'Cần có giải pháp toàn diện đến từ nhà trường, doanh nghiệp, sinh viên'

Kỹ năng mềm là vấn đề được người lao động và các cơ sở đào tạo ít quan tâm nhưng đối với các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp là rất quan trọng. Báo điện tử Dân Sinh có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Hoài Linh – Giám đốc Nhân sự Navigos Group Việt Nam để làm rõ vai trò Kỹ năng mềm của người lao động khi tham gia thị trường lao động.

Bà Phạm Thị Hoài Linh – Giám đốc Nhân sự Navigos Group Việt Nam

Trước tiên xin cho bà cho biết, hiểu "Kỹ năng mềm" đối với người lao động, là như thế nào?

Bà Phạm Thị Hoài Linh: Đối với người lao động, kỹ năng mềm là cần thiết vì đây là những kỹ năng thực hành xã hội liên quan chặt chẽ đến cách một người tương tác với tập thể, cộng đồng và cách xử lý, giải quyết công việc. Bên cạnh kiến thức và kỹ năng chuyên môn, người lao động có kỹ năng mềm phù hợp với công việc sẽ ngày càng cải thiện năng suất và hiệu quả của công việc.

Trong khi kiến thức và kỹ năng chuyên môn có thể được đào tạo bởi nhà trường và các cơ sở giáo dục, thì người lao động phải chủ động cải thiện kỹ năng mềm. Bên cạnh các khóa đào tạo kỹ năng mềm, người lao động cũng có thể tự trau dồi qua quá trình học tập và làm việc. Điều quan trọng là người lao động phải nắm bắt được những kỹ năng mềm cần thiết và phù hợp nhất với công việc của mình để tập trung phát triển đúng. Ví dụ như đối với vị trí nhân viên bán hàng, kỹ năng giao tiếp tốt, thuyết phục, chăm sóc khách hàng và giải quyết vấn đề sẽ là những kỹ năng vô cùng cần thiết.

Là công ty có dịch vụ tuyển dụng nhân lực tuyến lớn, trong quá trình tuyển dụng, công ty nhìn nhận tầm quan trọng "Kỹ năng mềm", nhất là đối với các bạn học sinh, sinh viên hiện nay như thế nào?

Bà Phạm Thị Hoài Linh: Trong quá trình tuyển dụng, doanh nghiệp sẽ quan tâm đến ba yếu tố: kiến thức, kỹ năng và thái độ của ứng viên. Theo tôi, đặc biệt đối với các bạn học sinh, sinh viên khi chưa có kinh nghiệm làm việc, nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên tìm hiểu về thái độ và kỹ năng mềm. Bởi vì đối với sinh viên, kiến thức chuyên môn được nhà trường đào tạo như nhau, và doanh nghiệp cũng sẵn sàng tiếp tục đào tạo, nên kỹ năng mềm tốt và phù hợp mới là yếu tố khiến các bạn sinh viên nổi bật hơn trong con mắt nhà tuyển dụng.

"Kỹ năng mềm rất cần được đào tạo bài bản tại trường nghề"

Có ý kiến cho rằng, các trường đào tạo của Việt Nam nhất là các cơ sở GDNN mới chỉ quan tâm đến đào tạo kiến thức, tay nghề mà quên mất vấn đề đào tạo Kỹ năng mềm cho các em. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Phạm Thị Hoài Linh: Nhiệm vụ của trường đại học và các cơ sở giáo dục chính là đào tạo kiến thức và các kỹ năng chuyên môn. Trong quá trình đó, nhà trường cũng sẽ hỗ trợ đào tạo thêm về kỹ năng mềm hoặc tạo điều kiện để sinh viên tự phát triển, và thông qua đó sinh viên có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động. Theo tôi, nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc định hình suy nghĩ của sinh viên về tầm quan trọng của kỹ năng mềm trong công việc tương lai. Khi sinh viên hiểu được điều này, họ sẽ chủ động nắm bắt và tự phát triển dưới sự hỗ trợ của nhà trường. Theo quan sát của tôi, hiện nay có nhiều cơ sở giáo dục cũng cung cấp những khóa học kỹ năng mềm cho sinh viên. Tuy nhiên, đây không phải phương pháp duy nhất, mà nhà trường cũng có thể khuyến khích sinh viên học tập, rèn luyện kỹ năng mềm thông qua cả quá trình học tập. Bằng phương pháp đào tạo đa dạng như khuyến khích làm việc nhóm, phát triển dự án hay thông qua các hoạt động ngoại khóa như chương trình, cuộc thi khác nhau; sinh viên cũng có nhiều cơ hội để phát triển kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo hơn.

