Cần có KPI cho lãnh đạo để việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội được thực chất

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng cần nghiên cứu bộ tiêu chí cụ thể để lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội được thực chất hơn.

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng việc đánh giá con người, đánh giá cán bộ luôn là một khâu rất khó khăn. Chính Trung ương trong quá trình làm công tác cán bộ cũng phải khẳng định đánh giá cán bộ là khâu hiện nay còn yếu và khó nhất mà chúng ta vẫn đang phải tiếp tục để hoàn thiện. Vì thế, càng cần có một bộ tiêu chí cụ thể về chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) để việc đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ được chính xác, thực chất hơn.

 Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình). (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình). (Ảnh: TTXVN)

- Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua đối với 48 chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn đã khách quan chưa, thưa ông?

Đây là lần thứ 3 Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm lần này đã rút kinh nghiệm cho những lần trước. Trước hết, Quốc hội đã hoàn thiện được hệ thống văn bản cho việc lấy phiếu bằng Nghị quyết 85. Tôi cho rằng nhìn chung, công tác chuẩn bị lấy phiếu, quá trình tổ chức lấy phiếu và cách đánh giá là khá khách quan.

Trước kỳ họp Quốc hội, tất cả đại biểu nhận đều nhận được báo cáo công tác. Việc kết hợp đánh giá của các đại biểu Quốc hội về hoạt động của Bộ trưởng, cộng với báo cáo công tác thì đây là những thông tin hết sức quan trọng giúp cho đại biểu Quốc hội có thể đánh giá khách quan và đưa ra quyết định của mình với từng vị trưởng ngành.

Như đã biết, kết quả lấy phiếu thể hiện rất khách quan và có tính chất xây dựng. Bởi tính chất của việc lấy phiếu được xác định là một hình thức giám sát. Thông qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm của mình, các Bộ trưởng hay trưởng ngành biết được sự tín nhiệm của họ trong các đại biểu Quốc hội như thế nào.

Tôi đánh giá việc này rộng hơn, thậm chí không chỉ chấm điểm Bộ trưởng mà chấm điểm cả ngành. Ngành nào nổi bật, ngành nào chưa nổi bật, ngành nào có những vấn đề nóng và cả những ngành nào chưa có vấn đề gì nổi bật.

- Tiêu chí nào để đánh giá các vị Bộ trưởng, trưởng ngành, thưa ông?

Không chỉ tôi mà tất cả các vị đại biểu Quốc hội đều phải căn cứ tiêu chí vào chức năng nhiệm vụ được pháp luật quy định ở từng vị trí. Ví dụ, Luật tổ chức Quốc hội thì quy định chức năng nhiệm vụ của các Chủ tịch Quốc hội, của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thế nào; hay Luật tổ chức Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ trưởng.

Đây là điểm quan trọng nhất trong việc xây dựng tiêu chí để đại biểu Quốc hội có thể đánh giá mức độ tín nhiệm hay nói cách khác là đánh giá quá trình công tác, thực hiện chức trách nhiệm vụ được pháp luật quy định của các vị Bộ trưởng hay trưởng ngành được lấy phiếu tín nhiệm.

- Nhiều chuyên gia cho rằng các tiêu chí này vẫn chưa cụ thể dẫn tới có thể bị đánh giá theo cảm tính, thưa ông?

Dư luận rất muốn có bộ tiêu chí kỹ hơn để đánh giá cán bộ

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình)

Rõ ràng, dù có tiêu chí thì vẫn là cảm tính. Cảm tính tức là mình cảm nhận thấy, là đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người mà mình đã bầu hoặc phê chuẩn.

Đương nhiên, dư luận rất muốn có bộ tiêu chí kỹ hơn để đánh giá cán bộ. Nhưng dù tiêu chí gì đi chăng nữa, ở đây chúng ta không thể lượng hóa được, thực hiện hành vi này được bao nhiêu phần trăm, không thực hiện hành vi này thì bao nhiêu phần trăm…

Điều này, mình không làm được mà chủ yếu cảm nhận thôi. Ví dụ, cũng có nhiều đại biểu sẽ cảm tính và không khách quan trong việc đánh giá một vị Bộ trưởng thông qua những vụ việc, những phần việc rất cụ thể, xảy ra ở chính ngành của họ.

