếm tiền và chốt biên bản.

Việc kiểm đếm tiền công đức, "giọt dầu" được diễn ra hết sức minh bạch trước sự giám sát của các thành viên trong tổ và các camera an ninh được lắp đặt trong phòng kiểm đếm.

Trong những tháng cao điểm như tháng Giêng, tháng 2 âm lịch, việc kiểm két được chia làm 2 lần/ngày. Ngoài ra vào thời điểm không phải lễ hội, lượng khách ít, việc kiểm két được diễn ra 2 lần/tuần. Các thủ tục sau đó như lập biên bản, viết biên lai, nộp ngân sách đều được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, theo đúng quy định.

Nhờ tấm lòng của du khách, cộng với việc quản lý, giám sát chặt chẽ tiền công đức nên TP Cẩm Phả hàng năm có kinh phí để tu sửa đền Cửa Ông ngày một khang trang, rộng rãi hơn.

Trong thời gian tới, TP Cẩm Phả tiếp tục thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng di tích lịch sử đền Cửa Ông trên quy mô 180.000m2 từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa như khu sân tượng đài, tường bao, khu đón tiếp du khách, dịch vụ, khu công viên cảnh quan…

Dự án cải tạo chắc chắn sẽ đem đến sự thay đổi diện mạo mới và tích cực cho khu di tích.

Viết Cường

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/can-co-su-thong-nhat-ve-quan-ly-quy-den-chua-48032