Cần có chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2021-2025

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng Nông thôn mới, Sở NN&PTNT Lào Cai kiến nghị Trung ương cần ban hành chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2021-2025, trong đó, cần chú ý đến phát triển sản phẩm mới...

Đưa Chương trình OCOP đến với đông đảo người dân

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, để thực hiện hiệu quả Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020” của Thủ tướng Chính phủ, Lào Cai đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn và tổ chức đánh giá sản phẩm,…

Cụ thể, có thể kể đến việc tham mưu cho Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 về ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó có hỗ trợ 15 triệu đồng/sản phẩm 3 sao; 30 triệu đồng/sản phẩm 4 sao cấp tỉnh; Hỗ trợ 80 triệu đồng/sản phẩm đạt 5 sao OCOP cấp Quốc gia. Đồng thời, đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

 Nhiều sản phẩm OCOP của huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai được giới thiệu đến người tiêu dùng trong nước (Nguồn ảnh: baolaocai.vn)

Nhiều sản phẩm OCOP của huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai được giới thiệu đến người tiêu dùng trong nước (Nguồn ảnh: baolaocai.vn)

Ngoài ra, để triển khai các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về Chương trình OCOP, Sở NN&PTNT đã trực tiếp ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Chu trình OCOP trên địa bàn tỉnh; các văn bản đôn đốc, triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh; phối hợp mở chuyên mục OCOP trên trang thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ngành, 9/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Bên cạnh đó, xác định công tác tuyên truyền, hướng dẫn là nhiệm vụ trọng tâm, có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả, chất lượng của Chương trình OCOP, trong 3 năm qua (2018-2020), các Sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã mở chuyên mục OCOP và đăng tải thông tin, hình ảnh trên trang điện tử do đơn vị mình quản lý. Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện phát sóng 32 số để tuyên truyền về Chương trình OCOP trên sóng truyền hình với thời lượng 10 phút/số.

Đi cùng với đó, Lào Cai đã tổ chức tập huấn chương trình OCOP cho cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã với 23 lớp/1.150 lượt cán bộ công chức tham gia. Tổ chức tuyên truyền thông qua phát hành 4.000 cuốn sổ tay hướng dẫn, 12.000 tờ rơi, 2.000 áp phích tới các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh và Tỉnh đoàn đã tổ chức tập huấn chuyên đề giới thiệu về Chương trình OCOP cho các lãnh đạo chủ chốt hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên cấp huyện, cấp xã.

Về kết quả cụ thể, trong giai đoạn 2018-2020, Hội đồng đánh giá cấp tỉnh đã tổ chức 5 đợt đánh giá sản phẩm OCOP, lựa chọn và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt 77 sản phẩm OCOP của 47 doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn 39 xã, phường, thị trấn thộc 8/9 huyện, thị xã, thành phố. Các sản phẩm thuộc đủ 6 nhóm ngành gồm: thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ trang trí, vải may mặc, dược liệu và dịch vụ du lịch và bán hàng được chứng nhận từ 3 sao trở lên. Trong đó, 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp tỉnh (chấm theo tiêu chí cũ); 19 sản phẩm đạt 4 sao và 57 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt 95% mục tiêu Đề án. Dự kiến hết năm 2020 chứng nhận thêm 15-20 sản phẩm, lũy kế sẽ có trên 90 sản phẩm OCOP, đạt 150% mục tiêu Đề án.

Cùng với những kết quả trên, Lào Cai đã thường xuyên quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Trong đó, tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm OCOP tại 11 Hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế; phối hợp với phía Trung Quốc tổ chức 2 Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản, trong đó có các sản phẩm được chứng nhận OCOP của Lào Cai; phối hợp với Bưu điện tỉnh Lào Cai đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử PostMart… Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các sản phẩm OCOP của Lào Cai đã được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của Lào Cai cũng đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, tại thị trường các thành phố lớn…

Cần có chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2021-2025

Qua thời gian triển khai Chương trình OCOP, theo Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, để thực hiện Chương trình có hiệu quả, cần thường xuyên tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức tiếp cận và triển khai Chương trình đến đội ngũ cán bộ các cấp, đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Từ đây, kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, cần xem Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng, chủ lực của cộng đồng, trong xây dựng dựng nông thôn mới bền vững. Cần phân công lãnh đạo, người đứng đầu Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành có đủ thẩm quyền quyết định các nhiệm vụ của Chương trình. Cơ quan điều phối cấp tỉnh hình thành bộ phận nghiệp vụ OCOP, cấp huyện cần có cán bộ chuyên trách tham mưu giúp việc được đào tạo để có trình độ năng lực, nhận thức, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, Sở NN&PTNT Lào Cai kiến nghị Trung ương cần ban hành chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2021-2025, chú ý đến phát triển sản phẩm mới. Sửa đổi bổ sung Thông tư 08/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính đối với hỗ trợ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, nên bổ sung nội dung hỗ trợ tư vấn phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở sản xuất nâng hạng sao, hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, hỗ trợ xúc tiến thương mại. Trong đó, Bộ NN&PTNT cần xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại hằng năm để các tỉnh căn cứ xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ các chủ thể tham gia.

Đồng thời, cần tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ban hành hướng dẫn cụ thể từng tiêu chí chấm điểm sản phẩm nói riêng và các nội dung thực hiện theo Chu trình 6 bước OCOP nói chung. Xây dựng quy trình đánh giá, thẩm định, phê duyệt đối với nội dung hỗ trợ cho các chủ thể đăng ký ý tưởng sản phẩm mới. Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn và tổ chức quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP theo đúng các tiêu chí quy định.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Thông tin Truyền thông, các cơ quan báo đài của Trung ương xây dựng quy chế phối hợp tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP. Mở chuyên mục riêng về OCOP trên sóng Truyền hình Trung ương. Triển khai các điểm trưng bày sản phẩm theo mô hình của một số nước tiêu biểu trong khu vực. Vì tiêu thụ sản phẩm là khâu quan trọng nhất và là bước cuối cùng trong chu trình OCOP.

Sở NN&PTNT Lào Cai kiến nghị Trung ương xây dựng hệ thống cơ sở tư vấn đào tạo cho các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP, để hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân về kỹ thuật sản xuất, chuyển giao công nghệ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, tiếp cận thị trường, xây dựng phương án kinh doanh, quản lý kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm…. Ngoài ra, cần tổ chức cho các địa phương tham quan, học tập các mô hình, cách làm hay trong và ngoài nước liên quan đến Chương trình OCOP./.

BT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/can-co-chinh-sach-ho-tro-san-pham-ocop-trong-giai-doan-2021-2025-569455.html