Cần có biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước hiệu quả

Bí mật nhà nước ở trong bất kỳ giai đoạn nào, đối với nhà nước nào cũng được coi là 'tài sản' đặc biệt, giữ vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng nhà nước, liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực rộng lớn cả về chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh...

Chuyện pháp luật

Các nhà chuyên môn đưa ra khái niệm bí mật nhà nước (BMNN) được hiểu là những thông tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói hoặc các dạng khác có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, kinh tế, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố. BMNN khi bị tiết lộ, công khai rất có thể gây nguy hại cho Nhà nước, tổ chức. Rõ ràng, với bất cứ quốc gia nào, trong bối cảnh xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, BMNN được hiểu là điểm cốt tử, yếu huyệt trong nhiều vấn đề, lĩnh vực quốc gia đại sự, mang tầm lợi ích quốc gia chiến lược căn cơ, cẩn mật, cần có những biện pháp bảo vệ hữu hiệu, với mức độ cao nhất.

Theo các tài liệu nghiên cứu gần đây, nhận định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra nhanh chóng, đi theo nó là những cơ hội thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức, nguy cơ với từng quốc gia. Theo khảo sát của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, chỉ số an toàn thông tin (ATTT) của Việt Nam trong năm 2016 là 59,9%. Đây là bước tiến đáng kể trong những năm qua, bởi năm 2015, con số này là 47,4%. Tuy lần đầu chỉ số ATTT của Việt Nam vượt ngưỡng trung bình, nhưng theo các chuyên gia, với mức độ tiến công ngày càng mạnh, kỹ thuật tiến công ngày càng tinh vi của tin tặc, các tổ chức, doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác hơn nữa với tội phạm mạng.

Thực tiễn áp dụng pháp luật về bảo vệ BMNN ở nước ta thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập, không những từ nhận thức của người dân, của cơ quan có BMNN, mà còn trong cả quá trình thực hiện nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cụ thể: Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa đặt công tác bảo vệ BMNN vào đúng vị trí của nó, nhiều lúc còn buông lỏng, lơ là, sơ hở để xảy ra lộ, lọt, mất BMNN. Công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ BMNN ở các tổ chức, cơ quan nhà nước chưa được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Ngoài ra, có không ít trường hợp lợi dụng danh nghĩa bảo vệ BMNN để che giấu thông tin, không giải mật những thông tin không còn mật, gián tiếp làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

Thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng đây là luật khó, khó bởi vừa yêu cầu bảo đảm thông tin mật của Nhà nước nhưng đồng thời cũng bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân. Những quy định trong luật làm sao bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và Luật Tiếp cận thông tin. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được thảo luận vừa qua tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra; cơ quan soạn thảo luật đã nhấn mạnh việc cần quy định thời gian giải mật đối với các BMNN ở phạm vi Tuyệt mật, Tối mật, Mật. Một số ý kiến cho rằng xây dựng luật lĩnh vực này cần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như không ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của người dân, do vậy cần rà soát kỹ quy định của dự thảo luật này và các luật khác liên quan, trong đó có Luật Lưu trữ, để bảo đảm các quy định không được “vênh” nhau. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu dẫn chứng: lịch đi công tác của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, lịch đi máy bay, là tài liệu tuyệt mật, nhưng sau khi lãnh đạo đoàn hạ cánh xuống sân bay là hết “tuyệt mật” thì không có lý do gì phải để đến 30 năm?! Do đó, cần quy định cụ thể những trường hợp đương nhiên hết hạn bảo mật.

Cho ý kiến về dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, luật này khó và quan trọng, trong hoạt động của Nhà nước phải bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch. Cụ thể, cái gì cần bảo vệ, cần công khai, minh bạch thì phải thể hiện rõ, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Hơn nữa, để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ BMNN, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cần quy định trình tự, thủ tục trong việc bảo quản BMNN; trong việc in, sao, chụp BMNN nhằm tránh tình trạng để lọt BMNN ra bên ngoài. Trên cơ sở đó, cần quy định cụ thể những chủ thể có thẩm quyền cho phép in, sao, chụp BMNN để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ công tác.

Rõ ràng, từ những vấn đề thực tiễn và qua nghiên cứu, trong bối cảnh hiện nay đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới cho công tác bảo vệ BMNN. Trong thời gian tới, các cơ quan hữu quan tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ BMNN, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ BMNN ở các cơ quan, đơn vị. Qua công tác tổ chức sơ kết, tổng kết công tác bảo vệ BMNN kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, khắc phục những vướng mắc, hạn chế, chủ động phòng ngừa, phát hiện các vụ lộ, lọt hoặc các hành vi chiếm đoạt BMNN. Bảo vệ BMNN góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước được xem là nhiệm vụ và yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài.

THÁI ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/37203002-can-co-bien-phap-bao-ve-bi-mat-nha-nuoc-hieu-qua.html