Cần cơ chế để doanh nghiệp tự cung cấp thông tin đến cơ quan Hải quan

Nếu doanh nghiệp cung cấp càng nhiều thông tin thì càng có cơ sở để cơ quan Hải quan đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Q.H

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường tại Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa diễn ra sáng nay 5/11 tại trụ sở Tổng cục Hải quan.

Về bố cục, Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa
gồm: 3 Chương, 15 điều.

Trong đó, tại Chương II (từ điều 5 đến điều 13) quy định cụ thể phân loại mức độ tuân thủ; tiêu chí đánh giá tuân thủ doanh nghiệp; quản lý áp dụng tiêu chí đánh giá tuân thủ doanh nghiệp; đánh giá tuân thủ doanh nghiệp; thẩm định kết quả đánh giá tuân thủ doanh nghiệp; hỗ trợ, khuyến khách doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về hải quan…

Ngoài điểm cầu tại Tổng cục Hải quan, tham gia Hội nghị còn có cán bộ, lãnh đạo của 35 cục hải quan tỉnh, thành phố ở 35 điểm cầu.

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) Quách Đăng Hòa cho biết, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.

Thông tư đã được gửi lấy ý kiến các đơn vị trong toàn Ngành và một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Vụ Thanh tra, Vụ Chính sách thuế). Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến tham gia, Tổng cục Hải quan (Cục Quản lý rủi ro) đã bổ sung, hoàn thiện lần 2 bản dự thảo Thông tư.

Các ý kiến thảo luận đến từ các cục hải quan tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước…) đã được Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro Quách Đăng Hòa giải đáp tại hội nghị. Trước đó, các nội dung góp ý thảo luận và các ý kiến bằng văn bản của các đơn vị đã được tiếp thu và sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Thông tư.

Tại hội nghị, các nội dung tập trung thảo luận về tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá tuân thủ; đánh giá tuân thủ doanh nghiệp và thẩm định kết quả đánh giá tuân thủ doanh nghiệp; thu thập, xử lý thông tin và ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ đánh giá tuân thủ pháp luật…

Cơ quan Hải quan cần chủ động thu thập thông tin ở trong và ngoài phạm vi ngành Tài chính. Ảnh: Q.H

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường nhấn mạnh, việc xây dựng Thông tư lần này là sự thay đổi cơ bản về quản lý rủi ro. Bởi tất cả quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc tổ chức thực hiện, cũng như các tiêu chí phân loại, phân hạng phù hợp với chuẩn mực của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), thông lệ quốc tế, yêu cầu của Chính phủ, cụ thể thể hóa Luật Hải quan, Nghị định 08, Nghị định 59, Thông tư 39.

Liên quan đến thông tin bao gồm: thu thập, thẩm định, đánh giá, phương thức trao đổi thông tin đang đóng vai trò hết sức quan trọng. Trước hết cơ quan Hải quan cần chủ động thu thập thông tin ở trong và ngoài phạm vi ngành Tài chính và có cơ chế để doanh nghiệp tự cung cấp thông tin.

“Nếu doanh nghiệp cung cấp càng nhiều thông tin thì càng có cơ sở để cơ quan Hải quan đánh giá mức độ tuân thủ.”. Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Mặt khác, cần chuẩn hóa thông tin bằng các mẫu biểu (các tiêu chí đánh giá) nhằm thực hiện thống nhất trong ngành Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời chú ý cần nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để phù hợp với thực tiễn.

Quang Hùng

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/can-co-che-de-doanh-nghiep-tu-cung-cap-thong-tin-den-co-quan-hai-quan.aspx