Cần cơ chế đãi ngộ và môi trường làm việc thuận lợi

Thời gian gần đây, tình trạng bác sĩ ở bệnh viện công xin nghỉ việc chuyển sang làm tại các cơ sở y tế, bệnh viện tư nhân khiến dư luận hết sức quan tâm. Lãnh đạo nhiều bệnh viện công và cơ quan chủ quản lo lắng tình trạng trên, ảnh hưởng tới uy tín, chất lượng phục vụ người bệnh. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để 'giữ chân' bác sĩ, nhất là bác sĩ giỏi ở bệnh viện công?

Lương thấp, chế độ ưu đãi bất cập

Thời gian gần đây, tình trạng bác sĩ ở đơn vị y tế công lập xin nghỉ việc, chuyển sang làm ở bệnh viện tư nhân (BVTN) tăng lên đáng kể. Ghi nhận ở 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Vĩnh Long trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018 đã có hơn 170 bác sĩ xin nghỉ việc. Riêng tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay đã có gần 40 bác sĩ tại các bệnh viện, trung tâm y tế công lập xin nghỉ để chuyển sang làm tại các BVTN. Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai), than thở: “Cứ đà này, uy tín của bệnh viện sẽ bị giảm sút, bởi trong số bác sĩ nghỉ việc có khá nhiều bác sĩ giỏi, có kinh nghiệm lâu năm, thậm chí đảm nhiệm chức vụ chủ chốt ở các khoa chuyên ngành, dẫn đến chất lượng khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng”.

Ở TP Hồ Chí Minh, đơn vị có khá đông bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ việc là Trung tâm cấp cứu 115 với 23 trường hợp (năm 2017). Ngoài ra còn có các bệnh viện: Mắt, Ung bướu, Răng-Hàm-Mặt… Tại Bình Phước, một số bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, trung tâm y tế cũng xảy ra tình trạng “nhảy việc” khiến HĐND tỉnh phải đưa vào chất vấn nguyên nhân tại kỳ họp gần đây. Ông Từ Phương Nam, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Phước cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu làm “chảy máu chất xám” từ bệnh viện công sang BVTN là do lương thấp, thiếu chế độ ưu đãi đối với cán bộ, nhân viên y tế và môi trường công tác áp lực”. Ông Nam lấy ví dụ: Một bác sĩ công lập chỉ có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, trong khi hệ thống ngoài công lập trả lương từ 30 đến 50 triệu/tháng, có trường hợp trả tới 150 triệu đồng cùng nhiều chế độ ưu đãi. Bởi vậy, nhiều bác sĩ viện lý do xin nghỉ do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình nhưng lại nhận lời làm việc cho BVTN.

TS, bác sĩ chuyên khoa 2 Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh phân tích: Bệnh viện chuyên ngành và bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, thành phố thường phải tiếp nhận phần lớn bệnh nhân nặng do y tế cơ sở chuyển đến nên bác sĩ ở đây phải làm việc căng thẳng, chịu áp lực cả về thể chất lẫn tâm lý. Trong khi đó, với tốc độ phát triển khá nhanh, các BVTN đang “trải thảm đỏ” đón mời bác sĩ với thu nhập cao, nhiều ưu đãi và không nặng áp lực công việc. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều bác sĩ bệnh viện công lập xin chuyển ra BVTN.

Tăng thu nhập, đào tạo theo địa chỉ

Trong khi nhiều bệnh viện công bị hao hụt bác sĩ thì cũng có không ít bệnh viện công không hề lo lắng tình trạng trên; điển hình như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai), Bệnh viện Nhi đồng I và Bệnh viện quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh)… Điểm chung của các bệnh viện này là bảo đảm tốt các chế độ, chính sách ưu đãi dành cho bác sĩ. Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức Nguyễn Minh Quân chia sẻ: “Bác sĩ hay giáo viên cũng vậy, muốn họ tận tâm với nghề, hết lòng vì công việc thì điều cốt lõi phải là đồng lương ổn định đủ để họ không bị chi phối bởi cơm áo gạo tiền; đồng thời môi trường làm việc phải có điều kiện phát triển chuyên môn và có cơ hội học tập, thăng tiến. Đáp ứng đầy đủ những yếu tố này sẽ giữ được bác sĩ có tay nghề và kinh nghiệm gắn bó với bệnh viện công”.

Tuy nhiên, thực tế ba yếu tố mà bác sĩ Quân nêu ra thì bệnh viện công mới chỉ đáp ứng được một, đó là cơ hội học tập, thăng tiến. Còn môi trường làm việc không phải bệnh viện công nào cũng thân thiện, thoải mái, trọng dụng nhân tài, nhất là tuyến cơ sở và địa bàn vùng sâu, vùng xa. Thu nhập của bác sĩ cũng chỉ xếp loại thường thường hoặc thấp, do bộ máy của bệnh viện công khá cồng kềnh. Với kinh nghiệm thành công bước đầu, bác sĩ Phạm Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, chia sẻ: “Ngoài thu nhập ban đầu bảo đảm mức sống còn phải tạo môi trường làm việc thân thiện, bình đẳng, có định hướng phát triển tài năng, nâng cao tay nghề của các bác sĩ. Theo tôi, lãnh đạo các bệnh viện công cần năng động, sáng tạo trong thực hiện các dịch vụ tăng thu nhập một cách chính đáng cho cán bộ, nhân viên ngoài đồng lương cơ bản; đồng thời kiến nghị với chính quyền địa phương tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, máy móc cho ngành y và hỗ trợ nơi ở, điều kiện sinh hoạt cho bác sĩ tùy theo mức độ cống hiến”.

Mặt khác, điều chỉnh cơ chế cũng cần đi đôi với điều chỉnh lương. Bác sĩ Trần Văn Mạnh, Phó giám đốc bệnh viện Đa khoa Bình Thuận, so sánh: “Một bác sĩ học 6 năm, thêm 2 năm thực tập mới có chứng chỉ hành nghề để được khám, chữa bệnh, nhưng lương khởi điểm của họ cũng chỉ bằng những người học các ngành nghề khác trong 4 năm. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách tiền lương thích hợp đối với bác sĩ để khích lệ lòng yêu nghề, gắn bó với bệnh viện của đội ngũ thầy thuốc”.

Cùng với cơ chế, chính sách để tăng thu nhập cho bác sĩ, vấn đề đào tạo theo địa chỉ, có mục đích sử dụng rõ ràng cũng là giải pháp thiết thực, được nhiều địa phương xem xét, áp dụng. Theo ông Đặng Minh Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực y tế và thu hút cán bộ y tế là hai chính sách cơ bản để tạo động lực "giữ chân" đội ngũ bác sĩ hiện tại và thu hút thêm các bác sĩ có tay nghề về làm việc tại đơn vị y tế công lập. Ngoài ra, mỗi địa phương cần đẩy mạnh chương trình đào tạo bác sĩ theo địa chỉ sử dụng và có sự ràng buộc chặt chẽ; phối hợp với các học viện, nhà trường để xây dựng nguồn bác sĩ có trình độ, bảo đảm tay nghề bổ sung về các bệnh viện công lập và giáo dục ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân cho đội ngũ bác sĩ khắc phục tình trạng "nhảy việc" tràn lan.

YẾN LONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/can-co-che-dai-ngo-va-moi-truong-lam-viec-thuan-loi-540141