Ví dụ đánh giá Bộ trưởng tín nhiệm thấp qua câu chuyện về gian lận trong thi cử hay trường hợp tai biến trong y khoa đều là không phải. Không thể phủ nhận và loại trừ những cảm nhận như vậy. Nhưng rõ ràng, những đánh giá như vậy không có lợi cho vị Bộ trưởng đó và cũng như cho những người được Quốc hội lấy phiếu.

- Khi không có tiêu chí cụ thể, rõ ràng trong việc lấy phiếu thì các Bộ trưởng, các trưởng ngành đứng đầu những Bộ, ngành "nóng" có phải chịu thiệt thòi hơn không, thưa ông?

Đây cũng là một ý kiến cần phải chia sẻ. Việc lấy phiếu chỉ mang tính chất là một hình thức giám sát. Giám sát là xem xét, đánh giá và kiến nghị chứ không mang tính chất để bình bầu hay phê chuẩn. Việc này hoàn toàn khác.

Chính vì vậy, nên ngay khi Trung Ương có đặt vấn đề và Quốc hội xây dựng Nghị quyết cũng đã xác định được việc lấy phiếu ở ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Ngay khi tổ chức lấy phiếu đã đặt vấn đề như vậy chứ không phải bỏ phiếu là bất tín nhiệm. Nếu mà bất tín nhiệm thì đúng là một hình thức thậm chí có thể gọi là kỷ luật. Thế nhưng ở đây, mục tiêu lấy phiếu là hình thức giám sát.

- Cũng có đại biểu đề xuất là chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm và bất tín nhiệm như ở nhiều nước thay vì lấy phiếu tín nhiệm ba mức như hiện nay?

Đấy là cách tiếp cận vấn đề của từng đại biểu. Tôi không khẳng định được là điều này đúng hay không đúng, tốt hay không tốt. Tuy nhiên, tôi chỉ xin lưu ý là thể chế chính trị của ta khác. Hiến pháp quy định, phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước thực hiện các công tác lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Khác với tam quyền phân lập như các chế độ chính trị của rất nhiều nước, việc bỏ phiếu hay lấy phiếu được thiết kế một cách tổng thể và hài hòa. Đôi khi Quốc hội cũng chịu sự bất tín nhiệm, chứ không chỉ thiết kế cho các Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ. Các nước khác thiết kế một cách tổng thể như vậy, nên có thể đặt vấn đề ở mức tín nhiệm hay không tín nhiệm, bản chất là bất tín nhiệm.

Điểm thứ hai, mục tiêu của chúng ta lấy phiếu là một hình thức giám sát. Ví dụ ở các nước khác, Quốc hội có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng chính Quốc hội cũng có thể bị giải tán bởi Tổng thống nếu Quốc hội không được tín nhiệm.

Nếu ta thiết kế theo hình thức đó, cũng nên thiết kế thêm nếu trong trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm Quốc hội muốn đưa ra một vị để bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng người đó vẫn được tín nhiệm, thì phải xem xét trách nhiệm của Quốc hội. Rất nhiều nước trong trường hợp như vậy sẽ giải tán Quốc hội, bởi Quốc hội đã mất tín nhiệm.

- Để tránh việc đánh giá cảm tính ấy, trong công tác lấy phiếu tín nhiệm, nên chăng chúng ta cần có bộ tiêu chí cụ thể về chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI), ở đây có thể sẽ giao cho Chính phủ xây dựng và đưa Quốc hội áp dụng?

Đây cũng là một đề xuất mà tôi cho rằng cần tiếp tục phải nghiên cứu, suy nghĩ để làm sao cho thực chất hơn.

Tôi vẫn muốn khẳng định lại, việc lấy phiếu tín nhiệm là một hình thức giám sát của Quốc hội đối với những người được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Hoàn toàn không phải câu chuyện được thua trong việc lấy phiếu.

- Có ý kiến cho rằng nên đưa vào tiêu chí "Chính trị gia", tiêu chí "Trung thành với Tổ quốc" khi lấy phiếu tín nhiệm, thưa ông?

