Cần có cơ chế để hợp với thực tiễn

Nhu cầu trông giữ phương tiện giao thông vận tải trên địa bàn thành phố Hà Nội rất lớn, trong khi đó các điểm trông giữ xe hiện tại còn thiếu, không đáp ứng được thực tế. Chưa hết, hiện các bến, bãi đỗ xe công cộng theo quy hoạch vẫn trong quá trình đầu tư xây dựng, chưa hoàn chỉnh… khiến nhiều gầm cầu trên địa bàn Hà Nội trở thành nơi trông giữ xe.

Nhiều điểm vẫn trông xe tự phát

Được xem là giải pháp tạm thời, song hoạt động trông giữ này lại trái các quy định hiện hành, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho kết cấu cầu. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải sớm có biện pháp khắc phục. Cụ thể nơi nào được để và nơi nào không.

Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều điểm cầu vượt trên địa bàn Hà Nội, tình trạng trông giữ xe vẫn diễn ra công khai. Cụ thể, tại chân cầu Vĩnh Tuy, trải dài dưới chân các trụ cầu thuộc địa phận phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) hoạt động trông giữ xe diễn ra tương đối nhộn nhịp.

Gầm cầu Vĩnh Tuy được quây rào sắt kiên cố phục vụ trông giữ phương tiện. Ảnh: Đinh Luyện

Gầm cầu Vĩnh Tuy được quây rào sắt kiên cố phục vụ trông giữ phương tiện. Ảnh: Đinh Luyện

Đáng nói, tại khu vực này, dù đã có biển báo: “Khu vực kiểm tra kỹ thuật hệ thống dầm hộp, không đỗ xe” nhưng bãi trông giữ xe ngày và đêm ngang nhiên hoạt động. Tại đây, đơn vị trông giữ vẫn kê bàn viết vé, có bóng điện và người túc trực trông giữ. Phía xung quanh gầm cầu vẫn được đơn vị phủ kín bằng hàng rào lưới sắt... các lực lượng liên ngành CSGT, Cảnh sát trật tự, Thanh tra GTVT vẫn chưa có dấu hiệu kiểm tra, xử lý.

Người dân cho rằng, việc sử dụng gầm cầu làm nơi trông giữ xe rất nguy hiểm, khiến họ bất an, lo ngại. Quanh chân cầu Vĩnh Tuy, không ít ý kiến cũng cho biết, việc ô tô xe máy được trông giữ tại đây khiến người điều khiển phương tiện bị khuất tầm quan sát tại các điểm rẽ cua. Hệ lụy là nhiều vụ tai nạn, va chạm đã xảy ra.

Ngoài ra, do điểm trông giữ xe quây kín phần hành lang vỉa hè dưới chân cầu nên mỗi khi sang đường, người dân phải chen chân, len qua dòng phương tiện để sang đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.

Tình trạng trông giữ phương tiện cũng đang tồn tại tại một số gầm cầu như tại khu vực gầm cầu vượt Giải Phóng – Ngã Tư Vọng; gầm cầu vượt Mai Dịch (quận Cầu Giấy)… Tại những điểm này, gầm cầu bị chiếm dụng, được khai thác và quây rào sắt. Theo ghi nhận tại các khu vực này, bình quân mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm lượt phương tiện. Số lượng xe lớn cũng tỷ lệ thuận với lợi nhuận mang lại.

Chẳng hạn, nếu tính bình quân xe máy là 5.000 đồng/lượt xe; ô tô 50.000 đồng/lượt xe… có những khu vực giá trông giữ còn cao hơn. Vậy nên, bình quân mỗi tháng người có phương tiện như ô tô phải chi từ 2,5 triệu – 3 triệu đồng/tháng cho nơi gửi… chính vì khoản lợi nhuận này, nhiều điểm trông giữ xe tự phát tại Thủ đô khó dẹp bỏ và tồn tại dai dẳng.

Loay hoay với “bài toán” bãi đỗ

Khách quan nhìn nhận, Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn trong lĩnh vực giao thông nói chung và giao thông tĩnh nói riêng. Theo Quy hoạch số 165 về mạng lưới các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố đến năm 2020, Hà Nội sẽ dành tổng quỹ đất cho giao thông tĩnh là 796,82ha. Nhưng tại Thủ đô Hà Nội, với khả năng đáp ứng khoảng 10% nhu cầu gửi xe của người dân cộng thêm quy định cấm đỗ xe giữa lòng đường, vỉa hè ở hàng trăm tuyến phố khiến Hà Nội đang “khát” địa điểm gửi xe.

