Cần cơ chế đột phá để Đà Nẵng phát triển nhanh hơn

Phát biểu tại hội thảo 'Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước', đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy biên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh 'Cần cơ chế đột phá để Đà Nẵng phát triển nhanh hơn, thể hiện vai trò động lực tăng trưởng của khu vực miền trung – Tây Nguyên'.

Cảnh quan hai bờ sông Hàn, nét đẹp của Đà Nẵng hiện đại

Ngày 10-8, Ban Kinh tế Trung ương và Thành ủy Đà Nẵng phối hợp tổ chức hội thảo “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” với sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong nước và quốc tế, đại diện các bộ, ban ngành Trung ương và một số địa phương ở miền trung. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị và đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đồng chủ trì Hội thảo.

Ngày 6-10-2003, Bộ Chính trị (Khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 33 về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa IX), thành phố Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh, khá toàn diện, là hình ảnh tiêu biểu, quyết liệt trong cải cách và năng động phát triển, với những chính sách mang tính đột phá như: đổi đất lấy hạ tầng; đền bù giải tỏa, tái định cư; chú trọng xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị, dịch vụ...

Hội thảo “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Nhờ đó, thành phố Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu cơ bản trên hầu hết các lĩnh vực, diện mạo đô thị thay đổi ấn tượng. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá cố định 2010) ước tăng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2003-2018, riêng giá trị năm 2018 gấp 4,2 lần so với năm 2003, bằng 1,39% so với cả nước.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 82,8 triệu đồng (3.677 USD), gấp gần bảy lần năm 2003 và 1,45 lần cả nước, cao hơn 1,42 lần so với Vùng kinh tế trọng điểm miền trung và đạt khá khi so sánh với một số địa phương có điều kiện tương đồng và năng động của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức to lớn. Đó là quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực sẵn có; tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại so với mặt bằng chung cả nước và khu vực miền trung - Tây Nguyên.

Mặc dù nhiều năm trở lại đây, Đà Nẵng luôn duy trì vị thứ ở tốp đầu cả nước về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính… nhưng vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề về tổ chức bộ máy, là nguyên nhân dẫn đến những trì trệ, ách tắc, những bất cập, điểm nghẽn cản trở sự phát triển năng động của Đà Nẵng trong thời gian gần đây...

Dự báo trong thời gian tới, thành phố sẽ phải chịu nhiều tác động từ các yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và cả áp lực về hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông công cộng…

Với tầm nhìn về một thành phố hiện đại - thông minh, một thành phố toàn cầu, có bản sắc và đáng sống, mục tiêu xây dựng của Đà Nẵng là trở thành một thành phố “giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại”, động lực tăng trưởng của khu vực miền trung - Tây Nguyên, hàng chục tham luận, ý kiến của các đại biểu dự hội thảo đã tập trung phân tích những thành tựu, kết quả cũng như hạn chế, khiếm khuyết của Đà Nẵng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị.

TS Ngô Viết Nam Sơn, giảng viên đại học khu vực Bắc Mỹ cho rằng: Thành tựu phát triển của Đà Nẵng là rõ nét, với việc xây dựng một đô thị biển khang trang, hiện đại, văn minh, mang đậm yếu tố bản sắc miền trung, được bạn bè quốc tế thừa nhận là thành phố đáng sống của Việt Nam.

Công nghệ cao, hướng đi mới cho Đà Nẵng trong tương lai.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều điểm bất cập trong quá trình phát triển, như nội bộ các ngành kinh tế phát triển chưa đồng đều; quy hoạch không gian đô thị còn những điểm nghẽn, manh mún ở một số khu vực; quản lý sử dụng đất, phát triển hạ tầng chưa kết nối đồng bộ với hệ thống chung của vùng, quốc gia.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Lịch sử Đà Nẵng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng lên tiếng cảnh báo về sự chững lại của Đà Nẵng trong vài năm gần đây. Đặc biệt là Đà Nẵng chưa thể hiện được vai trò đầu tàu, vai trò hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền trung cũng như của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Về định hướng phát triển Đà Nẵng trong tương lai, ông Lauri Laakso, Cố vấn trưởng dự án IPP Phần Lan cho rằng, Đà Nẵng nên tiên phong trong việc xây dựng nền kinh tế đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ 4.0, 5.0. Muốn vậy, trước hết cần xây dựng một đội ngũ lãnh đạo là những người đi tiên phong trong lĩnh vực này, và dự án IPP của Phần Lan sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng trong việc đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực công nghệ, công nghệ mới, công nghệ cao…

Đồng quan điểm, ông Doughlas Foo, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất Singapore đề xuất xây dựng Đà Nẵng trở thành phố hiện đại, xanh và sạch, Hiệp hội sản xuất Singapore và cá nhân ông Doughlas Foo sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng kết nối với Singapore để cùng liên kết, phát triển.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị; trong đó nổi bật là định hướng phát triển bền vững.

Những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… sẽ được lãnh đạo TP Đà Nẵng và các bộ ngành Trung ương ghi nhận, tổng hợp nghiên cứu để xây dựng một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 33, mở đường cho Đà Nẵng phát triển bứt phá trong thời gian tới. Đà Nẵng cần có cơ chế tốt để thu hút nhà đầu tư, nguồn lực từ xã hội, phải coi nguồn lực từ ngân sách nhà nước chỉ mang tính dẫn dắt, định hướng, chỉ là “khơi nguồn” “tạo đà” cho sự phát triển; nguồn lực tư nhân và các tập đoàn, các tổ chức tài chính lớn là động lực chủ yếu.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình yêu cầu TP Đà Nẵng chủ động hơn trong phối hợp với các bộ ngành Trung ương xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng, năng động, mang tính đột phá, để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Muốn vậy, cần đánh giá được hết tiềm năng lợi thế cũng như bất lợi của Đà Nẵng, tận dụng những lợi thế là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hành lang kinh tế Đông -Tây, lợi thế kinh tế biển và cửa ngõ giao thương quốc tế cả về đường hàng hàng không, đường biển và đường bộ.

Lễ hội pháo hoa quốc tế - thương hiệu riêng của Đà Nẵng.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trân trọng cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến góp ý, tham gia đầy trách nhiệm, chất lượng của các vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Những ý kiến tâm huyết đó sẽ là cơ sở quan trọng để Đà Nẵng hoàn thiện Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa IX)”.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp, trao đổi từ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý… nhằm giúp Đà Nẵng có những giải pháp thiết thực, hiệu quả, cơ chế, chính sách đột phá để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới, nhất là xây dựng tầm nhìn, xác định mô hình tăng trưởng, tìm ra những động lực phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng, từ đó tiến hành các biện pháp cải cách để nuôi dưỡng và thúc đẩy các động lực này.

THANH TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37277502-can-co-che-dot-pha-de-da-nang-phat-trien-nhanh-hon.html