Cần có cơ chế tốt hơn để phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực

Nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế thế hệ mới, Hà Nội đã ban hành và triển khai Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Năm 2018, thành phố đã xét chọn và công nhận 61 sản phẩm công nghiệp chủ lực, tốp 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đáng lưu ý, tổng doanh thu của 61 sản phẩm này đã đạt 40 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 32,5% giá trị sản xuất ngành công nghiệp của thành phố; chiếm 7,7% tổng sản phẩm trên địa bàn. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng (tăng 74% so với năm trước). Trong đó, có 15 doanh nghiệp có doanh thu hơn một nghìn tỷ đồng/năm. Tiêu biểu, có doanh nghiệp đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng như: Công ty cổ phần Vicostone; Công ty TNHH Panasonic Việt Nam… Nhiều doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, điện tử như Công ty CP quốc tế Sơn Hà, Công ty TNHH phần mềm FPT…

Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có thêm 31 doanh nghiệp với 40 sản phẩm đăng ký tham gia xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2019. Như vậy, trong hai năm 2018 và 2019, dự kiến sẽ có 100 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố. Doanh thu các sản phẩm công nghiệp chủ lực ước đạt 46 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 42,9% tổng doanh thu sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu đạt 11.610 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, các sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực đều thuộc những lĩnh vực công nghiệp ưu tiên như công nghệ vật liệu mới, chế tạo khuôn mẫu, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác… Các sản phẩm này có tính lan tỏa mạnh, giá trị gia tăng cao và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường trong và ngoài nước. Sau khi xét chọn và công nhận, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ từ quảng bá, xây dựng thương hiệu đến tăng cường hợp tác, liên kết để giúp doanh nghiệp có sản phẩm mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố đang bị đánh đồng vào sản phẩm chất lượng thấp. Tổng Giám đốc Vicostone Phạm Anh Tuấn cho biết, tình trạng này gây ra hệ lụy vô cùng phức tạp cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bên cạnh đó, những vấn đề về thuế, đất đai, vốn, mặt bằng sản xuất, thủ tục hành chính… là những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Trong bối cảnh, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện đầy đủ cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, các sản phẩm công nghiệp chủ lực nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên “sân nhà”.

PGS, TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định, dù mang danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực nhưng việc chế tạo hầu hết sản phẩm vẫn ở dạng gia công đơn giản, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Năng suất lao động thấp, trình độ nhân lực cũng như năng lực quản lý của doanh nghiệp chưa cao, dẫn tới tình trạng sản phẩm không đủ sức cạnh tranh ở những gói thầu, dự án có yêu cầu kỹ thuật cao. Chính những điểm yếu này khiến các doanh nghiệp trong nước khó “chen chân” vào chuỗi sản xuất của những thương hiệu, tập đoàn lớn của nước ngoài. Đồng thời, các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội cũng chưa tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập, thu hút chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu. Ngay bản thân các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực chưa liên kết được với nhau thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ để đạt hiệu quả.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Dệt Công nghiệp Hà Nội Phạm Hòa Bình kiến nghị, ngoài các hoạt động tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm, thành phố cần có cơ chế rất cụ thể cho nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, như hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ vay vốn, chính sách thuế… cho phù hợp. Thành phố phải xác định rõ sản phẩm nào, thế mạnh nên ưu tiên tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, có như vậy mới có thể tạo đà cho sự phát triển lâu dài. Không nên lựa chọn các sản phẩm cũ, dù chiếm tỷ trọng cao nhưng không phù hợp xu thế phát triển.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 có 80 sản phẩm các loại được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực, doanh thu sản xuất công nghiệp của các sản phẩm công nghiệp chủ lực được công nhận chiếm tỷ trọng từ 33 đến 35% doanh thu sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm công nghiệp chủ lực được công nhận chiếm tỷ trọng từ 12 đến 14% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.

Sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thủ đô không chỉ cố gắng xây dựng được thương hiệu, đóng góp vào chuỗi giá trị gia tăng quốc gia, mà còn phải có hàm lượng chất xám cao, thân thiện với môi trường. Muốn làm được điều này, cần có dư địa cho phát triển công nghiệp, nhất là chú trọng chọn ngành đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và sản xuất, thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp. Có như vậy mới xứng tầm là doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực Thủ đô.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/41931402-can-co-co-che-tot-hon-de-phat-trien-san-pham-cong-nghiep-chu-luc.html