Xin bà cho biết tầm quan trọng của việc đào tạo Kỹ năng mềm cho người lao động, nhất là lao động có trình độ và tay nghề cao trong cuộc CMCN 4.0?

Bà Phạm Thị Hoài Linh: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng với sự thay đổi từng ngày của công nghệ. Công nghệ một phần giúp cho công việc của chúng ta năng suất hơn, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi nhiều hơn ở người lao động. Cụ thể, trong một cuộc khảo sát của VietnamWorks với những chuyên gia nhân sự về xu hướng kỹ năng trong tương lai, các chuyên gia nhân sự cho rằng tự động hóa, mạng di động và sự phát triển của công nghệ dữ liệu sẽ đem tới những thay đổi lớn trên thị trường lao động. Theo đó, các công việc liên quan đến công nghệ như Kỹ thuật, Máy tính, Công nghệ cao sẽ ngày càng phát triển, trong khi các công việc có tính chất lặp lại như Hành chính, Thư ký sẽ có nguy cơ thoái trào vì khả năng thay thế của máy móc. Điều này cho thấy, sự thay đổi đang diễn ra từng ngày và nếu người lao động không kịp thời thay đổi thì sẽ mất dần khả năng cạnh tranh của mình.

Do đó, việc đào tạo kỹ năng mềm cho người lao động là quan trọng, nhưng người lao động cũng bắt buộc phải chủ động trong quá trình này. Họ cần phải phát triển các kỹ năng mềm cần thiết như học hỏi tích cực, kỹ năng hợp tác và quản lý con người, kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp,… để nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi. Chỉ khi nắm bắt và phát triển được những kỹ năng này thì người lao động mới có thể làm chủ và nắm bắt được những cơ hội mà công nghệ và cuộc CMCN 4.0 mang lại.

Vậy theo bà để khắc phục những điểm yếu về Kỹ năng mềm của các bạn học sinh, sinh viên, các cơ sở đào tạo và GDNN cần có các giải pháp gì để khắc phục vấn đề trên?

Bà Phạm Thị Hoài Linh: Để ngày càng cải thiện kỹ năng mềm của các bạn học sinh, sinh viên, chúng ta cần có giải pháp toàn diện đến từ nhà trường, từ doanh nghiệp, và đặc biệt từ bản thân sinh viên.

Nhà trường và các cơ sở giáo dục có thể tích hợp việc đào tạo kỹ năng mềm thông qua cả quá trình đào tạo kiến thức: khuyến khích làm việc nhóm, phát triển dự án, thuyết trình và phản biện,… Nhà trường cũng có thể tổ chức những cuộc thi để rèn luyện kỹ năng, những chương trình giao lưu doanh nghiệp hoặc trao đổi quốc tế để sinh viên có thêm cơ hội để cọ xát. Điều quan trọng nhất vẫn là giúp sinh viên hiểu được tầm quan trọng của kỹ năng mềm và khuyến khích sinh viên tự phát triển.

Doanh nghiệp cũng đóng vai trò trong việc nâng cao khả năng của người lao động, đặc biệt đối với lao động trẻ. Doanh nghiệp cần phối hợp với nhà trường để nhà trường có cái nhìn cụ thể hơn về những yêu cầu của kỹ năng mềm cho công việc, từ đó phát triển sinh viên của mình. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể cung cấp khóa đào tạo hoặc các phương pháp đào tạo kỹ năng mềm khác như: đào tạo khi làm việc, cố vấn 1:1 hoặc khai vấn và huấn luyện giúp người lao động phát triển kỹ năng và tăng năng suất lao động.

Đối với bản thân lao động trẻ, cần phải hiểu được kỹ năng mềm chỉ có thể đạt được thông qua quá trình dài trau dồi và rèn luyện để bản thân kiên nhẫn liên tục học hỏi. Lao động trẻ cũng cần phải xác định đâu là kỹ năng cần thiết cho công việc của mình và chủ động có kế hoạch để phát triển nó. Cũng theo Khảo sát trên của VietnamWorks, những kỹ năng sau sẽ trở thành những kỹ năng quan trọng, mà lao động trẻ có thể chú ý để phát triển ngay từ bây giờ: kỹ năng tự học hỏi, giải quyết vấn đề, hợp tác nhóm, kỹ năng phản biện và tư duy lãnh đạo, kỹ năng lãnh đạo tự thân,... Nắm bắt được những kỹ năng mềm này bên cạnh việc luôn phát triển kiến thức, kỹ năng chuyên môn, lao động trẻ sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp của mình.

Xin Trân trọng cảm ơn Bà !

Thiều Văn Lý (thực hiện)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/can-co-giai-phap-toan-dien-den-tu-nha-truong-doanh-nghiep-sinh-vien-20200103114415875.htm