Cần có chế tài để bảo vệ y bác sĩ khỏi những kẻ côn đồ hành hung

Trong quá trình làm việc, bác sĩ cần được coi là người thi hành công vụ và phải được bảo vệ bằng các chế tài cụ thể, như thế mới hạn chế được các vụ hành hung.

Phải có cửa an ninh kiểm soát ra vào bệnh viện như sân bay

TS. BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, từ năm 2012 đến nay, Tổng hội Y học Việt Nam đã tổ chức hàng trăm lớp đào tạo cho cán bộ y tế địa phương để trang bị các kỹ năng tự bảo vệ mình. Đã có khoảng 4000 y bác sĩ được tham gia đào tạo, nhưng con số này còn quá nhỏ so với số lượng cán bộ y tế hiện nay.

Bạo lực trong bệnh viện diễn ra khắp nơi trên thế giới, nhưng ở các nước thì mô hình khác Việt Nam. Bạo lực trong bệnh viện của họ chủ yếu là giữa bệnh nhân với bệnh nhân, còn ở Việt Nam là giữa bệnh nhân với bác sĩ và diễn ra chủ yếu ở tuyến tỉnh, địa phương. Bạo lực chủ yếu xảy ra ở khoa cấp cứu hay khoa sản, ít xảy ra ở các khoa khác.

Một vụ hành hung bác sĩ trong bệnh viện.

Một vụ hành hung bác sĩ trong bệnh viện.

Phân tích tình hình bạo lực trong bệnh viện, TS. BS Trương Hồng Sơn cho biết đầu tiên là các quy định về thái độ nhân viên ngành y, quy trình an ninh bệnh viện đều đã có, nhưng chưa được thực thi đúng mức. Hệ thống bảo vệ ở các bệnh viện lại quá yếu, không có nghiệp vụ, không được trang bị công cụ hỗ trợ mà chủ yếu làm công việc sắp xếp xe máy.

Thứ hai là chúng ta không kiểm soát hạn chế người ra vào bệnh viện. Ở các nước phát triển, người ra vào bệnh viện phải được kiểm soát để họ không mang hung khí nguy hiểm bằng kim loại vào viện. Bằng cách phải qua cánh cửa soi chiếu an ninh trước khi vào viện. Khi vào, phải xuất trình giấy tờ nhân thân, đeo thẻ mới được đi lại trong bệnh viện. Còn ở ta, tình trạng nhốn nháo là phổ biến, thế nên mới có chuyện một người bỗng dưng lao vào phòng cấp cứu hành hung bác sĩ mà có khi không ai biết đó là ai.

Thứ ba là các bệnh viện của chúng ta thiếu hệ thống điều dưỡng, dẫn đến để người nhà tự chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt trong phòng cấp cứu. Nguyên tắc của bác sĩ là ưu tiên người bệnh nặng trước, nhưng người nhà bệnh nhân lại không hiểu, cứ nghĩ ai đến trước phải được phục vụ trước. Rồi nhiều khi thấy bác sĩ dửng dưng thì nghĩ là "vòi tiền", dẫn đến bức xúc, bạo lực…

TS. BS Trương Hồng Sơn cho biết, khi đi giảng, ông luôn nói với cán bộ y tế phải đối xử với bệnh nhân theo đúng quy chuẩn của ngành. Khi gặp các vấn đề liên quan đến bạo lực, phải tự bảo vệ bản thân trước.

Trước mắt, để hạn chế nạn hành hung bác sĩ, ở tất cả các phòng, khoa cấp cứu phải bố trí lực lượng công an túc trực, sẵn sàng xử lý bất cứ tình huống nào xảy ra. Chỉ khi nào bác sĩ thực sự yên tâm tập trung chuyên môn thì chất lượng khám chữa bệnh mới được nâng cao.

BS. Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM:

Đề nghị bổ sung quy định chống bạo hành cán bộ y tế

TS. BS Trương Hồng Sơn cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến các vụ hành hung bác sĩ vẫn tiếp diễn là chúng ta xử phạt quá nương nhẹ các vụ việc tương tự. Nhiều khi hai bên hòa giải, nhận lỗi là xong. Để khắc phục vấn nạn này, cần phải xử lý nghiêm minh, có thể chọn một số trường hợp xử công khai để làm gương.

"Không phải là chúng ta đang bảo vệ bác sĩ mà việc xử nghiêm là để bảo vệ bệnh nhân. Bởi nếu bác sĩ hoảng sợ, bỏ chạy, không tập trung được vào chuyên môn thì bệnh nhân mới chính là... nạn nhân. Bác sĩ mà không yêu nghề, lúc nào cũng nơm nơm lo sợ bị đánh hoặc mặc kệ bệnh nhân thì khi đó ai mới là người chịu thiệt?", TS. BS Trương Hồng Sơn đặt câu hỏi.

Tiếp đến, cần có đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp trong bệnh viện, trang bị đủ các thiết bị để xử lý khi có sự việc xảy ra. Bảo vệ phải là người giải quyết vụ việc nhanh chóng chứ không phải là chạy đến để can ngăn như các trường hợp chúng ta vẫn hay gặp.

TS. BS Trương Hồng Sơn đề nghị trong việc xây dựng Luật Khám chữa bệnh sắp tới, cần thiết phải bổ sung nội dung chống bạo hành cán bộ y tế vào trong luật. Cần phải làm rõ khái niệm khi bác sĩ làm việc có phải là đang thi hành công vụ hay không? Nếu bác sĩ là người thi hành công vụ thì phải có các chế tài bảo vệ và xử lý kèm theo cụ thể. Có như thế mới ngăn chặn được bạo lực hành hung bác sĩ.

Đồng quan điểm, BS. Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho rằng, không coi bác sĩ là người thi hành công vụ là rất vô lý. Tình trạng bạo lực gia tăng khiến bác sĩ dè chừng, nản, ảnh hưởng rất lớn đến bệnh nhân. Đã đến lúc cần phải có những quy định pháp luật đủ mạnh để bảo vệ bác sĩ trong quá trình làm việc.

"Dù tôi chưa bị hành hung bao giờ nhưng bị người nhà bệnh nhân chửi thì nhiều rồi. Mình nói, họ không hiểu, họ lớn tiếng chửi bới. Khi đó cũng phải có những chế tài xử lý đảm bảo an ninh trong môi trường bệnh viện", BS. Khanh cho hay.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, bảo đảm cho nhân viên y tế yên tâm công tác chính là phương pháp tốt nhất để người bệnh có được sự chăm sóc chu đáo, đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác điều trị. Đáng tiếc ở Việt Nam hiện nay, ngành y tế không được sự hỗ trợ bởi điều luật chống, hành hung người đang thi hành công vụ, vì hiện nay các bệnh viện đã được coi là cơ sở dịch vụ y tế, các cán bộ y tế không còn là công chức nên khi hành nghề không được coi là đang thi hành công vụ.

Ông cho rằng, cho dù đã có những tín hiệu tích cực, như Luật khám chữa bệnh (sửa đổi) đang trong giai đoạn hoàn chỉnh cuối cùng cho kỳ họp tới đã có nhiều điều chỉnh theo hướng bảo vệ tốt hơn cho nhân viên y tế; rồi báo chí và các cơ quan có thẩm quyền cũng đã có phản ứng nhanh, quyết liệt hơn trong vụ hành hung mới xảy ra tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nhưng khó có thể chấm dứt hoàn toàn tình trạng này trong tương lai gần.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//can-co-che-tai-de-bao-ve-y-bac-si-khoi-nhung-ke-con-do-hanh-hung-169220809093453958.htm