Cần có chế tài xử lý tình trạng doanh nghiệp tùy tiện 'sa thải' người lao động

Trước tình trạng doanh nghiệp tìm cách 'sa thải' người lao động tùy tiện đang diễn ra và ngày càng tinh vi; việc người lao động bỗng dưng mất việc sau tuổi 30, 35 thực sự đẩy họ vào không ít khó khăn cả về đời sống vật chất, tinh thần và tương lai lâu dài của họ, Nhà nước cần có các chế tài để xử lý nghiêm tình trạng doanh nghiệp lách luật, tìm cách thải loại người lao động ra ngoài xã hội sau một thời gian làm việc dài, cống hiến cho doanh nghiệp.

Tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng 27 tỉnh, thành phố về “Bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động”, đại diện cho đông đảo công nhân lao động, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH TOTO Việt Nam Phạm Thị Bích Hải đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương những nguyện vọng, kiến nghị đảm bảo việc làm, nâng cao mức sống cho công nhân tại các khu công nghiệp chế xuất.

Theo bà Hải, sức khỏe là yếu tố vô cùng quan trọng của người lao động và cũng là tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng bữa ăn ca của người lao động tại nhiều doanh nghiệp có giá trị dinh dưỡng thấp, chưa đáp ứng nhu cầu tái tạo sức lao động; chất lượng thực phẩm và điều kiện chế biến thực phẩm chưa tốt dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao. Đối với bữa ăn tại nhà thì công nhân phải mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ tạm, chợ cóc, hàng quán ven đường… tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, kính đề nghị Chính phủ và chính quyền các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca cho người lao động.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH TOTO Việt Nam Phạm Thị Bích Hải phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Mai Quý)

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH TOTO Việt Nam Phạm Thị Bích Hải phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Mai Quý)

Về nhà ở, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đa phần là người nhập cư. Phần lớn công nhân đang phải thuê trọ tại các căn nhà cấp 4 do dân tự xây dựng với diện tích chật chội, ẩm thấp, nóng bức, phải chi trả các dịch vụ thiết yếu cao hơn so với các hộ thông thường; bên cạnh đó còn phát sinh các vấn đề về an ninh, trật tự... Hiện nhu cầu về nhà ở xã hội, căn hộ giá thấp cho người lao động, đặc biệt là lao động có thu nhập thấp là rất lớn. Tuy nhiên, số nhà ở tập trung cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay là rất ít; không đáp ứng được nhu cầu thực tế của người lao động. Kính đề nghị chính quyền thành phố và các địa phương quan tâm, có giải pháp để công nhân lao động có chỗ ở ổn định, an tâm làm việc.

Liên quan đến nơi học hành của con em công nhân, bà Hải cho biết, hiện nay, rất nhiều công nhân lao động băn khoăn, đau đầu vì không biết gửi con ở đâu để yên tâm đi làm. Số lượng các nhà trẻ, trường mầm non công lập cạnh các khu công nghiệp, khu chế xuất rất ít, dẫn đến tình trạng quá tải. Gửi ở trường tư thục đạt chuẩn thì đồng lương của công nhân lao động không kham nổi. Nhiều gia đình cả hai vợ chồng cùng là công nhân đã phải chọn giải pháp gửi con về quê cho ông, bà, người thân chăm sóc, nhưng cũng không hoàn toàn yên tâm; còn phần lớn công nhân đành chấp nhận rủi ro khi gửi con vào các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân tự phát, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục… với chế độ chăm sóc, giáo dục trẻ em không đạt yêu cầu, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn đối với trẻ em.

Việc xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo cho con công nhân lao động là nhu cầu thật sự bức thiết để người lao động yên tâm làm việc, các cháu cũng là nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Vậy, kính đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cũng như bố trí đội ngũ giáo viên có tâm, có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm mầm non tại các khu công nghiệp để công nhân lao động có nơi gửi trẻ an toàn, an tâm công tác.

Theo bà Hải, công nhân lao động có chất lượng là công nhân có đủ trí lực, thể lực và tinh thần khỏe. Vì vậy, người lao động rất mong mỏi các hoạt động, phong trào như các cuộc thi tay nghề ở các lĩnh vực, ngành nghề mà thời gian qua Công đoàn khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổ chức đều đặn, giúp công nhân lao động có cơ hội học hỏi và nâng cao kiến thức tay nghề. Mong muốn tăng cường các sân chơi, các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa đa dạng, có nơi sinh hoạt, giao lưu, tăng cường đoàn kết trong công nhân lao động.

Bà Hải cũng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương về công tác xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp; quản lý tốt sự ra đời và hoạt động tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, gắn với mục tiêu xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định.

Tình trạng doanh nghiệp tìm cách “sa thải” người lao động tùy tiện vẫn đang diễn ra và ngày càng tinh vi. Việc người lao động bỗng dưng mất việc sau tuổi 30, 35 thực sự đẩy họ vào không ít khó khăn cả về đời sống vật chất, tinh thần và tương lai lâu dài của họ. Nhà nước cần có các chế tài để xử lý nghiêm tình trạng doanh nghiệp lách luật, tìm cách thải loại người lao động ra ngoài xã hội sau một thời gian làm việc dài, cống hiến cho doanh nghiệp.

Phản ánh về tình hình an toàn giao thông tại các tuyến đường dẫn đến các khu công nghiệp, khu chế xuất không đảm bảo; đường đông, nhiều điểm nhỏ hẹp, nhiều ngã tư, các phương tiện lưu thông lớn... khiến thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, bà Hải bày tỏ mong muốn Chính phủ và chính quyền các địa phương xem xét, nâng cấp cơ sở hạ tầng; đồng thời bố trí lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng, đặc biệt trong giờ cao điểm để đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-co-che-tai-xu-ly-tinh-trang-doanh-nghiep-tuy-tien-sa-thai-nguoi-lao-dong-116945.html