Cần cơ chế đầu tư cơ sở vật chất và giữ chân người tài cho ngành Tòa án

Tại buổi làm việc với Thường trực Ban Bí thư ngày 27/2 về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và triển khai thực hiện Chỉ thị 35CT/TW của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng TANDTC đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất quan trọng.

Tăng cường đầu tư cho các cơ quan tư pháp

Báo cáo của Ban cán sự đảng TANDTC cho thấy: Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện “quyền tư pháp” chưa thực sự sâu sắc, toàn diện và nhất quán, dẫn đến việc đổi mới tổ chức và hoạt động hệ thống Tòa án thiếu đồng bộ; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 còn một số bất cập gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, như tổ chức bộ máy giúp việc của TANDTC, cơ cấu Thẩm phán Tòa án các cấp;… Số lượng, chất lượng Thẩm phán chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Bên cạnh đó, một số luật về tố tụng tư pháp mới được thông qua đã mở rộng phạm vi và bổ sung thẩm quyền mới của TAND. Dự kiến số lượng các loại vụ việc tăng cao nhưng số biên chế không tăng, gây khó khăn cho Tòa án.

 Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác Tòa án với sự điều hành và chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự đảng TANDTC

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác Tòa án với sự điều hành và chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự đảng TANDTC

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tố tụng là đặc thù, đòi hỏi cán bộ phải có trình độ chuyên môn mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay khâu này còn hạn chế. Mục tiêu của Tòa án đặt ra là phải thực hiện tốt nhiệm vụ theo thẩm quyền.

Vì vậy cần có kế hoạch tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đầu tư về kinh phí đào tạo đầu vào cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Với bối cảnh hiện nay án khó, phức tạp nhiều và việc đầu tư cho các giải pháp đảm bảo thực hiện chức năng nhiệm vụ từ cơ quan cho quá trình tố tụng còn hạn chế.

Theo Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền: hiện nay chúng ta đang thực hiện tổng kết Nghị quyết 48, 49, nên đề nghị thời gian tới cần có nghị quyết thay thế trong lĩnh vực hoàn thiện pháp luật, xây dựng chiến lược CCTP cho giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040. Trong giai đoạn này đề nghị Bộ Chính trị cho chủ trương tăng cường đầu tư kinh phí cho lĩnh vực tư pháp để Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC

Chế độ chính sách đối với cán bộ có chức danh tư pháp hiện nay cũng là vấn đề cần phải tính đến.

Phó Chánh án TANDTC Nguyến Văn Du cũng cho hay: Nhiệm kỳ này, dưới sự lãnh đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, ngành Tòa án đã có nhiều đổi mới, thực sự đột phá.

Song những khó khăn hiện tại của ngành rất cần được sự quan tâm tháo gỡ của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, đầu tư cơ sở vật chất, chế độ chính sách đối với cán bộ Tòa án chưa thực sự tương ứng với tính chất công việc, chưa có cơ chế để thu hút cán bộ có trình độ, năng lực vào công tác trong ngành.

Cơ sở vật chất chỉ các Tòa án tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là cơ bản đảm bảo, còn lại các vùng sâu, vùng xa vô cùng khó khăn, nhất là khu vực miền Trung, miền Nam, không nhiều Tòa cấp huyện có trụ sở làm việc khang trang, sạch sẽ.

Ngành Tòa án đang bị “chảy máu chất xám”

Theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Du, Đề án biên chế cũng là vấn đề rất khó khăn cho Tòa án hiện nay. Theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW, trong quá trình sắp xếp bộ máy tổ chức, không tăng được biên chế, Tòa án chấp hành nghiêm túc chủ trương, nhưng tại các Tòa án ở thành phố lớn, mỗi Thẩm phán phải xét xử 15-20 vụ/tháng, lượng án quá nhiều như vậy nên rất lo lắng về chất lượng xét xử, những sai sót là khó tránh khỏi.

Về cơ chế đối với Tòa án cũng vậy. Hiện nay TANDTC do thực hiện việc cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế nên không còn cấp phòng. Có nhiều cán bộ có chuyên môn tốt, qua quá trình phấn đấu lên được chức trưởng, phó phòng, nhưng giờ phải xuống làm chuyên viên, vì không có vị trí tương tự để sắp xếp, dẫn đến việc cán bộ xin nghỉ việc để ra ngoài làm.

Đồng chí Nguyễn Văn Du, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC

Các chuyên viên đó hầu hết đều là những chuyên gia giúp việc cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC, nên đề nghị cơ quan chức năng xem xét để TANDTC sửa Luật Tổ chức Tòa án, bổ sung cơ chế để TANDTC có thêm các chức danh như Thẩm phán trung cấp, sơ cấp. Có như vậy mới có thể giữ chân được người tài ở lại, Phó Chánh án nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị; các hoạt động của Tòa án và thực hiện việc cải cách tư pháp; việc xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất cho các Tòa cấp huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị việc đầu tư cơ sở vật chất cho ngành Tòa án là cần thiết, sao cho xứng tầm nhiệm vụ. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ đến năm 2010 phải chấm dứt tình trạng thuê trụ sở làm việc nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành mục tiêu đó. Với biên chế cũng vậy, với áp lực án tăng nhưng biên chế không tăng như hiện nay là áp lực rất lớn cho ngành Tòa án, vậy nên nghiên cứu đầu tư công nghệ thông tin để làm sao những vụ án đơn giản có thể xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc ứng dụng công nghệ thông tin vào xét xử.

Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác Tòa án với sự điều hành và chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự đảng TANDTC. Các hình thức lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục được đổi mới và ngày càng được nâng cao, nhất là công tác xây dựng ngành ngày càng tốt hơn. Cơ sở vật chất tuy khó khăn, nhưng cũng đã dần được đầu tư, cải thiện.

Tòa án có vị trí rất quan trọng, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý. Vì vậy, Tòa án cần nâng cao hơn nữa năng lực, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó. Do vậy, thời gian tới khi tổng kết Nghị quyết 48, 49 của Bộ Chính trị, những vấn đề như đã nêu ra cũng cần được xem xét kỹ lưỡng.

Mai Thoa - Mai Đỉnh

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/nghiep-vu/can-co-che-dau-tu-co-so-vat-chat-va-giu-chan-nguoi-tai-cho-nganh-toa-an-333638.html