Cần có hành lang pháp lý cho người chuyển giới

Nhiều người chuyển giới phải làm các công việc bất hợp pháp hoặc có nhiều rủi ro về sức khỏe… do chưa có hành lang pháp lý bảo vệ họ.

Hàng nghìn vẫn gặp nhiều khó khăn với thủ tục đổi tên. Nhiều người chuyển giới phải làm các công việc bất hợp pháp hoặc có nhiều rủi ro về sức khỏe do khó khăn trong tìm kiếm việc làm…do chưa có hành lang pháp lý bảo vệ họ. Đây là những vấn đề được thảo luận trong hội thảo “Đừng để người chuyển giới mãi vô hình” do Viện Nghiên cứu và phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức sáng 16/12, tại Hà Nội.

Theo ước tính hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 300.000 người chuyển giới. Sự phát triển của phong trào quyền cho người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới trong những năm gần đây đã giúp cải thiện đáng kể sự hiện diện và tiếng nói của các nhóm người chuyển giới trong xã hội. Tuy nhiên, các rào cản về văn hóa, xã hội và pháp lý tại Việt Nam đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nghiên cứu gần đây vào tháng 6/2019 do Mạng lưới người chuyển giới Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng và Mạng lưới người chuyển giới Châu Á Thái Bình Dương, thực hiện tại Hà Nội với sự tham gia của 250 người chuyển giới đã cho thấy nhiều thách thức trong trải nghiệm cuộc sống của họ về hành trình cảm nhận và chia sẻ về bản dạng giới; các vấn đề về sức khỏe tâm thần; kỳ thị và phân biệt đối xử; tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe…

Chia sẻ về hành trình chuyển giới của mình, chị Nguyễn Kim Mai cho biết, ngoài những vấn đề về y tế, xã hội…thì người chuyển giới gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính.

“Tôi từng mang giấy tờ về địa phương để xin đổi tên. Lần đầu tôi xin đổi tên và giới tính thì họ nói pháp luật chưa cho phép và có lưu lại hồ sơ. Lần thứ 2, thứ 3, tôi đến xin đổi tên, với quyền công dân của mình, tôi nghĩ có quyền được đổi nhưng họ nói tên của tôi đẹp rồi, tên thì phải trùng khớp với giới tính nên họ cũng không đổi cho”- chị Nguyễn Kim Mai nói.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 trên cơ sở tôn trọng quyền con người đã tạo cơ sở pháp lý cho phong trào kêu gọi quyền của những người chuyển giới. Bộ Luật Dân sự sửa đổi năm 2015 cũng thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính, mặc dù Luật này chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau của người chuyển đổi giới tính. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cơ quan phụ trách soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng người chuyển giới Việt Nam và nhiều điểm của dự thảo đã được sửa đổi để đáp ứng quyền của người chuyển giới.

Hiện nay, dự thảo chưa được Bộ Y tế trình Chính Phủ và Quốc hội phê duyệt. Do chưa có Luật cho người chuyển giới nên hàng nghìn người chuyển giới vẫn khó khăn với thủ tục đổi tên. Hàng ngày, người chuyển giới vẫn phải đánh cược tính mạng và sức khỏe của mình với những viên thuốc, ống hormone và ở những cơ sở y tế không chính thức. Nhiều người phải làm các công việc bất hợp pháp hoặc có nhiều rủi ro về sức khỏe do khó khăn trong tìm kiếm việc làm…

“Tôi nghĩ nếu chỉ có cơ quan như Bộ Y tế vào cuộc không đủ mà cả cộng đồng người chuyển giới, người ta phải có tiếng nói của chính mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên dư luận xã hội để họ đòi hỏi quyền của họ xứng đáng được hưởng, đã được hiến pháp, pháp luật công nhận. Khi người ta đấu tranh mạnh mẽ cho quyền của người ta, cộng với tác động của Bộ Y tế, hy vọng dự thảo Luật sẽ sớm được thông qua”- ông Nguyễn Huy Quang cho biết./.

Kim Thanh/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/can-co-hanh-lang-phap-ly-cho-nguoi-chuyen-gioi-990517.vov