Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm

'Ngành tổ chức và công tác cán bộ rất nhạy cảm, khó khăn...' - Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nói.

Sáng 1-8, Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác tổ chức xây dựng Đảng sáu tháng đầu năm và triển khai chương trình công tác sáu tháng cuối năm 2018. Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu.

Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm

Dành nhiều thời gian nói về công tác cán bộ, ông Phạm Minh Chính cho rằng mọi thành bại đều do cán bộ, những mục tiêu kinh tế-xã hội chưa đạt được cũng do cán bộ cả. Nhưng ông cũng thừa nhận khâu đánh giá cán bộ vẫn là khâu khó.

Ông Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

Ông Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

“Trong công tác cán bộ, quản lý cán bộ vẫn còn nhiều sơ hở. Vậy nên sau khi đi kiểm tra, Bộ Chính trị có Kết luận 43 và trên cơ sở kết luận đó, chúng tôi đã đề nghị ngành tổ chức xây dựng Đảng tự rà soát việc quản lý cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, cái gì được và chưa được cần rút kinh nghiệm ngay” - ông Chính nói.

Ông Chính đánh giá công tác cán bộ còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ thiếu tiêu chuẩn, bổ nhiệm vượt cấp phó theo quy định. Đào tạo cán bộ thay thế còn bị động, lúng túng.

Theo ông Chính, qua rà soát, những địa phương buông lỏng quản lý đều tăng, bây giờ phải siết lại một đầu mối. Trung ương đã giao cho Thường vụ cấp ủy các cấp quản lý tổ chức bộ máy và biên chế.

“Quản lý công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ nhưng không được lạm quyền, vượt quyền. Đảng không làm thay nhiệm vụ của chính quyền và không vượt quá thẩm quyền của chính quyền nhưng Đảng ra chủ trương, đường lối sát với thực tế” - ông Chính khẳng định.

Ông Phạm Minh Chính cho biết rất ấn tượng trước các kết quả thực hiện nhiệm vụ trong sáu tháng đầu năm của Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng ngành tổ chức xây dựng Đảng của TP vẫn còn nhiều hạn chế, tiến độ tham mưu đối với các chuyên đề lớn còn chậm và chất lượng chưa như mong muốn nên cần khắc phục trong thời gian tới.

Các đại biểu trao đổi tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

“Ngành tổ chức và công tác cán bộ rất nhạy cảm, khó khăn, oán nhiều ân ít, một việc mà ngành tổ chức làm được đôi khi bé bé bằng cái kim sợi chỉ, nhưng không làm được hoặc sai lầm hoặc không đảm bảo tính liên thông trong hệ thống thì nó trở thành quả núi, to như con voi. Cái khó chỗ đấy. Giữa người được và người không được thì người được cảm thấy chưa thỏa mãn, người không được càng thấy ấm ức, họ thấy lỗi ở tổ chức chứ không phải lỗi của mình” - ông Chính chia sẻ với cái khó của ngành tổ chức xây dựng Đảng.

Ông Phạm Minh Chính đề nghị TP.HCM cần tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, siết chặt kỷ luật kỷ cương, có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ông cũng đề nghị TP tập trung xây dựng cán bộ cấp chiến lược. Song song đó cần tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, chấm dứt tình trạng chạy chức chạy quyền. "Ban Tổ chức Trung ương đang chủ trì xây dựng quy định về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền. Đây là việc khó nhưng phải làm" - ông Chính nói.

Công tác cán bộ còn kẽ hở

Thảo luận tại hội nghị, ông Kiều Bình Chung, Bí thư Quận ủy quận Tân Bình, cho rằng thời gian qua nhiều nơi bố trí người thân quen, lãnh đạo sắp về hưu ký bổ nhiệm cán bộ hàng loạt… Nguyên nhân là chưa có quy định về cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Bí thư Quận ủy quận Tân Bình, ông Kiều Bình Chung, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

Ông Chung nói từ chỗ chưa có quy chế nên người đứng đầu đã lợi dụng công tác cán bộ. “Chỗ nào cũng đúng quy trình nhưng khi phát hiện thì sai phạm, vậy thì quy trình chưa chặt chẽ nên họ đã lợi dụng quy trình đó” - ông Chung nhìn nhận.

Theo ông Chung, để xảy ra tình trạng trên còn do chưa công khai, minh bạch về công tác cán bộ; trong quá trình thực hiện công tác cán bộ còn kẽ hở, nói dân chủ nhưng thực tế không dân chủ, nhất là hiện nay chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát người đứng đầu.

Ông Chung cũng cho biết tình trạng bố trí cán bộ thân quen, họ hàng, đồng hương rất nhiều, chồng làm thủ trưởng vợ làm kế toán…

Từ đó ông Chung đề xuất cần quán triệt nâng cao nhận thức cấp ủy chính quyền về công tác cán bộ, Đảng lãnh đạo toàn diện trong công tác cán bộ nhưng không lạm quyền, độc quyền. Công tác cán bộ phải đảm bảo. Cần giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm người đứng đầu, người làm công tác cán bộ phải công tâm, khách quan. Từng cấp ủy phải xây dựng và thực hiện nghiêm về công tác cán bộ…

Bản thân người đứng đầu không ngừng nêu gương, có ý thức trách nhiệm, phải công tâm, khách quan trong công tác cán bộ; nếu không công tâm, không khách quan thì sẽ dễ bị dụ. Để thực hiện tốt cần cơ chế giám sát để kiểm soát quyền lực, nhất là người đứng đầu.

"Nói là Mặt trận, HĐND giám sát nhưng có thật sự giám sát không?” - ông Chung đặt vấn đề và lấy ví dụ từ bản thân ông là bí thư quận, vậy thì Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình giám sát ra sao. “Nói vậy, gặp bí thư cũng ngán lắm chứ làm sao giám sát” - ông Chung nói.

TÁ LÂM

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/can-co-co-che-bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-785365.html