Cần có lộ trình tăng học phí

Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 trên địa bàn thành phố. Mức thu học phí được chia thành hai nhóm. Nhóm 1 áp dụng cho học sinh ở các quận và thành phố Thủ Ðức; nhóm 2 dành cho học sinh tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.

Theo dự thảo, trừ bậc tiểu học được miễn học phí theo Luật Giáo dục, tất cả bậc học còn lại đều có mức tăng mạnh với mức chênh lệch 70.000-240.000 đồng/tháng. Cụ thể, mức học phí mới dự kiến ở bậc nhà trẻ thuộc nhóm 1 là 300.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 100.000 đồng/tháng so với mức thu cũ; nhóm 2 là 120.000 đồng/học sinh/tháng, mức thu này giữ nguyên.

Mẫu giáo ở nhóm 1 là 300.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 140.000 đồng/tháng; nhóm 2 là 100.000 đồng/học sinh/tháng, mức thu giữ nguyên. Bậc trung học cơ sở ở nhóm 1 là 300.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 240.000 đồng/tháng; nhóm 2 là 100.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 70.000 đồng/tháng. Bậc trung học phổ thông nhóm 1 là 300.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 180.000 đồng/tháng; nhóm 2 là 200.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 100.000 đồng/tháng.

Tính cả năm học, dự kiến số tiền học phí phụ huynh phải trả thêm từ 630.000 đồng đến 2,16 triệu đồng/năm. Lý giải về việc xây dựng mức học phí mới, theo Sở Giáo dục và Ðào thành phố Hồ Chí Minh là để góp phần thực hiện công bằng trong giáo dục, bảo đảm sự bình đẳng trong việc đóng góp của các gia đình và người học, điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách, tạo sự bình đẳng về cơ hội học tập trong xã hội, đồng thời, huy động sức dân cùng Nhà nước chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo,...

Cũng theo Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố, khung thu học phí đang đề xuất là đúng quy định và phù hợp điều kiện thực tế, khả năng đóng góp của người dân. Trước đây, thành phố Hồ Chí Minh duy trì mức thu học phí thấp và không tăng trong sáu năm qua. Từ năm 2019, thành phố giảm học phí bậc trung học cơ sở từ 100.000 đồng/học sinh/tháng còn 60.000 đồng/tháng ở nhóm 1; từ 85.000 đồng/học sinh/tháng xuống 30.000 đồng/tháng ở nhóm 2. Do đó, khi áp dụng mức học phí mới theo dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 trên địa bàn thành phố có sự chênh lệch nhất định.

Thống kê cho thấy, mỗi năm thành phố dành nguồn ngân sách không nhỏ để chi cho phát triển giáo dục và đào tạo, chiếm khoảng 20% ngân sách chi thường xuyên của thành phố. Mức chi này chỉ bảo đảm cơ bản chế độ cho đội ngũ giáo viên, công nhân viên, đầu tư cho cơ sở vật chất và hoạt động chuyên môn. Việc tăng học phí mới có thể giải quyết và đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển cho giáo dục và đào tạo, nhất là để nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại… phục vụ học tập tốt nhất cho học sinh theo xu hướng hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, đây là mức tăng không nhỏ và trở thành gánh nặng đối với người có thu nhập thấp, người ngụ cư. Trong số 1,7 triệu học sinh tại các bậc học, hiện có khoảng 370.000 học sinh không có hộ khẩu ở thành phố, phần lớn trong số này là con của những người lao động ở các địa phương khác tạm trú ở thành phố, có thu nhập thấp.

Trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng, vật giá đang "leo thang", nhất là người dân vừa bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thành phố cần có lộ trình tăng học phí dần dần, có giải pháp hỗ trợ, miễn, giảm học phí cho con em người thu nhập thấp để "không ai bị bỏ lại phía sau" vì gánh nặng học phí…

DUY KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dan-biet-dan-ban/can-co-lo-trinh-tang-hoc-phi-697935/