Cần có cơ chế đãi ngộ đặc biệt đối với lĩnh vực y tế

Đại hội XII Công đoàn Việt Nam (CĐVN), nhiệm kỳ 2018 - 2023 đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động trong thời gian tới. Với đặc thù ngành Y, bên lề Đại hội, PGS.TS.BS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch CĐ Bệnh viện - đại diện cho CBCNV ngành Y tế đã có cuộc trao đổi với PV báo LĐTĐ về những tâm tư, nguyện vọng gửi tới Đại hội.

PV: Theo ông, hoạt động CĐVN cần đổi mới theo hướng nào để có thể thu hút, tập hợp được đông đảo CNVCLĐ vào tổ chức CĐ?

- PGS.TS.BS Vũ Xuân Phú: Chủ đề của Đại hội XII CĐVN là Đại hội “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động (NLĐ); đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PGS.TS.BS Vũ Xuân Phú - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Phổi Trung ương.

Bởi vậy, tôi mong rằng, từ cấp Trung ương là Tổng LĐLĐ Việt Nam cần chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng CĐVN lớn mạnh, tạo bước phát triển mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, thể hiện rõ nét nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi hợp pháp của NLĐ… Lãnh đạo tổ chức CĐVN cần đại diện cho các tầng lớp lao động, ngành nghề, có kiến thức, kỹ năng, khả năng và dám đấu tranh, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Trong hoạt động, tổ chức CĐ nên giảm bớt tính hình thức, nặng nề báo cáo… cần thiết thực, lấy quyền lợi của đoàn viên, NLĐ làm trọng tâm, đảm bảo công bằng cho NLĐ ở các lĩnh vực khác nhau.

PV: Ngành Y tế là ngành đặc thù, nhân viên y tế cũng làm việc trong môi trường đặc thù. Vậy theo ông, để đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBCNV ngành y, ông có đề có đề xuất gì muốn gửi tới Đại hội XII CĐVN hay không?

- PGS.TS.BS Vũ Xuân Phú: Các chế độ chính sách hiện nay đối với nhân viên y tế so với các ngành khác, tuy đã cải thiện phần nào, nhưng cũng chưa đáp ứng, cũng như chưa phù hợp với lao động, môi trường lao động, đầu tư cho đào tạo của lực lượng lao động trong ngành Y tế.

Về lâu dài, tổ chức Công đoàn cần phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị Chính phủ một số cải cách chế độ tiền lương, trực cho cán bộ y tế nói chung theo hướng: Đề nghị xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học. Vì bác sĩ có thời gian đào tạo 6 năm, ngoài ra theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bác sĩ sau khi ra trường phải học thêm 18 tháng tại các bệnh viện lớn mới được cấp chứng chỉ hành nghề y; trong khi các đại học khác có thời gian đào tạo ngắn hơn.

Đề nghị công chức, viên chức ngành Y tế được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề, theo tinh thần Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã chỉ rõ "nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt" và "Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, nhân viên y tế; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc tương đương như với người thầy giáo".

Ngoài ra, các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế xã hội của mình cũng có các hình thức hỗ trợ, các chính sách ưu đãi khác nhau để thu hút cán bộ y tế về công tác tại địa phương.

Khám, chữa bệnh nhân đạo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng là một trong những hoạt động được Công đoàn Bệnh viện Phổi Trung ương thường xuyên triển khai hoạt động.

Có chính sách hỗ trợ xây dựng nhà công vụ cho nhân viên làm việc trong các cơ sở y tế thuộc miền núi cao, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo để có thêm những điều kiện cần thiết nhằm thu hút, giữ chân những cán bộ y tế yên tâm công tác lâu dài tại các địa bàn này.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Trung ương về sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế, cần tính đến đặc thù của ngành y tế để đảm bảo có cán bộ y tế đủ cả về số lượng và chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả của công tác khám chữa bệnh, dự phòng, nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Khi ngành Y tế xây dựng và đề xuất lộ trình chuyển đổi cơ chế tài chính tự chủ một phần hoặc hoàn toàn cần căn cứ điều kiện cụ thể của từng đơn vị. Cần xem xét thận trọng trên cơ sở phân tích thấu đáo các yếu tố vùng miền và các lĩnh vực y tế đặc thù liên quan tới an sinh xã hội như: Lao, phong, tâm thần, HIV, da liễu… trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của ngành.

PV: Hiện nay, tại các bệnh viện, các vụ bạo hành y tế diễn ra ngày càng nhiều và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các y, bác sĩ và nhân viên y tế? Vậy theo ông phải làm sao để giải quyết hiệu quả vấn đề này, cũng như đảm bảo quyền lợi cho nhân viên y tế?

- PGS.TS.BS Vũ Xuân Phú: Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định “Quyền được bảo vệ khi xảy ra tai biến đối với người bệnh” và “Quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề” đối với người hành nghề y. Theo đó, người hành nghề y được pháp luật bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm khi thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật mà vẫn xảy ra tai biến, được đề nghị cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra tai biến đối với người bệnh, được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, thân thể; trường hợp bị người khác đe dọa đến tính mạng, người hành nghề được phép tạm lánh khỏi nơi làm việc, sau đó phải báo cáo với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chính quyền nơi gần nhất.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định nghiêm cấm hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người hành nghề; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng và không được có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề và nhân viên y tế khác. Luật cũng quy định trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là phải bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề.

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của người hành nghề trong khi đang khám bệnh, chữa bệnh.

Ngoài hoạt động chuyên môn, Công đoàn Bệnh viện cũng tổ chức nhiều hoạt động thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe cho cán bộ công đoàn và nhân viên y tế.

Như vậy, hành lang pháp lý để bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế đã đầy đủ và khá nghiêm khắc. Vấn đề cơ bản là cơ chế để thực thi nghiêm các quy định này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện và các cơ quan chức năng của chính quyền địa phương, đặc biệt là cơ quan công an trong giải quyết vụ việc, đặc biệt là xử lý nghiêm minh.

Bên cạnh đó là trách nhiệm giáo dục, răn đe, đề phòng và trách nhiệm thực hiện của các bệnh viện với sự quan tâm của Bộ Y tế. Nếu thấy cần, đề nghị Nhà nước xem xét, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tăng cường hiệu, xử lý nghiêm minh các vi phạm này.

PV: Để nâng cao hơn nữa hiệu quả nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, thiết thực chăm lo lợi ích đoàn viên, NLĐ, với vai trò là Chủ tịch CĐ Bệnh viện Phổi Trung ương, xin ông cho biết, nhiệm kỳ 2017-2022, Công đoàn Bệnh viện sẽ tập trung vào nhiệm vụ gì?

- PGS.TS.BS Vũ Xuân Phú: Theo định hướng và mục tiêu của Đại hội Công đoàn Bệnh viện phổi Trung ương nhiệm kỳ 2017 – 2022, chúng tôi sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đảm bảo thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử, văn minh trong Bệnh viện; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Đồng thời, quán triệt các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua cho cán bộ công đoàn các cấp, đảm bảo thực hiện nghiêm quy trình bình bầu xét tặng các danh hiệu thi đua trong hoạt động công đoàn. Xây dựng các gương điển hình lao động giỏi, người tốt việc tốt trong bệnh viện. Đặc biệt, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao với ý thức trách nhiệm cao với mỗi đơn vị, phấn đấu từ 90-95% đơn vị đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”; 7-8% đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và nhiều danh hiệu thi đua khác trên các lĩnh vực công tác tại bệnh viện.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Minh Khuê (thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-co-co-che-dai-ngo-dac-biet-doi-voi-linh-vuc-y-te-80450.html