Cần có giải pháp đột phá hơn trong đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 37 ngày 20-8-2014 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống, kiểm soát tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố”, Đà Nẵng đã đạt được kết quả gì? Và bài học kinh nghiệm nào cần rút ra để “cuộc chiến” với tội phạm và tệ nạn ma túy ngày càng hiệu quả hơn là nội dung chính được đưa ra “mổ xẻ” tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 37 vừa được Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày hôm qua (23-12). Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Trương Quang Nghĩa. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ tặng Bằng khen cho 12 tập thể có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 37 của Thành ủy Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ tặng Bằng khen cho 12 tập thể có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 37 của Thành ủy Đà Nẵng.

Quyết liệt đấu tranh

Theo Đại tá Trần Mưu - Phó Giám đốc CATP, những năm qua, tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố luôn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh, số người nghiện mới, tái nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu được phát hiện gia tăng qua các năm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ANTT, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính với quan điểm người nghiện ma túy là người bệnh đã làm gia tăng số người nghiện, người sử dụng ma túy tại cộng đồng, gây khó khăn cho công tác quản lý và tác động đến tình hình ANTT của thành phố.

Trước tình hình trên, ngày 20-8-2014, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị 37 về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống, kiểm soát tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố” để chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn.

Đại tá Trần Mưu cho biết, thực hiện chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy tích cực tham mưu triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp phòng, chống ma túy, tăng cường các mặt công tác nghiệp vụ, kiểm soát tình hình trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và các lĩnh vực, hệ loại đối tượng có liên quan đến tình hình hoạt động của tội phạm và người nghiện ma túy. Từ công tác quản lý, theo dõi, lực lượng chuyên trách đã phát hiện, bắt giữ 882 vụ, 1.241 đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy; thu giữ 79,5 kg ma túy các loại cùng nhiều tang tài vật khác có liên quan; trong đó đã triệt phá nhiều đường dây vận chuyển, mua bán trái phép với khối lượng lớn từ ngoài vào thành phố. Lực lượng chức năng đã khởi tố 882 vụ/1239 bị can, xử lý hành chính 2 đối tượng.

Cũng theo Đại tá Trần Mưu, thực hiện phương châm “Cắt cung cùng với giảm cầu về ma túy”, trong giai đoạn 2014 - 2019, bên cạnh công tác đấu tranh tội phạm về ma túy, lực lượng chức năng các cấp đã triển khai liên tục các đợt ra quân rà soát, kiểm tra, qua đó, phát hiện, xử lý 14.904 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy nhiều hơn 9.970 trường hợp (tăng 202%) so với giai đoạn 2010 - 2014; trong đó số tái nghiện chiếm 20,7% (3.087 trường hợp), số nghiện mới chiếm 11,2% (1.673 trường hợp), số mới phát hiện sử dụng chiếm 54% (8.047 trường hợp) và số ngoài thành phố chiếm 14,1% (2.097 trường hợp)...

5 năm qua, thành phố đã tổ chức cai nghiện cho 3.791 lượt người, trong đó cai nghiện tại gia đình, cộng đồng 765 người, cai nghiện tại cơ sở xã hội Bầu Bàng 3.026 lượt người. Ngoài ra, có 884 lượt người đi cai nghiện tự nguyện tại Bệnh viện Tâm thần và Bệnh viện Y học Cổ truyền.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh trao Bằng khen cho 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 37 của Thành ủy Đà Nẵng.

Không thể để tình trạng xấu hơn nữa

Ông Lê Tự Gia Thạnh - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hải Châu cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 37, trách nhiệm, vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống ma túy ngày càng được nâng lên; hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở chủ động triển khai quyết liệt, thường xuyên; đã xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi cấp ủy địa phương, đơn vị. Nhờ vậy, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn có sự chuyển biến tích cực, mặc dù số vụ án ma túy tăng, trong đó do nhiều nguyên nhân, nhưng khẳng định địa phương đã và đang hết sức quyết liệt, không vì sợ ảnh hưởng đến thành tích mà không dám đấu tranh.

Theo BCH BĐBP TP, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các lực lượng thì công tác phòng chống tội phạm ma túy hiện chưa thực sự được xã hội hóa một cách sâu sắc, ở đâu đó còn cho rằng đây là nhiệm vụ riêng của các lực lượng Công an, BĐBP, Hải quan... nên sự vào cuộc của một số lực lượng còn thiếu quyết liệt. Mặt khác vẫn còn đó tâm lý lo sợ bị trả thù của một bộ phận nhân dân nên thiếu chủ động, tích cực trong tố giác và tham gia phòng chống tội phạm ma túy.

Đồng quan điểm nêu trên, theo lãnh đạo Phòng CSMT CATP, hiệu quả công tác đấu tranh chung chưa đạt như mong muốn, nhiều vụ án còn mang tính nhỏ lẻ; công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành chưa được gắn kết chặt chẽ, còn tình trạng chia cắt thông tin, nhất là giữa lực lượng chức năng của thành phố với các địa phương có tình hình liên quan trong phối hợp đấu tranh, ngăn chặn ma túy từ khu vực biên giới, cửa khẩu vào sâu trong nội địa...

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ thẳng thắn nhìn nhận, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố thời gian qua được chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và của người dân, và mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng số liệu thống kê cho thấy điều ngược lại. Số vụ việc phạm tội, số người nghiện, người sử dụng ma túy ngày càng tăng, thậm chí tăng cao rất nhiều so với giai đoạn trước đó. Vì vậy, nếu nhìn vào con số ấy thì có thể nói mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy đã đặt ra không đạt theo yêu cầu. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo ông Thơ, chủ yếu là do tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi, “ma lực” của đồng tiền, lợi nhuận trong hoạt động phạm tội về ma túy đã làm cho các đối tượng bất chấp; trong khi đó khả năng “đề kháng” của lực lượng chuyên trách và cả hệ thống chính trị vẫn chưa có thay đổi căn bản về cách thức, biện pháp mang tính chất đột phá để góp phần tấn công hiệu quả, kìm chế tội phạm và tệ nạn ma túy...

Thời gian tới, ông Thơ đề nghị các cơ quan, ban ngành và địa phương cần có nhận thức sâu sắc rằng đến thời điểm này, vấn nạn ma túy trên địa bàn TP không thể để phát triển cao hơn nữa, xấu hơn nữa. Thế nên phải quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn và có giải pháp đột phá hơn; đặc biệt là cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban ngành đoàn thể và nhất là các lực lượng nòng cốt như Công an, BĐBP, Hải quan cần tăng cường phối hợp để quản lý tốt địa bàn, đối tượng liên quan đến ma túy, làm tốt công tác cai nghiện, quản lý sau cai và tái hòa nhập cộng đồng..., góp phần giải quyết tốt hơn vấn nạn ma túy trên địa bàn thành phố.

D.HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_218018_can-co-giai-phap-dot-pha-hon-trong-dau-tranh-phong.aspx