Trong khi lượng phương tiện gia tăng chóng mặt, diện tích đất cũng như các công trình hạ tầng dành cho giao thông tĩnh lại chậm phát triển. Thực tế này đòi hỏi Hà Nội phải có những biện pháp ngắn hạn, tận dụng mọi khả năng, mọi vị trí có thể, có điều kiện để phục vụ nhu cầu đỗ, gửi xe của người dân.

Minh chứng dễ thấy là nhiều đề xuất như tận dụng đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, gầm cầu… được Hà Nội đưa ra bàn thảo và xin cơ chế đặc thù, áp dụng triển khai vào mục đích giao thông tĩnh trong bối cảnh thực tế. Tuy nhiên, với lượng gia tăng nhanh chóng của các phương tiện cá nhân, những quy hoạch, đề xuất vẫn khó đáp ứng.

Trở lại với câu chuyện chiếm dụng gầm cầu làm các bãi trông giữ phương tiện, theo tìm hiểu mới đây, Hà Nội đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh một số nội dung của Thông tư 35 cho phép thành phố được tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện dưới gầm cầu trên địa bàn đến hết năm 2023 để phục vụ nhu cầu giao dịch của các cơ quan, đơn vị và nhân dân.

Những điểm trông giữ này đều nhằm mục đích chung là phục vụ nhu cầu tất yếu của người dân. Ngoài ra, tại các khu vực này không có đất để bố trí bãi trông giữ khác, đồng thời không gây ảnh hưởng đến tổ chức giao thông, an ninh và trật tự. Chẳng hạn, ở gầm cầu Chương Dương được tận dụng để trông giữ phương tiện miễn phí phục vụ tuyến phố đi bộ và mở rộng không gian đi bộ khu vực phố cổ Hà Nội trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Gầm cầu này này chỉ phục vụ vào các tối cuối tuần, từ thứ Sáu đến Chủ nhật. Còn tại gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng nguyên nhân được tận dụng để trông giữ xe xuất phát từ việc phục vụ người dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, Da liễu, Bệnh viện Nhiệt đới... Còn tại gầm cầu vượt Mai Dịch cũng là điểm được dùng để phục vụ lưu giữ xe vi phạm do các lực lượng chức năng xử phạt.

Có cơ sở thực tế, tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho hạ tầng giao thông, đặc biệt tại các văn bản quy phạm pháp luật hành vi này đều bị nghiêm cấm. Chẳng hạn, tại điểm c khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trên cầu, gầm cầu vượt”.

Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng quy định tại khoản 3, Điều 22: “Chợ, điểm kinh doanh dịch vụ bố trí bãi dừng đỗ xe, nơi tập kết hàng hóa phải nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ và tổ chức điểm đấu nối ra, vào đường bộ theo quy định”; khoản 4 Điều 26: “Không được sử dụng đất dành cho đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ; neo đậu tàu, thuyền và xây dựng các công trình làm thay đổi dòng chảy, gây xói lở mất an toàn công trình cầu, cầu phao, bến phà, kè chỉnh trị dòng nước và kè chống xói nền đường”.

Tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 quy định: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư này, khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ.

Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tiếp nhận mặt bằng do tổ chức, cá nhân bàn giao. Trường hợp hết thời hạn sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng tạm thời không thực hiện hoàn trả, cơ quan quản lý đường bộ xử lý theo thẩm quyền và thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp để tổ chức cưỡng chế giải tỏa theo quy định”.

Rõ ràng, việc lập các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu dù phù hợp với nhu cầu thực tế song lại hoàn toàn trái các quy định. Bởi vậy, việc xử lý các bãi trông giữ xe chiếm dụng gầm cầu là cần thiết. Tuy nhiên, nếu mở rộng hơn vấn đề, để giải quyết căn cơ “bài toán” này, về lâu dài, các đơn vị quản lý cần quyết tâm và kiên trì thực hiện giải pháp xử lý từ gốc là phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới hạn chế sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân.

Còn trước mắt, phải căn cứ vào thực tiễn. Trong khi Thành phố vẫn thiếu các bãi trông giữ xe, thì một số gầm cầu nếu xét thấy đủ tiêu chuẩn vẫn có thể cấp phép để khai thác. Được biết, vừa qua SGTVT Hà Nội đã có đề xuất này, song về phía Bộ GTVT lại không đồng ý. Vấn đề đặt ra, cũng như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội là nơi đất chật người đông nên cần phải tính đến tính thực tiễn để ban hành cơ chế.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-co-co-che-de-hop-voi-thuc-tien-89193.html