Cần có cơ chế để doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Theo ý kiến của các chuyên gia, cần có cơ chế để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, bởi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh.

Những ý kiến được đưa ra tại phiên thứ hai của Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp và đổi mới công nghệ với chủ đề “Chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ”. Diễn đàn do Bộ KH&CN phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Gia Lai tổ chức.

Toàn cảnh diễn đàn.

Toàn cảnh diễn đàn.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Đảng luôn coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc, đây là lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư trước một bước.

Đảng luôn coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường KH&CN.

Cùng đó xác định các ngành công nghệ ưu tiên và định hướng thực hiện chính sách hỗ trợ cho các ngành này, chủ yếu là thông qua công nghệ mới, hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, phát triển KH&CN và đặt hàng mua sắm công.

Các quan điểm của Đảng được thể chế hóa, thông qua việc Quốc hội ban hành các Luật như: Luật KH&CN, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghệ… Chính phủ cũng đã ban hành một số Nghị định, Nghị quyết để thi hành các Luật và hỗ trợ đối với doanh nghiệp đổi mới công nghệ, mới đây là Nghị định số 13 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN. Như vậy, khuôn khổ pháp lý và cơ chế hính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo là tương đối đầy đủ.

Các diễn giả thảo luận tại Phiên 2 Diễn đàn với chủ đề “Chính sách vànguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

TS. Ron Ashkin, Giám đốc Dự án USLINKS LinkSME (Hoa Kỳ) cho biết, hỗ trợ cho các doanh nghiệp là hỗ trợ nâng cao năng lực, tăng nội địa hóa và kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần đơn giản và thực tiễn hơn, làm cho các doanh nghiệp hấp thụ công nghệ và tạo ra hành lang một cửa để tiếp nhận các dòng dịch chuyển đầu tư, nên rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở KH&CN Gia Lai cho rằng, cần đầu tư đổi mới công nghệ tạo ra chuỗi sản phẩm để tham gia thị trường có chất lượng. Hiện, các nghiên cứu của Gia Lai ưu tiên có sự tham gia của doanh nghiệp, có những nhiệm vụ nghiên cứu 100% vốn của doanh nghiệp. Cùng với đó là hỗ trợ làm tiêu chuẩn chất lượng, làm truy xuất nguồn gốc theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tại phiên thảo luận này và phiên trước đó với chủ đề “Cập nhật xu hướng và nhu cầu công nghệ phục vụ phát triển bền vững”, các diễn giả đã thảo luận về xu hướng phát triển công nghệ của Việt Nam cùng với các chính sách, giải pháp hỗ trợ do doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Theo ý kiến của các chuyên gia cần có cơ chế để các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Việt Nam là nước đi sau, đang phát triển cần phải lựa chọn các công nghệ phù hợp với mỗi địa phương và với doanh nghiệp của mình. Việt Nam cần chú ý xu hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn, phát triển ngành chế biến phụ phẩm, tạo giá trị gia tăng. Cần phải dùng công nghệ để để thực hiện vừa phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững, bảo vệ môi trường, dựa trên chính tài nguyên của các địa phương, kể các rác thải cũng được coi là nguồn tài nguyên của chúng ta. Cần có sự liên kết chặt chẽ từ các nhà khoa học, doanh nghiệp với các cơ chế do nhà nước, chính phủ, các bộ, ngành trong việc đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp kể cả các đối tượng trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng.

Kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định, Bộ KH&CN đang và sẽ cùng với các bộ, ban, ngành coi doanh nghiệp là trung tâm và hỗ trợ để doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Đề nghị các doanh nghiệp phối hợp, tham gia vào các chương trình đổi mới công nghệ của Bộ đang triển khai.

“Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp và đổi mới công nghệ là cơ hội để kết nối doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, các trường đại học,với các nhà công nghệ ở trong và ngoài nước. Hy vọng trong thời gian tới chúng ta tận dụng tốt cơ hội để nhận chuyển giao công nghệ phù hợp với Việt Nam để phát triển bền vững”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

Thu Hiền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/can-co-co-che-de-doanh-nghiep-doi-moi-cong-nghe-591922.html