Cần có góc nhìn thấu đáo với nước mắm truyền thống

Tiêu chuẩn histamin trong 'Dự thảo TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm' đã vấp phải nhiều phản ứng từ các đại biểu tham dự Hội nghị thông tin về nước mắm Nha Trang sản xuất theo phương pháp truyền thống do Hiệp hội Nước mắm Nha Trang tổ chức mới đây.

Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Nha Trang Đỗ Hữu Việt cho rằng, một số vấn đề của “Dự thảo TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” do cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo này không hợp lý.

Theo ông Việt, tiêu chuẩn histamin trong nước mắm cũng gây phản ứng từ các nhà sản xuất nước mắm truyền thống, đồng thời nhấn mạnh chưa bao giờ thấy người ăn nước mắm bị ngộ độc chết vì histamin.

Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Nha Trang nhấn mạnh, Việt Nam không nên tự “siết cổ” mình khi áp tiêu chí hàm lượng histamin cho nước mắm truyền thống thấp vì ngay như nước mắm Phú Quốc đã được cấp chỉ dẫn địa lý, xuất khẩu sang châu Âu không vấn đề gì.

Ông đặt câu hỏi châu Âu không quan tâm histamin trong nước mắm thì tại sao các cơ quan chức năng Việt Nam lại đưa vào? Khi cơ quan nhà nước khống chế đầu vào bằng quy định hàm lượng histamin thì đồng nghĩa dựng rào cản để không thể sản xuất được nước mắm theo phương pháp truyền thống và người sản xuất không có đầu ra. Khi đó ngành sản xuất nước mắm truyền thống bị "xóa sổ".

Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Nha Trang Đỗ Hữu Việt. (Ảnh: Dân trí)

Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Nha Trang Đỗ Hữu Việt. (Ảnh: Dân trí)

Đồng tình với quan điểm này, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Thủy sản 584, cho rằng tại Việt Nam, hiện trên thực tế chưa có xảy ra dị ứng, ngộ độc vì histamin.

Ông Dương Hoài Sơn, Thư ký Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, đại diện cơ sở nước mắm Châu Sơn, cho biết dự thảo có quy định về việc “kiểm soát histamin nguyên liệu cá lấy mẫu và kiểm soát định kỳ” là không khả thi trong điều kiện sản xuất nước mắm truyền thống như hiện nay.

Lý giải cho quan điểm này, ông Sơn cho biết, nguyên liệu sản xuất nước mắm truyền thống chủ yếu là cá cơm. Cá cơm được đánh bắt trong ngày và có bộ lòng nhỏ nên lượng histamin không đáng kể.

Về vấn đề này, ông Việt đề xuất loại quy định hàm lượng histamin trong nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống 400 ppm/lít ra khỏi tiêu chuẩn. Bởi theo ông, với quy định này, chắc chắn nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống Việt Nam không thể xuất khẩu được, mà chỉ có nước mắm pha loãng cộng hóa chất mới xuất khẩu được.

Tuy nhiên, ông Việt đề nghị thêm, nếu muốn đưa chỉ tiêu histamin vào tiêu chuẩn nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống thì cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thật thấu đáo chứ không thể áp dụng theo nước mắm Thái Lan là nước mắm đã pha loãng.

Các đại biểu tham dự hội nghị đều có chung đề nghị rằng các cấp, ngành cần ban hành quy chuẩn cho loại nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp; tổ chức hội thảo cấp quốc gia bàn về hàm lượng histamine trong nước mắm và cần quy hoạch đất cho người dân sản xuất nước mắm truyền thống.

Nguyệt Minh (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/can-co-goc-nhin-thau-dao-voi-nuoc-mam-truyen-thong/20190316051332197