Cần có công nghệ để 'đánh thức' đất hiếm

t hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt không nhiều nước trên thế giới có khoáng sản này. Ở Việt Nam nguồn tài nguyên đất hiếm được đánh giá có trữ lượng trên 20 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở miền Tây Bắc, gồm các vùng Nậm Xe, Đông Pao, Mường Hum và Yên Bái. Tiềm năng tài nguyên đã rõ, tuy nhiên với công nghệ khai thác còn lạc hậu, nước ta chưa khai thác hết giá trị của đất hiếm.

Theo các nhà chuyên môn thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam, đất hiếm gồm 17 nguyên tố, được sử dụng nhiều trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thực phẩm, y tế, gốm sứ, máy tính, màn hình tivi màu, ôtô thân thiện với môi trường, nam châm, pin, radar, tên lửa... Việt Nam là một trong những nước sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm, kết quả nghiên cứu, tìm kiếm thực hiện từ năm 1958 đến nay đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái) với trữ lượng lớn, trong đó hàm lượng tổng REO trong quặng nguyên khai từ 0,5 đến trên 10%. Đây là nguồn cung cấp đất hiếm có ý nghĩa công nghiệp lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.

Mặc dù có tiềm năng nhưng nguồn tài nguyên này mới chỉ dừng ở mức độ khai thác nhỏ lẻ do công nghệ còn lạc hậu, chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công, vì vậy dẫn đến tổn thất tài nguyên lớn (có những mỏ tổn thất tới 60%), công suất thấp, không tách được hết thành phần nguyên tố hiếm. Chính vì lẽ đó mà các chuyên gia môi trường cho rằng, việc tổ chức khai thác đất hiếm tại Việt Nam là một vấn đề cần phải xem xét kỹ càng vì đây là loại tài nguyên đòi hỏi trình độ khai thác ở mức cao. Bên cạnh vấn đề về môi trường, nếu trình độ kỹ thuật của nước ta chỉ dừng lại ở việc khai thác bán nguyên liệu thô chưa qua chế biến thì giá trị thu về cũng rất thấp.

 Là đất nước có trữ lượng về đất hiếm nhưng công nghệ khai thác của Việt Nam còn hết sức lạc hậu.

Là đất nước có trữ lượng về đất hiếm nhưng công nghệ khai thác của Việt Nam còn hết sức lạc hậu.

Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, hiện nước ta mới chỉ khai thác đất hiếm ở Mỏ đất hiếm Đông Pao, huyện Tam Đường (Lai Châu) do Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu (Vimico) quản lý và khai thác. Theo báo cáo nghiên cứu dự án, khu vực này là mỏ khoáng sản đất hiếm lớn nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại, với tổng diện tích hơn 11km2, trữ lượng trên 5 triệu tấn ôxít. Thân quặng chính là F3 và F7, một loại quặng quý hiếm rất cần trong chế tạo công nghệ điện tử. Mỏ được khai thác lộ thiên, tuyển khoáng và thủy luyện có công suất quặng nguyên khai là 1.088.000 tấn.

Đất hiếm là khoáng sản chiến lược, có giá trị đặc biệt không thể thay thế và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong các lĩnh vực từ điện tử, kỹ thuật nguyên tử, chế tạo máy, công nghiệp hóa chất đến lĩnh vực luyện kim và cả chăn nuôi trồng trọt. Đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang… Để chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đất hiếm. Nhiều nước coi đất hiếm là vàng của thế kỷ 21, thậm chí của cả thế kỷ 22. Các nhà khoa học thì gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai.

Theo Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng đất hiếm giai đoạn 2015 có xét đến năm 2025 đã được phê duyệt theo Quyết định số 25/2008/QĐ–BCT của Bộ trưởng Bộ Công thương dự báo nhu cầu sử dụng đất hiếm trong tương lai sẽ là rất lớn. Việc phát triển ngành công nghiệp khai khoáng đất hiếm đã được Chính phủ định hướng hợp tác với đối tác chính là Nhật Bản. Theo đó, hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã ký Thỏa thuận thành lập Liên doanh khai thác, chế biến đất hiếm ở Việt Nam giữa hai Tập đoàn của Nhật với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Song do nhiều nguyên nhân, thực tế hoạt động chế biến đất hiếm hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có cơ sở chế biến đất hiếm gắn với nguồn nguyên liệu khai thác từ mỏ đất hiếm trong nước.

Ở Việt Nam, đến nay đã có 4 mỏ đất hiếm có quy mô lớn ở khu vực Tây Bắc đã hoàn thành công tác thăm dò, trong đó có 2 mỏ đã được cấp phép khai thác. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả loại khoáng sản này, đồng thời đảm bảo an toàn môi trường, chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khai thác cần phải phòng ngừa ô nhiễm ngay từ khi xem xét đầu tư dự án cũng như kiểm soát ô nhiễm sau khi dự án đi vào vận hành. Cùng với công tác thăm dò và khai thác các mỏ đất hiếm đã biết như Đông Pao, Nậm Xe… cần tiếp tục đầu tư để phát hiện, đánh giá một cách đầy đủ khoáng sản quý giá này. Đặc biệt, đầu tư về công nghệ khai thác, chế biến để sớm hình thành và phát triển ngành công nghiệp khai khoáng về đất hiếm bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực và đất nước.

Song Anh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/bat-dong-san/can-co-cong-nghe-de-danh-thuc-dat-hiem-52227