Cần có sự hiểu đúng về HIV

Câu chuyện 42 người nhiễm HIV ở một vùng quê của tỉnh Phú Thọ mà chính người dân không biết nguyên nhân họ mắc bệnh từ đâu đang khiến cho nhiều người lo lắng về sự lây lan của căn bệnh này. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, trước khi có câu trả lời chính thức từ các cơ quan chức năng, người dân cần hiểu đúng về căn bệnh để tránh tâm lý hoang mang.

Lâu nay, nhiều người vẫn mặc định HIV là “bệnh tử thần”, nhiễm HIV là chết, HIV là do mại dâm, do ma túy và nhiều điều xấu xa khác. Điều đáng sợ nhất đối với người nhiễm HIV chính là sự kỳ thị, điều này có thể giết chết người bệnh nhanh hơn cả vi rút HIV.

Trên thực tế hiện nay, người nhiễm HIV vẫn thường bị kỳ thị, xa lánh, bị cô lập trong xã hội. Tới bất kỳ nơi nào mà người ngoài biết họ mang bệnh HIV, họ đều bị nhìn bằng ánh mắt coi khinh. Chính sự kỳ thị đó vô tình biến người nhiễm HIV thành cô lập, cô đơn, thậm chí người bệnh cô đơn trong chính ngôi nhà của họ, khi bị HIV họ phải sống “nép mình” vì sợ lây nhiễm cho người thân khác.

Về phía bệnh nhân HIV và ngay cả với người thân của họ, họ chưa được tư vấn tâm lý một cách kỹ càng, khi đối diện với một chấn thương tâm lý lớn như bị nhiễm HIV, hầu hết họ đều suy sụp. Do đó, người bệnh nếu không cải thiện về mặt tâm lý và sống lạc quan thì bệnh dễ nặng hơn và dẫn tới tử vong. Ngược lại, nếu duy trì được trạng thái tâm lý tốt, người bệnh vẫn có thể sống khỏe trong thời gian rất dài.

Trạm y tế xã Kim Thượng - xã có nhiều người dân nhiễm HIV (Ảnh T.L - Đ.T)

Trạm y tế xã Kim Thượng - xã có nhiều người dân nhiễm HIV (Ảnh T.L - Đ.T)

Nói về vai trò của điều trị bệnh đối với người nhiễm HIV, bà Nguyễn Thị Kim Dung – Quản lý chương trình mạng lưới cộng đồng và nhóm đích (Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng) cho hay:

“Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), người nhiễm HIV khi điều trị đạt đến tải lượng dưới ngưỡng phát hiện (khi HIV dưới 200 bản sao/ml máu) hoàn toàn không có nguy cơ lây HIV cho bạn tình qua đường quan hệ tình dục.

Với phụ nữ mang thai có HIV, nếu điều trị ARV trong quá trình mang thai và sinh con, đồng thời trẻ sơ sinh được điều trị ARV ngay từ khi sinh ra cho đến 4-6 tuần thì nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cũng giảm xuống dưới 1%”.

Cùng với đó, người dân cần hiểu rõ HIV lây truyền chủ yếu qua đường máu, quan hệ tình dục, truyền từ mẹ sang con,... chứ không chỉ lây qua sử dụng chung bơm kim tiêm. Đáng nói là nhiều người không hề biết mình nhiễm HIV và điều nguy hiểm nhất với HIV là có bệnh nhân, có dịch mà không biết. Khi đó không áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn thì bệnh sẽ lây lan rộng trong cộng đồng.

Bà Kiều Thị Mai Hương - Quản lý chương trình Sức khỏe, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng nhấn mạnh: Để sống khỏe và hạnh phúc thì phụ thuộc rất nhiều vào bản thân người nhiễm HIV.

Đã có rất nhiều người nhiễm HIV sức khỏe sa sút nhanh chủ yếu là do chán nản, tuyệt vọng, mất niềm tin vì bị gia đình, xã hội kỳ thị và phân biệt đối xử, để có kết quả cao trong điều trị người bệnh cần lạc quan, tin tưởng vào điều trị, biết giải tỏa lo âu, căng thẳng.

Theo đó, người bệnh cần nắm rõ bệnh của bản thân, uống thuốc đúng, đủ liều theo hướng dẫn, khám kiểm tra định kỳ, đồng thời đảm bảo chế độ dinh dưỡng nghỉ ngơi hợp lý, chế độ làm việc, luyện tập thể dục phù hợp, tùy theo sức của mình, không làm việc, tập luyện quá sức, không thức khuya,...

Hoa Nguyễn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-co-su-hieu-dung-ve-hiv-78482.html