Cần chung tay của toàn xã hội

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mỗi năm có hơn 1.000 trường hợp xâm hại tình dục trẻ em. Điều đáng buồn, theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng tại Hội nghị Quốc gia về Tình dục, sức khỏe và xã hội lần thứ 3 tổ chức ngày 29/11/2016, có đến 73% thủ phạm là người quen.

Hãy đề cao cảnh giác

Phát biểu tại Hội nghị Quốc gia về Tình dục, sức khỏe và xã hội lần thứ 3 với tiêu đề “Nạn nhân hay tội nhân: Những rào cản văn hóa và thể chế trong việc nhìn nhận và giải quyết bạo lực tình dục tại Việt Nam” ngày 29/11, bà Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhấn mạnh: “Bạo lực tình dục là tội ác nghiêm trọng chống lại phụ nữ và trẻ em, chà đạp quyền cơ bản nhất của con người là được sống an toàn và được tôn trọng nhân phẩm”.

Bà Hồng cũng lưu ý, bạo lực tình dục có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ và trẻ em nào chứ không chỉ với những phụ nữ và trẻ em ăn mặc gợi cảm hoặc có cử chỉ hớ hênh như nhiều người vẫn lầm tưởng. Ngoài ra, nhiều vụ bạo lực tình dục cũng xảy ra ở những địa điểm thường được coi là an toàn như trường học, công sở hay chính trong nhà của nạn nhân.

Ảnh minh họa: nguồn internet

“Trái với quan điểm cho rằng phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế giao du với người lạ, số liệu thống kê cho thấy 73% thủ phạm là người quen. Thủ phạm gồm cả những người được cho là đáng tin cậy như người cao niên, giáo viên, những người nổi tiếng hay cả những người trong hệ thống thực thi pháp luật…” – bà Hồng cho biết thêm. Cũng theo bà Hồng, bạo lực tình dục dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, tinh thần và cả tài chính cho nạn nhân.

Cùng nhau hành động

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNPFA) cho biết: “Chúng ta thường chỉ nghĩ đến bạo lực như là những hành vi dùng sức mạnh, gây ra những tổn thất về thể chất, kinh tế và tinh thần có thể nhìn thấy và đo lường. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều các hành vi bạo lực vô hình, khó đo lường, vì thế không thể được thừa nhận. Sự vô hình và không được thừa nhận này càng làm nghiêm trọng tình trạng bạo lực tình dục. Do đó, bạo lực không dễ xác định, bạo lực tình dục trong các mối quan hệ tình cảm gần gũi khó được báo cáo hơn vì nó được che giấu bởi các khuôn mẫu giới và văn hóa. Nam giới thường nghĩ rằng họ có “quyền” kiểm soát thân thể và tình dục của người phụ nữ”. Đi thẳng vào vấn đề này, bà Astrid Bant cho hay, bạo lực tình dục đã trở thành vấn nạn, nó xuất phát từ quan niệm “trọng nam khinh nữ”. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận lại về vấn đề này, cần thay đổi về cấu trúc “quyền lực” để đảm bảo rằng có sự bình đẳng thực sự giữa nam giới và nữ giới.

“Đã đến lúc mọi người coi bạo lực tình dục phải là câu chuyện của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Các nhà giáo dục và những người làm truyền thông đóng vai trò then chốt trong thành công của sự thay đổi này. Các nạn nhân của bạo lực cần được trao cơ hội để được lên tiếng và được lắng nghe.

Còn theo thông tin do bà Khuất Thu Hồng cung cấp, trong số 322 vụ bạo lực tình dục được đưa tin trên báo từ năm 2011-2016, có 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, trong đó có những em bé chỉ mới 2 tuổi; 60% nạn nhân từ 11-25 tuổi; gần 5% nạn nhân trên 40 tuổi, trong đó có cả những cụ bà, 32% là những vụ bạo lực kép; nạn nhân bị cưỡng hiếp, cướp tài sản, bị hành hung thậm chí bị giết chết; 13,5% là các vụ cưỡng hiếp tập thể.

Bên cạnh đó, bà Astrid Bant nhận định thêm, thực trạng bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam vẫn chưa được phản ánh đầy đủ và giải quyết hiệu quả. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ những rào cản thể chế, văn hóa và xã hội. Sự yếu thế nằm ở chính việc họ bị trói chặt bởi các quan niệm bất bình đẳng về giá trị giới, đặc biệt là các trói buộc về đạo đức, khiến nạn nhân bị đơn độc trong cuộc đấu tranh bảo vệ nhân phẩm, thân thể và chỗ đứng của mình trong xã hội. Yếu thế và dễ bị tổn thương nhất là các nhóm phụ nữ và trẻ em nghèo, các nhóm thiểu số về tình dục và giới, những người di cư.

“Chịu sức ép vô hình từ những quan niệm sai lầm về tình dục, về nam tính/nữ tính cùng với những định kiến và khuôn mẫu giới bất bình đẳng, cộng đồng, gia đình, bản thân các nạn nhân đôi khi cũng chấp nhận cam chịu. Nạn nhân phải tự tìm cách đương đầu với hậu quả bạo lực, lạm dụng và quấy rối tình dục hơn là lên tiếng đòi lại sự công bằng và kết nối với nhau để đấu tranh chống lại những vấn nạn đó” – bà Astrid Bant cho hay.

Đề xuất về những tồn tại nêu trên, bà Shoko Ishikawa – Trưởng đại diện Cơ quan Liên hiệp Quốc vì Bình đẳng Giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam mong muốn, bạo lực tình dục phải được nhìn nhận đúng mức hơn và cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa từ tất cả các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chức năng, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.

Ngoài ra, bà Shoko Ishikawa cũng kêu gọi: “Đã đến lúc mọi người coi bạo lực tình dục là câu chuyện của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Các nhà giáo dục và những người làm truyền thông đóng vai trò then chốt trong thành công của sự thay đổi này. Các nạn nhân của bạo lực cần được trao cơ hội để được lên tiếng và được lắng nghe”.

Thu Trang

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-chung-tay-cua-toan-xa-hoi-46047.html