Cần cơ sở dữ liệu công khai bằng cấp

Sau khi loạt bài 'Bất cập trong quản lý chứng chỉ, văn bằng' (Báo SGGP đăng từ ngày 16 đến ngày 19-1) phản ánh những tồn tại trong việc quản lý, cấp bằng, sử dụng chứng chỉ, bằng cấp và các quy định về công nhận bằng cấp quốc tế, nhiều chuyên gia đã chia sẻ ý kiến.

Bằng giả Trường Đại học Kinh tế TPHCM

Bằng giả Trường Đại học Kinh tế TPHCM

TS PHẠM THỊ LY, Đại học Quốc gia TPHCM:

Công bố danh sách những trường được công nhận

Trước hết, cần phân biệt bằng cấp dỏm và giả. Bằng giả là bằng ghi tên trường thật, nhìn giống y như bằng thật, nhưng không phải là bằng do “chính chủ” - tức trường có tên trên bằng - đưa ra. Sản xuất bằng giả ở Việt Nam có thể bị quy tội theo Điều 267 Bộ luật Hình sự, với mức phạt tiền 5 - 50 triệu đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Còn bằng dỏm là bằng thật của trường dỏm cấp. Trường dỏm tức là trường không tổ chức đào tạo thực sự, có khi chỉ có mỗi cái tên, và chỉ làm một việc là bán bằng ăn tiền. Luật Việt Nam chưa quy định tội bán bằng dỏm.

Bằng giả, bằng dỏm là hiện tượng nhức nhối ở nhiều nước, đã và đang tràn vào Việt Nam trong quá trình mở cửa và hội nhập. Năm 2007, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định 77 quy định trình tự, thủ tục công nhận bằng của người Việt Nam do các trường nước ngoài cấp. Quy định như thế tưởng là đã chặt chẽ, khiến việc dùng bằng dỏm/bằng giả qua mặt nhà chức trách có vẻ khó còn hơn “lạc đà chui qua lỗ kim”, tuy nhiên, tất cả những thủ tục đó mặc dù nghiêm ngặt và nhiêu khê nhưng chẳng hề nói lên gì về uy tín, giá trị, chất lượng của tấm bằng, ngoại trừ một quy định duy nhất có giá trị, đó là việc kiểm định của trường. Nhưng quy định này lại là quy định vô lý nhất, bởi vì thông tin đó có thể tìm thấy trên cơ sở dữ liệu công khai của các tổ chức thẩm quyền ở nước sở tại, mà không cần người có bằng phải tự mình chứng minh.

Chúng ta có thể hiểu thiện ý của Bộ GD-ĐT khi đặt ra quy định về việc công nhận bằng cấp nước ngoài của người Việt, là nhằm tránh cho các tổ chức/cá nhân trong nước do thiếu thông tin mà lầm lẫn về giá trị thực của tấm bằng nước ngoài. Bởi lẽ, trước tình trạng bằng giả, bằng dỏm tràn lan, không phải ai cũng có đủ thông tin và khả năng chuyên môn để đánh giá và nhận định. Bộ GD-ĐT là nơi có thẩm quyền đánh giá tính hợp pháp của văn bằng ngoài nước, đặc biệt là thông qua các hiệp định công nhận bằng cấp lẫn nhau với các nước. Hiện nay, Việt Nam đã có hiệp định này với Nga, Trung Quốc, Cuba, Belarus và Áo. Cần nhanh chóng xúc tiến các hiệp định tương tự với các cường quốc đại học như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Australia… để tạo thuận lợi cho người học Việt Nam.

Thay vì phải công nhận từng trường hợp một cách nhiêu khê như hiện nay, Bộ GD-ĐT chỉ cần một cơ sở dữ liệu công khai trên trang web của bộ, nêu rõ những tên trường nào là chưa được kiểm định và bằng cấp của những trường đó sẽ không được Việt Nam công nhận. Trong số 17.000 trường đại học trên thế giới, danh sách những trường chưa được kiểm định và chưa được công nhận chắc sẽ ngắn hơn danh sách những trường đã được kiểm định hoặc công nhận. Hoặc ngược lại, bộ công bố danh sách những trường được bộ công nhận. Ngoài danh sách đó ra thì bằng cấp của tất cả các trường khác đều vô giá trị, hoặc sẽ phải làm thủ tục công nhận từng trường hợp. Danh sách này cần được cập nhật hàng năm và sẽ giúp giải quyết dứt điểm vấn đề bằng dỏm. Còn bằng giả là vấn đề hình sự, chỉ có thể giải quyết bằng cách xác minh từng trường hợp một với trường đã cấp bằng. Thường người ta chỉ làm vậy khi có nghi vấn.

