Cần chuyển vụ Đường 'Nhuệ' về Bộ Công an

Vì sao tân giám đốc Công an tỉnh Thái Bình nhận nhiệm vụ, băng nhóm Đường Nhuệ mới bị triệt phá? Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ phòng chống tội phạm của TP và tỉnh Thái Bình đến đâu?

Sau hơn 2 tuần, kể từ ngày Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, điều tra vợ chồng "đại gia" Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ") - Nguyễn Thị Dương và đồng phạm về tội "Cố ý gây thương tích", các vụ án trước đây liên quan đến vợ chồng "đại gia" này bị "chìm xuồng" đã được phục hồi điều tra. Đây là bước đi cần thiết giúp các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Thái Bình bóc gỡ những mảng tối liên quan đến các hành vi phạm tội của vợ chồng Đường "Nhuệ" và đồng phạm.

Có sự móc ngoặc, bảo kê?

Vụ án này có những nét hao hao vụ án Trương Văn Cam (Năm Cam) và đồng phạm. Tất nhiên về quy mô, phương thức, thủ đoạn thực hiện tội phạm khác nhau nhưng có điểm chung: Dấu hiệu hoạt động theo kiểu băng nhóm xã hội đen.

Dĩ nhiên, quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng hành vi, từng nhóm lĩnh vực mà Đường "Nhuệ" và đồng bọn lũng đoạn, thâu tóm trong thời gian dài. Đã có nhiều thông tin nghi vấn về hoạt động đấu giá đất vàng có sự tham gia của Công ty TNHH Đường Dương do Nguyễn Thị Dương làm giám đốc. Theo thông tin, có những lô đất được Công ty TNHH Đường Dương mua trúng đấu giá với mức cao hơn mức khởi điểm 2.300 - 10.000 đồng/m2. Không chỉ diễn ra một lần mà nhiều lần, từ năm 2015 đến nay nhưng không bị phát hiện, xử lý là điều hết sức bất thường. Cơ quan tố tụng cần làm rõ có sự móc ngoặc, bảo kê từ những người được giao nhiệm vụ tổ chức đấu giá, phê duyệt kết quả đấu giá hay không? Việc khởi tố một số người của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản và Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên Thái Bình (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình) chỉ là bước khởi đầu.

Đối với hành vi thao túng hoạt động hỏa táng, việc cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình khởi tố Nguyễn Xuân Đường, Ninh Đức Lợi về tội "Cưỡng đoạt tài sản" vào chiều 22-4 là cơ sở pháp lý quan trọng để điều tra các hoạt động bảo kê.

Nếu sai, phải xử lý đến nơi đến chốn

Liên quan đến nhóm hành vi "Cố ý gây thương tích", Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Đường "Nhuệ" để điều tra về tội "Cố ý gây thương tích" xảy ra ngày 18-11-2014 ngay tại trụ sở Công an phường Trần Lãm. Vụ này, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã khởi tố, sau đó lại tạm đình chỉ điều tra với lý do "chưa xác định được bị can". Quyết định tạm đình chỉ vụ án do trung tá Cao Giang Nam ký đã để lại nhiều hoài nghi trong dư luận. Chắc chắn sau khi phục hồi điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình sẽ làm rõ lý do tạm đình chỉ vụ án có căn cứ hay không; trách nhiệm của trung tá Cao Giang Nam đến đâu…? Nếu quyết định tạm đình chỉ là đúng, cần giải tỏa cho trung tá Cao Giang Nam; ngược lại, quyết định này sai thì cần phải xử lý trách nhiệm đến nơi đến chốn. Ngoài ra, cần xem xét trách nhiệm của VKSND TP Thái Bình. Bởi lẽ, quyết định tạm đình chỉ vụ án của Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình phải được sự đồng thuận từ phía VKSND TP Thái Bình.

Với thời gian dài "tác oai tác quái", hành vi của Đường "Nhuệ" không chỉ dừng lại các tội danh và các hành vi bị khởi tố mà nhiều hành vi khác cũng cần phải được làm rõ. Nhiều câu hỏi đặt ra cần được giải đáp: Hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian dài của Đường "Nhuệ" và đồng phạm, các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thái Bình biết không? Vì sao đến khi tân giám đốc Công an tỉnh Thái Bình nhận nhiệm vụ, băng nhóm Đường "Nhuệ" mới bị triệt phá? Trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ phòng, chống tội phạm của TP Thái Bình và tỉnh Thái Bình đến đâu…?

Cũng chính vì vậy, nên chăng Bộ Công an cần xem xét, chuyển chuyên án này về bộ điều tra?

Lâm Hoàng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/thu-hoi-giay-phep-quan-karaoke-cho-10-nam-nu-bay-lac-giua-mua-dich-20200420183322115.htm