Cần có những thay đổi, điều chỉnh sát với thực tiễn

Hằng năm, Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Lộc đều nhận được công văn hướng dẫn của ngành về việc thực hiện viết SKKN, quy định cấu trúc của một SKKN... Theo đó, phòng giáo dục cũng ban hành các văn bản hướng dẫn để các đơn vị trường trên địa bàn huyện triển khai thực hiện nghiêm túc, định hướng cán bộ, giáo viên lựa chọn những đề tài phù hợp theo từng bậc học, ngành học.

Các đơn vị trường tham gia tích cực, tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng SKKN của cán bộ, giáo viên trên địa bàn huyện so với những đơn vị khác còn khiêm tốn. Kết thúc năm học 2018-2019, toàn huyện có 262 SKKN xếp loại A cấp trường gửi hội đồng SKKN cấp huyện đánh giá. Qua đánh giá, hội đồng SKKN cấp huyện lựa chọn 24 SKKN có chất lượng tốt gửi về Hội đồng SKKN cấp tỉnh của ngành đánh giá.

Hiện nay, ngành giáo dục không bắt buộc giáo viên viết SKKN, nhưng vẫn khuyến khích 1 giáo viên trong 3 năm nên có một SKKN được xếp loại, vừa là để trau dồi chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân, vừa để chia sẻ với đồng nghiệp về kinh nghiệm giảng dạy... Mặc dù vậy, do gắn với tiêu chí thi đua nên phần lớn giáo viên đều tham gia viết hằng năm, nhưng chất lượng của SKKN chưa thực sự cao. Nhiều SKKN được xếp loại vẫn chưa được nhân rộng. Mặt tốt của hoạt động viết SKKN là không thể phủ nhận, song vì điều kiện ràng buộc trong thi đua nên hoạt động này đang tạo không ít áp lực cho cán bộ, giáo viên. Vì vậy, ngành giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu và có những thay đổi, điều chỉnh sao cho phù hợp để việc viết SKKN sát thực tiễn công tác của mỗi cán bộ, giáo viên, qua đó, nâng cao hiệu quả của phong trào thi đua, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển.

Đặng Xuân Trường

Chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/can-co-nhung-thay-doi-dieu-chinh-sat-voi-thuc-tien/105955.htm