TS HOÀNG NGỌC VINH, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp:

Chưa quản lý được giá trị văn bằng

Việc kiểm soát văn bằng, nhất là bằng đại học/sau đại học, cả ở trong nước và nước ngoài là cần thiết, để đảm bảo giá trị thật của văn bằng cũng như sự công bằng giữa những người được cấp bằng.

Hiện tại ở trong nước, chúng ta chỉ mới có quy định quản lý văn bằng nặng về hình thức (kiểu quản lý phôi, in ấn, ai phát hành...) mà chưa đi vào quản lý giá trị thật của văn bằng, theo nguyên tắc trình độ luôn gắn với tuân thủ khung đảm bảo chất lượng… Chúng ta chỉ xem chương trình đào tạo ấy có được Bộ GD-ĐT cho phép mở hay không và xem về khối lượng kiến thức được cung cấp có phù hợp với quy định hay không, mà chưa căn cứ vào năng lực của người học sau khi tốt nghiệp. Vì thế, mới có cái người ta nói là học thật (đến trường lớp đủ), dạy thật nhưng chất lượng giả… Chưa kể đến những người không học mà mua bán điểm số và bằng cấp. Điều này cũng khó cho thị trường lao động phân biệt thật giả nếu chỉ căn cứ vào bằng cấp và điểm số để xem xét tuyển dụng.

Hiện nay đã có hơn 150 quốc gia xây dựng khung trình độ quốc gia (KTĐQG), có xác định khung kiến thức, kỹ năng và khả năng thực hiện nhiệm vụ độc lập, tự chủ cho từng trình độ đào tạo tương ứng với lượng học tập đo bằng tín chỉ. Để đạt được yêu cầu đầu ra đó, các chương trình phải cụ thể hóa xây dựng chuẩn đầu ra cùng sự hợp tác tích cực của giới sử dụng lao động; chương trình đào tạo cùng các quy trình thủ tục đảm bảo chất lượng (dạy học, đánh giá, kiểm định, thanh tra chuyên môn...) không tách rời khỏi việc cấp và công nhận văn bằng.

Tuy nhiên, ở nước ta, quản lý này chưa đi vào thực chất mà còn nặng về hành chính, chưa triển khai KTĐQG mà Thủ tướng đã ký phê chuẩn cách đây hơn 2 năm. Trong khi đó, thế giới xem xét công nhận văn bằng cũng khá phức tạp, nếu chưa có KTĐQG và thỏa thuận quốc gia thì người ta cũng phải xác minh qua hồ sơ mà người cần xác minh yêu cầu. Đối với quốc gia có KTĐQG và có thỏa thuận quốc gia, người ta sẽ xem xét công nhận sự tương đương với trình độ nào trong khung trình độ trên cơ sở xem xét chuẩn đầu ra, lượng học tập và việc tuân thủ quy định đảm bảo chất lượng. Việc lao động nước ngoài muốn vào làm việc tại Việt Nam đều phải được xem xét văn bằng, chứng chỉ kỹ năng nghề để bảo vệ thị trường lao động trong nước, cũng như đảm bảo dịch vụ được cung ứng tốt. Sớm hay muộn thì Việt Nam cũng phải đi theo hướng này.

Th.S PHẠM THÁI SƠN, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM:

Cho thôi việc nếu phát hiện dùng bằng giả, dỏm

Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo đã công khai danh sách tốt nghiệp (họ tên, ngày tháng năm sinh, ngành, năm tốt nghiệp…) lên website để thuận lợi cho việc kiểm tra, xác minh. Tuy nhiên, nhiều trường cũng có cách ngăn chặn việc chỉnh sửa thông tin và còn một hồ sơ lưu trữ (sổ gốc). Do đó, hiện tại các doanh nghiệp thường xem thông tin bằng cấp trên trang tra cứu văn bằng của các trường, đặc biệt khá nhiều doanh nghiệp gửi công văn nhờ trường xác minh.

Với những người được xác nhận là văn bằng không đúng thì tùy theo doanh nghiệp sẽ có xử lý. Về phía nhà trường sẽ xử lý bằng cách đuổi việc nếu đã ký hợp đồng.

THANH HÙNG (ghi)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/can-co-so-du-lieu-cong-khai-bang-cap-571988.html