Cần có chính sách hỗ trợ đơn vị thu gom, xử lý chất thải nhựa dùng một lần

Sáng 16-9, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: 'Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách'. Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty URENCO, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội và các chuyên gia về môi trường...

Các đại biểu tham gia tọa đàm.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ 5.500 đến 6.000 tấn; trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 8-10%.

Trước thực trạng này, ngày 25-10-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về công tác phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái cho biết, sau gần một năm thực hiện Kế hoạch số 232, công tác phòng, chống rác thải nhựa trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn thành phố đã có 100% cơ quan, đơn vị thực hiện không sử dụng đồ nhựa, cốc nhựa một lần và được thay thế bằng cốc, chai thủy tinh; các siêu thị lớn, cửa hàng tiện ích thay thế túi ni lông bằng túi giấy, sản phẩm thân thiện môi trường; 803 trường học tại 19/30 quận, huyện, thị xã tham gia chương trình thu gom vỏ hộp sữa, sản phẩm nhựa dùng một lần...

Cũng theo ông Mai Trọng Thái, trong tháng 9-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tham mưu cho thành phố triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn đến các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố, tiến tới triển khai ra toàn cộng đồng...

Ngoài ra, tại tọa đàm, các đại biểu và chuyên gia môi trường cũng đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất thành phố Hà Nội có cơ chế chính sách để hạn chế rác thải nhựa, như: Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn lãi suất thấp để đầu tư công nghệ sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường; đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa; cấm doanh nghiệp nhập khẩu rác thải nhựa về Việt Nam để tái chế, sản xuất; có chính sách rõ ràng để hỗ trợ đơn vị thu gom, xử lý chất thải nhựa dùng một lần và túi ni lông trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân về tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông...

Hoàng Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/978525/can-co-chinh-sach-ho-tro-don-vi-thu-gom-xu-ly-chat-thai-nhua%C2%A0dung-mot-lan