Cần có biện pháp căn bản, chiến lược để Việt Nam không trở thành nước dân số già

Sáng 29-6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự Hội nghị Tổng kết 5 năm công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) giai đoạn 2011-2015, triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng biểu dương nỗ lực của ngành y tế, những người làm công tác dân số, chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội trong 5 năm đã nỗ lực hoàn thành phần lớn các chỉ tiêu đề ra về DS-KHHGĐ, trong đó có cả những vấn đề cấp bách lẫn những vấn đề chiến lược, dài hơi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dù quy mô dân số Việt Nam vẫn đạt chỉ tiêu đề ra, song tốc độ tăng dân số nhanh hơn trong mấy năm gần đây cần phải được nghiên cứu. Đáng quan ngại hơn, tốc độ tăng dân số không đồng đều không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản (SKSS), giới tính, bà mẹ, trẻ em... mà còn liên quan tới cả lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục...

Nhắc đến câu chuyện già hóa dân số là một trong những thách thức rất lớn đối với công tác dân số hiện tại và tương lai, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, Việt Nam sẽ trở thành nước dân số già có tốc độ điển hình trên thế giới nếu không có các biện pháp căn bản, có tính chiến lược. Vấn đề này kéo theo áp lực rất lớn đối với hệ thống an sinh xã hội mà ngay cả những nước như Nhật Bản vốn có hệ thống BHXH, BHYT 100% vẫn còn rất lo ngại.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, ngành dân số phải khẩn trương tổng kết từ thực tiễn, phân tích xu thế trên thế giới cũng như các cơ sở lý luận trên tinh thần phát huy thành tích, nhìn vào các điểm còn bất cập để có những điều chỉnh phù hợp.

Báo cáo của Tổng cục Dân số cho biết, giai đoạn 2011-2015, tổng kinh phí dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ là 5.384 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011-2015, công tác dân số đã đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra theo chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 như quy mô dân số dưới 93 triệu người; tỷ lệ tăng dân số khoảng 1%/năm; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai luôn trên 76%... Công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh được đẩy mạnh giúp nâng tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh năm 2015 đạt 30% (tăng 20 lần so với năm 2010); trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 30% (tăng 6 lần so với năm 2010). Qua đó làm giảm tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh xuống còn 1,57% so với mục tiêu 2,5%.

B.P

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/can-co-bien-phap-can-ban-chien-luoc-de-viet-nam-khong-tro-thanh-nuoc-dan-so-gia/