Cần có chính sách kịp thời giúp doanh nghiệp và người lao động

Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX, KD) của các ngành nghề và đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp các hoạt động SX, KD, việc làm của một bộ phận người lao động bị cắt... Điều đó đòi hỏi cần kịp thời có các chính sách, giải pháp hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn trong SX, KD, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Người lao động đến làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội.

Người lao động đến làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội.

Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX, KD) của các ngành nghề và đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp các hoạt động SX, KD, việc làm của một bộ phận người lao động bị cắt... Điều đó đòi hỏi cần kịp thời có các chính sách, giải pháp hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn trong SX, KD, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Doanh nghiệp lao đao

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB và XH), hiện cả nước có hơn 55 triệu người lao động (NLĐ) có việc làm (trong đó gần 15 triệu lao động làm việc trong các DN; hơn chín triệu lao động đang làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. Số lao động làm trong các DN thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; khoảng 8,8 triệu lao động). Theo báo cáo nhanh của các DN, chỉ trong tháng 2-2020, có khoảng 10% số DN phải cắt giảm quy mô sản xuất, nhưng đầu tháng 3, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỷ lệ này tăng lên rõ rệt, với khoảng hơn 15%. Các DN thực hiện cắt giảm tập trung vào ngành dệt may, với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc, nhiều DN đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ. Dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải, với gần 500 nghìn lao động đang làm việc, trong đó vận tải hàng không thực hiện cắt giảm lương từ 20 đến 40%, tùy vào từng vị trí, chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương. Tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ hàng nghìn lao động thuộc ngành này cũng sẽ bị mất việc làm trong thời gian tới. Đáng chú ý, các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú, nhà hàng và giải trí... đang gặp nhiều khó khăn. Quyết định tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 (tạm thời từ ngày 28-3 đến 15-4),thì số lao động bị ngừng việc sẽ lên tới hàng trăm nghìn người.

Tại buổi làm việc với Bộ LĐ-TB và XH, báo cáo về thực trạng và những kiến nghị của Hiệp hội Dệt May Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, ngành dệt may Việt Nam hiện có khoảng 6.800 DN, với 2,8 triệu lao động. Quy mô tiêu thụ của toàn ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 45 tỷ USD, trong đó năng lực tiêu thụ trong nước chỉ khoảng năm tỷ USD, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu. Mới đây, các đối tác tại thị trường Mỹ và EU tạm ngưng nhận hàng trong khoảng thời gian từ ba tuần đến một tháng. Thông tin nêu trên khiến các doanh nghiệp may mặc vừa phải xoay xở ổn định sản xuất, vừa tìm giải pháp giữ chân NLĐ.

Vấn đề cấp bách nhất của DN dệt may hiện nay không phải là giao nhận đơn hàng, mà là làm thế nào để bảo đảm đời sống cho NLĐ. Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam kiến nghị Bộ LĐ-TB và XH về việc miễn toàn bộ việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đến hết tháng 6-2020, sau đó cho hoãn đóng đến tháng 12-2020 đối với phần của người sử dụng lao động và miễn đóng phần của NLĐ; miễn đóng bảo hiểm (BH) thất nghiệp đến hết năm 2020; sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để chi trả 50% lương tối thiểu cho công nhân thiếu việc làm, 50% còn lại do Tập đoàn chi trả; miễn phí công đoàn đến hết năm 2020.

Về vấn đề nêu trên, Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho rằng, các nhóm giải pháp trợ giúp NLĐ, DN cần được triển khai càng sớm càng tốt. Bởi đến thời điểm này, không ít DN, trong đó có những DN ngành dệt may, buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, tạm thời cho một số lao động nghỉ việc; đời sống của một bộ phận công nhân, NLĐ bị ảnh hưởng...

Tác động của dịch Covid-19 đến lĩnh vực lao động - việc làm còn thể hiện thông qua các chỉ số về BH thất nghiệp, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng BH thất nghiệp tháng 2-2020 là 47.164 nghìn người, tăng 59,2% so với tháng 1-2020 (29.839 người) và tăng 70% so cùng kỳ năm ngoái...

Đề xuất các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Trước thực trạng nêu trên, Bộ LĐ-TB và XH có văn bản báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SX, KD trước tác động của dịch Covid-19 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với các nhóm chính sách hỗ trợ DN và NLĐ trong nước. Thứ nhất là, miễn, tạm dừng đóng BHXH. Trước mắt, đề nghị thực hiện việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định tại Điều 88 Luật BHXH, Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2015 của Bộ LĐ-TB và XH đối với DN gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện, BHXH Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn BHXH các địa phương phối hợp cơ quan liên quan thực hiện quy định này đối với những DN bị ảnh hưởng. Với nhóm chính sách này, Bộ cũng đưa ra ba phương án từ mức độ thấp đến cao, trong đó, phương án thứ ba là cho phép tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với tất cả đơn vị sử dụng lao động có lao động bị mất việc làm, hoặc ngừng việc do ảnh hưởng bởi dịch trong các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất (các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch). Thời gian tạm dừng đóng đến tháng 6-2020 hoặc đến khi công bố hết dịch. Nguồn kinh phí dự kiến, nếu thực hiện cho khoảng 1,2 triệu đến 2,4 triệu lao động (tương ứng với 84 nghìn đến 168 nghìn DN), số tiền dừng đóng và miễn lãi chậm đóng khoảng từ 11,1 nghìn tỷ đến 22,3 nghìn tỷ đồng.

Thứ hai là, chính sách tạm dừng đóng BH thất nghiệp, theo đó, DN và NLĐ được tạm dừng đóng BH thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12-2020, sau đó phải đóng bù thời gian này mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng.Ước tính khoảng 10,4 triệu lao động được tạm dừng đóng BH thất nghiệp, với số tiền tạm dừng đóng là 12,8 nghìn tỷ đồng.Với nhóm chính sách miễn đóng BH thất nghiệp (trong trường hợp không thực hiện chính sách tạm dừng đóng BH thất nghiệp), DN và NLĐ không phải đóng BH thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12-2020 và thời gian này được tính là thời gian tham gia BH thất nghiệp của NLĐ và người sử dụng lao động. Ước tính thực hiện cho khoảng 250 đến 500 nghìn lao động (tương ứng với 105 nghìn đến 211 nghìn DN), số tiền miễn đóng BH thất nghiệp từ khoảng 300 tỷ đến 600 tỷ đồng.

Cùng với đó, Bộ cũng đưa ra nhiều nhóm chính sách khác, như: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ DN vay tiền trả lương ngừng việc; hỗ trợ NLĐ bị thôi việc, mất việc làm và hỗ trợ NLĐ trong DN bị giải thể, phá sản.

Bộ LĐ-TB và XH cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án mở rộng điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, thời gian tạm dừng đóng sao cho phù hợp tình hình thực tế; đồng thời bảo đảm tối đa quyền lợi của NLĐ. Nghiên cứu, xây dựng các phương án cụ thể để hỗ trợ NLĐ từ nguồn Quỹ BH thất nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp phải sửa đổi chính sách BH thất nghiệp để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, ngân hàng chính sách xã hội, các địa phương nghiên cứu bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ cho DN...

NGUYÊN KHANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/43833502-can-co-chinh-sach-kip-thoi-giup-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong.html