Mình chưa có luật về chính khách, chỉ có quy định của Đảng, luật cán bộ công chức mà hiện nay chúng ta vẫn đang thực hiện.

Hơn thế nữa, thể chế chính trị nước ta là do Đảng lãnh đạo. Các đồng chí được bầu hay phê chuẩn đều do Trung ương hoặc Bộ Chính trị giới thiệu. Hầu hết các đồng chí này đều là Ủy viên Trung ương Đảng.

Việc lấy phiếu cũng thể hiện sự tín nhiệm, sự đức độ và năng lực của những vị này. Việc này giúp cho Quốc hội đánh giá một cách toàn diện các vị trí do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Chứ không phải Quốc hội làm một cách độc lập và đơn phương. Đây là điểm đặc biệt của hệ thống chính trị của chúng ta mà theo tôi là rất tốt.

Về việc đưa tiêu chí "Trung thành với Tổ quốc" khi lấy phiếu tín nhiệm, thực ra nói thì rất dễ nhưng đưa ra như thế nào mới là câu chuyện.

Ví dụ nói là trung thành có lẽ là 90 triệu dân Việt Nam không có ai là không trung thành với Tổ quốc, với đất nước. Nhưng vấn đề bây giờ là đưa ra thế nào?

Việc đánh giá con người, đánh giá cán bộ luôn là một khâu rất khó khăn. Chính Trung ương trong quá trình làm công tác cán bộ cũng phải khẳng định đánh giá cán bộ là khâu hiện nay còn yếu và khó nhất mà chúng ta vẫn đang phải tiếp tục để hoàn thiện.

Cần phải có tiêu chí "chính trị gia" và "trách nhiệm với chủ quyền đất nước"

Trong việc lấy phiếu tín nhiệm, nếu hình thành một bảng chấm điểm, có những tiêu chí cụ thể thì dễ đánh giá hơn. Hiện tại, tự các đại biểu Quốc hội phải thu thập thông tin và yêu cầu các đại biểu phải rất công tâm, khách quan, không bị lợi ích nhóm chi phối khi đánh giá.

Khi đánh giá các chức danh cao cấp như vậy, ngoài việc phải có trách nhiệm với ngành và lĩnh vực, những vị trí đó phải có thêm tiêu chí "Chính trị gia" và "Trách nhiệm với chủ quyền đất nước".

Chính trị gia là ở mỗi chính sách, hành động, lời phát biểu nhận xét đánh giá của anh phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân.

Còn với tư cách người phụ trách ngành các lĩnh vực quan trọng, anh phải có trách nhiệm với chủ quyền đất nước. Ví dụ, anh ở cấp Bộ trưởng, nhiều khi anh phải làm việc với đối tác nước ngoài, những quyết sách của anh có ảnh hưởng đến chủ quyền. Anh không được hữu khuynh về chủ quyền. Không được có chính sách hay phát biểu mà làm người ta thấy anh không kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền.

Ngoài ra, có một nguyên tắc chung của Quản lý nhà nước là những quan chức cấp càng cao thì quyền riêng tư của họ càng bị hạn chế. Nói cách khác, những quan chức càng cao, càng phải minh bạch và công khai. Chẳng những công việc mà còn đời tư.

Do đó, những bản kiểm điểm của những vị được lấy phiếu tín nhiệm thì không cần phải bí mật. Mà đã in ấn phát cho gần 500 đại biểu thì chẳng có gì là mật, không có việc gì không công bố. Hiện giờ cơ chế, quy định chưa có, nhưng về lâu dài, cần sửa đổi.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)

Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Phải suy nghĩ vì có những phiếu tín nhiệm thấp

Đại biểu Dương Trung Quốc: 'Số phiếu tín nhiệm thấp của Bộ trưởng Giáo dục và Giao thông cao nhất cũng dễ hiểu thôi'

Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ: 'Tôi sẽ cố gắng hơn nữa sau đợt lấy phiếu tín nhiệm'

Kết quả phiếu tín nhiệm của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thế nào?

Nguồn VTC: https://vtc.vn/can-co-kpi-cho-lanh-dao-de-viec-lay-phieu-tin-nhiem-o-quoc-hoi-duoc-thuc-chat-d435211.html