Cần có biện pháp để giảm thiểu kết hôn trẻ em

Khác với diễn ngôn cho rằng, trẻ em kết hôn do người lớn ép buộc hay xúi giục, một số nhà nghiên cứu lại chỉ ra trẻ em mới chính là chủ thể quyết định kết hôn của mình.

Một đám cưới tảo hôn ở vùng núi Quảng Trị

Một đám cưới tảo hôn ở vùng núi Quảng Trị

Kết hôn trẻ em là một thực trạng đã và đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số. Theo kết quả Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2014 do Tổng cục Thống kê và UNICEP thực hiện cho thấy, tỷ lệ nữ giới (ở độ tuổi 20 – 49) kết hôn trước 18 tuổi chiếm 11,2%, nữ giới đang trong độ tuổi 15 – 19 đã kết hôn là 10,3%.

Tỷ lệ kết hôn trẻ em đặc biệt phổ biến trong các tộc người thiểu số. Tỷ lệ tảo hôn chung trong các dân tộc thiểu số là 26,6%, cao gấp 18 lần so với dân tộc Kinh (1,4%) và gấp 10 lần so với tỷ lệ chung của cả nước (2,5%). Theo khảo sát của Ủy ban Dân tộc vào năm 2015, trong 53 cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, trung bình cứ 4 cuộc hôn nhân thì có một cặp tảo hôn. Có tới 40 trong số 53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn trên 20%. Đặc biệt có 6 tộc người thiểu số có tỷ lệ này lên tới 50 – 60%, đó là: Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Raglay và Bru - Vân Kiều.

Theo Tổ chức Plan International Việt Nam, trong số các tỉnh thành nằm trong vùng dự án hỗ trợ của tổ chức này, thì các tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Quảng Trị, Quảng Bình, Kon Tum có tỷ lệ kết hôn trẻ em rất cao. Mặt khác, theo nghiên cứu của các chuyên gia do viện iSEE chủ trì thực hiện tại 4 tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình, Điện Biên, Quảng Trị, khác với diễn ngôn cho rằng, trẻ em kết hôn do người lớn ép buộc hay xúi giục, trẻ em ở các địa bàn nghiên cứu lại chính là chủ thể quyết định việc kết hôn của mình. Tuy nhiên, quyết định kết hôn của các em lại bị chi phối bởi sự giới hạn lựa chọn và bất bình đẳng giới. Phần lớn các cặp kết hôn trẻ em đều bỏ học từ khá sớm, thường chỉ học hết cấp 2.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc duy trì thực hành kết hôn trẻ em. Đời sống kinh tế nông nghiệp và những qui chuẩn văn hóa tộc người là những nguyên nhân gốc rễ. Nhiều chuyên gia cho rằng, “sức ỳ” của phong tục tập quán truyền thống, bất bình đẳng giới, động cơ kinh tế, sự thiếu hiểu biết của người dân, sự thiếu hụt các dịch vụ tư vấn pháp lý về hôn nhân và gia đình, sự yếu kém trong quản lý của Nhà nước về hôn nhân là những nguyên nhân cơ bản.

Tuy nhiên cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng, không phải các phong tục tập quán truyền thống mà chính sự du nhập các làn sóng văn hóa hiện đại mới là nguyên nhân tác động, ảnh hưởng đến hiện trạng kết hôn trẻ em của các nhóm dân tộc thiểu số gần đây. Sự tiếp cận của trẻ em với các phương tiện liên lạc hiện đại như: điện thoại, Internet, các mạng xã hội, ứng ụng tương tác: Facebook, Blog, Zalo, Mesenger,…cũng như cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư thuận lợi, sự gia tăng phương tiện cá nhân, sự phổ biến của tivi và việc đơn giản hóa các nghi thức kết hôn so với truyền thống khiến áp lực tài chính khi kết hôn giảm xuống,…trong bối cảnh mà trẻ em dân tộc thiểu số vẫn khó khăn tiếp cận với giáo dục trình độ trung học phổ thông, thiếu thông tin về sức khỏe sinh sản, ít cơ hội việc làm,…lại khiến cho tình trạng kết hôn sớm quay lại và dường như phổ biến hơn giai đoạn trước.

Gia đình có con kết hôn sớm ở Quảng Trị

Như tại địa bàn Quảng Trị, theo báo cáo của Sở LĐ – TB&XH, tỉnh này có 182.450 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 30% dân số). Số trẻ em có hoành cảnh đặc biệt và có nguy cơ rời vào hoàn cảnh đặc biệt trên 20.000 trẻ. Tình trạng kết hôn trẻ em xảy ra phổ biến nhất là trên địa bàn 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa. Tại Đakrông, trong giai đoạn từ 2010 đến nay có đến 827 cặp tảo hôn. Trong khi đó, theo thống kê của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Hướng Hóa trong giai đoạn 2012 – 2017, trên địa bàn huyện có 618 cặp tảo hôn, trung bình mỗi năm có trên 120 cặp. 9 tháng đầu năm 2018, huyện này đã có đến 93 cặp tảo hôn, trong đó xã Thanh là đơn vị có số cặp tảo hôn cao nhất với 10 cặp. Độ tuổi kết hôn nhỏ nhất theo khảo sát của Sở LĐ – TB&XH là 12 tuổi.

Trường hợp của cặp vợ chồng Hồ Thị H. và Hồ Văn B. (ở thôn Ba Ngào, xã Đakrông, huyện Đakrông, Quảng Trị) là một ví dụ. Hai em được bố mẹ tổ chức lễ cưới khi cả 2 chưa đủ tuổi kết hôn. Năm H. về làm vợ B., em chỉ mới 15 tuổi và chỉ một năm sau em đã sinh con. Dù công việc nhà đã có bố mẹ chồng đỡ đần nhưng để làm tròn trách nhiệm của một người vợ và người mẹ đối với một cô bé đang tuổi ăn, tuổi lớn như H. là quá vất vả.

Hệ quả của việc kết hôn trẻ em là gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Kết hôn trẻ em cũng dẫn đến nhiều hậu quả, như: gia tăng tỷ lệ nghèo đói, trẻ mất cơ hôi tiếp cận giáo dục, cơ hội việc làm và chịu sự tác động từ mạng lưới xã hội xung quanh cũng như những chuẩn mực xã hội về hôn nhân,…Mặt khác, nó còn ảnh hưởng xấu đến chất lượng dân số và làm suy thoái giống nòi; làm tăng chi phí và áp lực cho xã hội để giải quyết các hậu quả do tảo hôn gây ra trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, tảo hôn là một hành vi bị coi là vi phạm pháp luật, các chủ thể của nó có thể bị xử lý theo quy định. Kết hôn sớm sẽ không làm được giấy đăng ký kết hôn dẫn đến không làm được giấy khai sinh cho con khi sinh con. Khi đứa trẻ không có đăng ký khai sinh sẽ mất cơ hội thụ hưởng các chính sách ưu tiên,…

THẢO VI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thuc-trang-ket-hon-tre-em-o-viet-nam-d84075.html