Cần có những phương pháp khác nhau để dạy tiếng Việt cho học sinh

Cách dạy học đánh vần theo Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục với nhiều khác biệt so với phương pháp dạy học đánh vần truyền thống đang có những ý kiến trái chiều, làm dấy lên những băn khoăn, tranh luận về phương pháp dạy học tiếng Việt. PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quốc gia Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục; Điều phối chính Ban Phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông mới; Thành viên Ban Phát triển Chương trình môn Tiếng Việt – Ngữ văn trao đổi chung quanh vấn đề này.

PGS,TS Bùi Mạnh Hùng

PGS,TS Bùi Mạnh Hùng

PV: Thưa PGS,TS Bùi Mạnh Hùng, việc Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục, trong đó có giảng dạy đánh vần tiếng Việt không giống với cách đánh vần theo sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt đại trà, được đưa vào triển khai tại một số trường từ thời điểm nào?

PGS,TS Bùi Mạnh Hùng: Tài liệu Tiếng Việt lớp 1, Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) đã được sử dụng trong nhà trường từ lâu. Tính từ thời điểm sớm nhất, năm 1979, trong phạm vi Trường Thực nghiệm Công nghệ Giáo dục do GS,TSKH Hồ Ngọc Đại sáng lập, cho đến nay thì cũng đã gần 40 năm. Trong thời gian đó, TV1-CNGD có khi được khuyến khích mở rộng, có khi bị thu hẹp.

PV: Ông có thể so sánh cụ thể giữa hai cách dạy học tiếng Việt trong SGK đại trà và Tài liệu TV1-CNGD?

PGS,TS Bùi Mạnh Hùng: So với SGK Tiếng Việt đại trà, thì cách tiếp cận của TV1-CNGD có nhiều điểm khác biệt. Điểm khác biệt quan trọng nhất là cách dạy đọc, trong đó có cách dạy đánh vần.

TV1-CNGD dạy học đánh vần dựa trên cơ sở phân tích cấu trúc âm tiết tiếng Việt, và sử dụng các khái niệm, các thuật ngữ ngữ âm học, như nguyên âm, âm đệm, âm cuối. TV1-CNGD cũng chủ trương phân biệt rạch ròi giữa âm và con chữ. Việc phân tích cấu trúc âm tiết và phân biệt âm với chữ là có cơ sở khoa học. Nhưng có cần như vậy khi dạy đánh vần cho học sinh hay không, đó là vấn đề vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Điều cần nói rõ là cách dạy đánh vần của TV1-CNGD gây tranh cãi, thậm chí phản đối quyết liệt còn vì do nhiều người hiểu lầm là nó làm thay đổi chữ quốc ngữ, và tiếng Việt. Thực chất là nó không làm thay đổi gì chữ viết và ngôn ngữ mà chỉ là một trong nhiều giải pháp giúp học sinh biết đọc thành tiếng và viết chính tả, mục đích mà tất cả các sách dạy học tiếng Việt lớp 1 đều phải hướng đến

So với SGK Tiếng Việt đại trà của Bộ GD-ĐT thì TV1-CNGD chưa bảo đảm được mục tiêu một cách toàn diện, SGK Tiếng Việt lớp 1 đại trà bám sát và bảo đảm tốt hơn các mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông. Riêng kỹ năng đọc thành tiếng, viết chính tả thì TV1-CNGD có một số ưu thế nhất định.

PV: Bộ GD-ĐT đã thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu TV1-CNGD để đưa vào nhà trường. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cách dạy đánh vần của TV1-CNGD phức tạp hơn, khiến học sinh mới bắt đầu đi học dễ bị lẫn lộn, khó tiếp thu… Ông có thể cho biết một số luận điểm khoa học khi Bộ GD-ĐT thẩm định về bộ tài liệu này?

