Cần chú trọng hệ thống truyền thanh cơ sở để cảnh báo mưa lũ

(Baoquangngai.vn)- Đang mùa mưa lũ, hệ thống truyền thanh cơ sở đóng vai trò đặc biệt quan trọng để truyền tải thông tin trong tình thế khẩn cấp như mưa, lũ, bão đến các khu dân cư...

“Mù” thông tin về mưa lũ

Nằm bên bờ sông Vệ, sống chung với lũ tự bao đời, người dân ở thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) vẫn thấp thỏm mỗi khi mùa mưa lũ đến. Chỉ cần vài trận mưa lớn, là Mỹ Hòa đã trắng làng. Hệ thống điện thường bị cắt nên người dân không thể theo dõi được diễn biến mưa lũ qua truyền hình, điện thoại… Đường sá bị chia cắt nên chính quyền cũng không thể truyền tải thông tin trực tiếp đến người dân.

Những đợt lũ đi qua gây thiệt hại nặng nề nhưng hầu như bà con “mù” thông tin cảnh báo mưa lũ, vì hệ thống loa truyền thanh của xã ở khoảng cách xa, không thể phát sóng đến tận khu dân cư.

Trong mưa lũ, hầu hết người dân ở vùng trũng, vùng sâu, vùng xa vùng xa dân cư "mù" thông tin về diễn biến mưa lũ.

Bà Nguyễn Thị Anh, một người dân ở thôn Mỹ Hòa cho biết, việc tiếp nhận thông tin cảnh báo mưa lũ của người dân rất hạn chế. Nước tràn về, dân lại chạy đến nhà văn hóa thôn tránh lũ. Những ngày mưa lũ, người dân lại nhấp nhỏm vì thông tin truyền miệng thủy điện xả lũ.

Xưa nay bà con rất mong có hệ thống cảnh báo cũng như lắp đặt cụm loa ngay tại địa bàn thôn để hỗ trợ người dân. Rất mừng là mới đây, hệ thống loa truyền thanh đã được lắp đặt tại nhà văn hóa thôn, giúp người dân tiếp cận thông tin hằng ngày, đặc biệt là diễn biến mưa lũ để kịp thời phòng tránh.

Trên thực tế, không chỉ người dân thôn Mỹ Hòa mà nhiều dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng “mù” thông tin về mưa lũ, vì hệ thống loa truyền thanh cơ sở đóng vai trò đặc biệt quan trọng để truyền tải thông tin trong tình thế khẩn cấp đến khu dân cư đang trong tình trạng không hoạt động.

Hệ thống loa truyền thanh cơ sở vừa thiếu, vừa hư hỏng.

Thế mới có chuyện mùa mưa lũ năm 2017, người dân ở huyện Mộ Đức, Đức Phổ chuẩn bị phương án ứng phó vì “tin đồn” Nhà máy Thủy điện Đakđrinh (Sơn Tây) sắp xả lũ về trong khi họ không nằm ở vùng hạ du của thủy điện này.

Vừa thiếu, vừa không thể hoạt động

Trưởng Phòng Bưu chính viễn thông, Sở TT&TT, ông Trần Duy Linh cho biết, hiện nay hệ thống đài truyền thanh cơ sở ở 90/184 xã trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, hư hỏng, đang sử dụng tần số không đúng theo quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình dẫn đến công tác truyền thông ở cơ sở còn hạn chế, nhất là ở các xã của huyện miền núi Tây Trà.

Với nguồn kinh phí hạn hẹp, trong năm 2018, Sở TT&TT chỉ đầu tư, nâng cấp được 10 hệ thống đài truyền thanh xã trong kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 để đạt tiêu chí thông tin và truyền thông theo quy định.

Hệ thống truyền thanh cơ sở đóng vai trò quan trọng, là kênh cung cấp các thông tin chính thống, thiết thực cho cuộc sống của người dân, đặc biệt là trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tuy nhiên hiện nay hệ thống loa truyền thanh ở các xã, thôn vừa thiếu vừa không thể hoạt động

“Địa bàn nông thôn và miền núi thường trải rộng, dân cư lại sống rải rác thì việc trang bị hệ thống loa, loa cầm tay cho các xóm, khu dân cư để cảnh báo mưa lũ rất hiệu quả. Dù nguồn kinh phí đầu tư rất ít nhưng chưa được các địa phương quan tâm đúng mức” - Trưởng Phòng Quản lý rủi ro thiên tai, Chi cục Thủy lợi, ông Bùi Văn Thái nói.

Nhờ chiếc loa tay mà trưởng bản Cà Văn Biên, xã Nặm Păm, Mường La, tỉnh Sơn La đã kịp thời cứu sống 178 hộ dân trong đợt lở núi vào đầu tháng 8.2018. Ảnh.Tuổi trẻ.

Trong 2 năm 2016 - 2017, cùng với việc tổ chức diễn tập để nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai cho chính quyền địa phương và người dân, Dự án Nâng cao năng lực ứng phó phòng hộ trước tác động của thiên tai tại các tỉnh miền Trung Việt Nam đã hỗ trợ cho 7 xã thuộc vùng dự án 22 loa tay. Sắp tới sẽ lắp đặt thêm 4 cụm loa tại các thôn trọng yếu ở rốn lũ xã Đức Hòa (Mộ Đức).

Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, sức tàn phá của thiên tai càng nghiêm trọng hơn.

Mặc dù trước mỗi mùa mưa bão, chính quyền luôn chủ động, có phương án, kế hoạch phòng chống, ứng phó với thiên tai nhưng thiệt hại do mưa bão, lũ sẽ vô cùng lớn nếu thông tin không kịp thời đến với người dân để chủ động phòng tránh.

Trong đợt kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại các địa phương mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính lưu ý các địa phương tăng cường tuyên truyền sâu rộng để người dân chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi có thiên tai, mưa lũ, sự cố hồ đập thủy điện.

Đặc biệt cần phát huy hệ thống loa cảnh báo lũ ở khu dân cư trong những tình huống khẩn cấp để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Bài, ảnh: A.KIỀU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/201811/can-chu-trong-he-thong-truyen-thanh-co-so-de-canh-bao-mua-lu-2919699/