Cần có chính sách đồng bộ, quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Ngày 26/10, tham gia góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ nhất trí cao với mục tiêu trong nhiệm kỳ tới sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Theo ông Vũ Mạnh Tiêm, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được nhiều lần được Nghị quyết Đại hội Đảng xác định là khâu đột phá nhưng sự đột phá còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cũng như mong muốn của đất nước.

Ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Lấy ví dụ từ giai cấp công nhân hiện nay, ông Tiêm cho biết: Theo điều tra từ năm 2019, công nhân lao động cả nước ở trình độ tiểu học, trung học cơ sở (cấp 1, cấp 2) vẫn còn khoảng hơn 30%; trình độ trung học phổ thông (cấp 3) trở lên khoảng 68%. Về đào tạo nghề cho công nhân lao động, mặc dù doanh nghiệp đã cố gắng tham gia đào tạo, nhưng mới dừng lại ở 43%, nhất là lao động có trình độ tay nghề, bậc thợ (từ bậc 4 đến bậc 7) còn rất khiêm tốn, công nhân bậc cao rất ít, khan hiếm.

Đặc biệt, trong 5 năm qua, việc công nhân lao động học về tin học, ngoại ngữ chỉ khoảng 9,5-10%. Những số liệu trên là chất lượng nguồn nhân lực thực tế, trong khi giai cấp công nhân được xác định là lực lượng đi đầu trong công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Mạnh Tiêm, cùng với điều kiện khoa học công nghệ chưa được đồng bộ, nên năng suất lao động của chúng ta hiện nay còn thấp so với các nước trong khu vực, kéo theo thu nhập của người lao động ở mức thấp. Và khi thu nhập thấp, đồng nghĩa với việc công nhân lao động phải tăng số giờ làm thêm.

Hiện nay, phần lớn công nhân lao động đang làm việc 48 giờ/tuần nhưng trong thực tế, công nhân lao động làm việc 60 giờ trở lên, thậm chí đến 70 giờ/tuần, đây là điều rất đáng quan tâm, bởi với thời gian làm việc như vậy, làm sao công nhân có thời gian để học tập.

"Chúng tôi rất đau đáu và cảm thấy lo lắng cho tương lai đội ngũ lao động trực tiếp của đất nước. Vì vậy, rất mong có sự đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chúng tôi rất mong công nhân lao động được học tập suốt đời, được nâng cao trình độ đào tạo tại đơn vị. Điều này rất cần sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động", Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ.

Phân tích những hạn chế hiện nay, khi xu thế thế giới đi vào thời đại kỹ thuật số, hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0, trong điều kiện công nghệ của Việt Nam còn thấp, các doanh nghiệp Việt Nam đang thâm dụng lao động là chính (điển hình như các ngành như điện tử, dệt may, thủy sản…), theo ông Tiêm, có nâng cao tay nghề cho công nhân, mới có cơ hội nâng cao được thu nhập.

Đề cập đến thời gian làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Trong sửa đổi Bộ luật Lao động, chúng tôi đang đấu tranh để thời gian tới công nhân chỉ phải làm việc 44 giờ/tuần, từ đó mới có thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, tham gia học tập, nâng cao trình độ…

"Chúng tôi rất mong trong Nghị quyết Đại hội Đảng ban hành tới đây, trong chính sách phải có sự đồng bộ giữa giáo dục – đào tạo – khoa học công nghệ và chính sách cải cách tiền lương, an sinh xã hội, qua đó tạo động lực để mọi người dân cùng tích cực tham gia học tập. Đấy mới là mục tiêu cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới", ông Vũ Mạnh Tiêm đề xuất.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-co-chinh-sach-dong-bo-quan-tam-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-114811.html