PGS,TS Bùi Mạnh Hùng: Hội đồng Thẩm định Quốc gia thẩm định TV1-CNGD dựa trên quan niệm một tài liệu dạy học tiếng Việt cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:

Thứ nhất, bảo đảm giúp học sinh phát triển các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe; và thông qua học ngôn ngữ, học sinh cũng được phát triển các năng lực khác, đặc biệt là năng lực tư duy, được bồi dưỡng các phẩm chất tốt đẹp như tình yêu đối với tiếng mẹ đẻ, với văn học và văn hóa Việt Nam,…Mức độ yêu cầu về các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe được thể hiện rõ trong chương trình giáo dục phổ thông và tất cả tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường cần phải tuân thủ ;

Thứ hai, phù hợp với đặc điểm của tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính, có thanh điệu, hệ thống chữ viết ghi âm; phát huy hiệu quả vốn tiếng Việt có được từ trước khi đến trường của học sinh với tư cách người bản ngữ;

Thứ ba, tiếp cận theo quan điểm dạy học hiện đại: nội dung và phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh; tạo điều kiện cho học sinh được tham gia vào quá trình học tập với tư cách là một chủ thể tích cực, năng động và sáng tạo.

PV: Ông nói gì trước việc Tài liệu TV1-CNGD khi đưa vào giảng dạy cho học sinh mà vẫn chưa hoàn toàn nhận được những ý kiến đồng tình? Ông có ủng hộ việc có thêm những phương pháp phong phú hơn để dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học, thay vì dạy thống nhất theo một phương pháp?

PGS,TS Bùi Mạnh Hùng: Phương pháp dạy học tiếng Việt nói chung và dạy học đánh vần nói riêng của tài liệu của TV1-CNGD đã gây nhiều tranh cãi, còn có ý kiến trái chiều. Sau hai lần thẩm định (năm 2017 và 2018), TV1-CNGD đã được chỉnh sửa đáng kể. Tuy hiện cũng còn những điểm hạn chế cần được khắc phục, nhưng như đã nói ở trên, TV1-CNGD có ưu thế nhất định trong việc giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc thành tiếng và viết chính tả.

Mặc dù có những ý kiến không đồng tình, nhưng số trường áp dụng và số giáo viên, cha mẹ học sinh ủng hộ TV1-CNGD cũng không ít. Tôi không cho rằng TV1-CNGD là giải pháp tối ưu để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt ở tiểu học. Quan điểm dạy học tiếng Việt của tôi khác biệt đáng kể với tác giả TV1-CNGD. Tuy vậy, tôi ủng hộ quan điểm cần có những phương pháp khác nhau để dạy tiếng Việt cho học sinh mới bắt đầu đi học.

TV1-CNGD đã được sử dụng trong nhiều thập niên. Trong bối cảnh chuẩn bị ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, Hội đồng Thẩm định Quốc gia đã đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép TV1-CNGD được tiếp tục sử dụng thêm một thời gian ngắn trong phạm vi hạn chế cho đến khi áp dụng SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến năm 2019.

PV: Thưa ông, trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, được bắt đầu áp dụng ở lớp 1 từ năm học 2019-2020, việc dạy tiếng Việt, dạy đánh vần sẽ được thực hiện như thế nào?

PGS,TS Bùi Mạnh Hùng: Chương trình giáo dục phổ thông chỉ quy định các yêu cầu cần đạt về kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Cụ thể là sau một năm học, học sinh có khả năng đọc, viết, nói và nghe đến mức độ nào, ví dụ Chương trình tiếng Việt – Ngữ văn mới quy định, học xong lớp 1, học sinh “Đọc đúng âm, vần, tiếng, từ, câu (có thể đọc chưa thật đúng một số tiếng có vần khó, ít dùng); đọc đúng và rõ ràng đoạn văn hoặc văn bản ngắn, tốc độ đọc: 40 – 60 tiếng 01 phút; biết ngắt hơi ở chỗ có dấu phẩy, dấu kết thúc câu hay ở chỗ kết thúc dòng thơ; bước đầu biết đọc thầm”, chứ không bắt buộc học sinh phải được học theo phương pháp nào. Nói cách khác, chương trình giáo dục chỉ quy định mục tiêu cần đến, còn con đường đi đến mục tiêu, trên thực tế, khá đa dạng và sẽ được lựa chọn bởi tác giả sách giáo khoa và giáo viên.

Quan điểm này phù hợp với xu hướng quốc tế và cũng tạo cơ sở cho việc triển khai chính sách “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” được quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

LÊ HÀ

Thực hiện

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/37473302-can-co-nhung-phuong-phap-khac-nhau-de-day-tieng-viet-cho-hoc-sinh.html