Cần có sự phối hợp trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả trong thương mại điện tử

Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử đạt được hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt giữa giữa các Bộ, ngành, cơ quan chức năng.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, tình trạng lợi dụng kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) để bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gia tăng. Qua công tác thanh, kiểm tra, các lực lượng chức năng cũng đã phối hợp phát hiện nhiều vụ lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với quy mô lớn.

Điển hình là vụ việc Tổng cục QLTT phối hợp với A05 (Bộ Công an) phát hiện kiểm tra 1 kho hàng khoảng 10.000 m2 ở tỉnh Lào Cai chứa rất nhiều hàng hóa vi phạm.Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, kho hàng trên đã hoạt động từ năm 2018, với số lượng nhân viên hoạt động tại kho hàng rất đông, lượng hàng hóa ra vào lớn; hàng ngày có nhiều đơn hàng được các công ty vận chuyển đến tiếp nhận để chuyển cho các khách hàng.

Cho đến khi các lực lượng trung ương phối hợp kiểm tra (tháng 7/2020), các đơn vị quản lý địa bàn ở địa phương mới nắm được hoạt động của các đối tượng. Qua đó cho thấy công tác quản lý địa bàn của chính quyền và các lực lượng đóng tại địa phương thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa sát sao, chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao.

Về nguyên nhân khiến cho các lực lượng chức năng gặp khó khăn trong quá trình phát hiện, đấu tranh chống gian lận thương mại điện tử, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, bản thân hoạt động kinh doanh TMĐT đang là xu thế phát triển trong thời đại cách mạng 4.0.

Qua nghiên cứu cho thấy, các đối tượng sử dụng phương thức rất tinh vi, được tổ chức bài bản, tất cả các hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, thu thập thông tin khách hàng quan tâm đến sản phẩm đều thông qua môi trường mạng xã hội, livetream trên facebook. Sau đó các nhân viên bán hàng điện thoại cho khách hàng để giao dịch, chốt đơn hàng. Các đối tượng sử dụng các công ty chuyển phát để vận chuyển hàng hóa đến khách hàng trên cả nước, tiền sẽ được chuyển vào các tài khoản cá nhân theo chỉ định. Vì vậy công tác phát hiện, đấu tranh của các lực lượng chức năng với loại hình kinh doanh mới này còn hạn chế, chưa tương xứng với các vụ việc đang diễn ra.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cũng theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT, Bộ Công Thương cần chỉ đạo Cục TMĐT và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thuộc bộ và các bộ, ngành, địa phương rà soát, phân loại danh sách các Website, ứng dụng TMĐT, các nhóm mặt hàng và hành vi vi phạm để đánh giá đúng thực trạng;

Đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra trên phạm vi toàn quốc đối với các tổ chức, cá nhân; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật; tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật, xây dựng các giải pháp tổng thể để bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; tăng cường chia sẻ thông tin, hỗ trợ kĩ thuật cho các lực lượng chức năng trong việc thu thập thông tin, xác minh, xử lý các hành vi vi phạm.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, giải pháp kỹ thuật, tăng cường công tác rà soát, thanh tra, kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; kiểm tra, giám sát việc sử dụng, thực hiện việc ngừng, tạm ngừng, thu hồi giấy phép trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, các tên miền khác được tổ chức quốc tế phân bổ cho Việt Nam và địa chỉ IP đối với các website, mạng xã hội... được sử dụng để vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT;

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, lực lượng Công an các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng khác chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, chủ động phát hiện, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân; tổ chức đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, tập trung điều tra, kết luận, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, những vụ việc phức tạp, nổi cộm trong việc lợi dụng TMĐT để vi phạm pháp luật; tiếp nhận, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự do cơ quan chức năng khác chuyển đến.

Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan có biện pháp phát hiện, kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động TMĐT; chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp với các lực lượng chức năng, các công ty viễn thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng… để cập nhật đầy đủ các thông tin của tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT; tăng cường công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh TMĐT, có biện pháp truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh trên mạng mà không khai báo với cơ quan thuế; qua công tác quản lý thuế phát hiện có nghi vấn, chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin cho các cơ quan có liên quan khác đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm để cùng phối hợp xử lý kịp thời.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các ngân hàng thực hiện tốt việc trao đổi, cung cấp thông tin theo quy định pháp luật cho cơ quan thuế và các lực lượng chức năng khác phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT; phối hợp áp dụng biện pháp tạm thời như trì hoãn giao dịch hoặc phong tỏa tài khoản để ngăn chặn việc thanh toán, chuyển tiền đối với các tổ chức, cá nhân theo quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Bảo Linh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/can-co-su-phoi-hop-trong-dau-tranh-chong-buon-lau-hang-gia-trong-thuong-mai-dien-tu-d179164.html